Chính sách với người di cư: Mỗi nước một kiểu

Theo thống kê của Cơ quan kiểm soát biên giới khu vực Schengen (Frontex), trong 7 tháng đầu năm đã có khoảng 340.000 người di cư đổ về biên giới Liên minh châu Âu. Luồng người di cư từ Trung Đông và nhiều khu vực khác tràn vào EU đã gây ra những vấn đề nghiêm trọng và được đánh giá là một trong những cuộc khủng hoảng tỵ nạn lớn nhất mà châu lục phải đối phó kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Trước vấn đề này, Italy, Hy Lạp, Rumani hay Đức, Pháp, mỗi nước giải quyết vấn đề dòng người di cư từ Trung Đông tràn vào một kiểu khác nhau.

Đức cởi mở hơn đối với người nhập cư

Từ khi vấn đề người di cư bùng nổ thành cuộc khủng hoảng lớn, Thủ tướng Đức đã có bước đi mạnh mẽ điều chỉnh chính sách từ trước đến nay được coi là thiên hữu sang xu hướng mở cửa với người nhập cư. Nội trong tuần qua, bà Merkel đã có hai cử chỉ đáng chú ý, một là tuyên bố sẵn sàng đón tiếp người dân Syria tới Đức và hai là tới thăm một trung tâm dành cho người tỵ nạn bị các phần tử phát xít mới đốt cháy tại thành phố Heidenau. Trước đó một ngày, Berlin đã tuyên bố sẽ không trả người Syria nhập cư bất hợp pháp về lại nước xuất phát.

Bà Merkel tuyên bố sẽ phải duy trì lòng tin và một triển vọng tương lai cho những nước khởi điểm của làn sóng tị nạn vào EU hiện nay. Ảnh: AFP/TTXVN


Người đứng đầu chính phủ Đức không hẳn đã làm một cuộc thay đổi thực sự, tuy nhiên các chuyên gia phân tích nhất trí cho rằng dưới sự lãnh đạo của bà cánh hữu Đức đã nhìn nhận vấn đề nhập cư với con mắt tích cực hơn. Về điểm này, đảng cầm quyền đã gần hơn với chính sách của các liên minh cánh tả trong thập kỷ 1990. Các chính phủ dưới thời bà Merkel đã từng bước điều chỉnh luật dành cho người nhập cư và đơn giản hóa thủ tục cấp quyền tỵ nạn, tạo điều kiện cho người tỵ nạn gia nhập thị trường lao động. Thực tế, Đức đang phải đối mặt với tình trạng lão hóa dân số, trong khi nền kinh tế tri thức, công nghệ cao đang hoạt động với cường độ lớn, có nguy cơ thiếu nhân công trình độ cao. Hiện nay, giới chủ Đức đã có tiếng nói chung với những người muốn tiếp nhận vào hỗ trợ hội nhập người nước ngoài càng nhanh càng tốt. Đây là những nhân tố quan trọng góp phần thay đổi cách tiếp cận của Berlin trên lĩnh vực này.

Là nền kinh tế lớn và ổn định, Đức được coi là thiên đường với người nhập cư. Số liệu thống kê chính thức cho thấy có khoảng 800.000 người tỵ nạn đang chờ xét duyệt hồ sơ. Trước áp lực lớn, chính phủ một mặt yêu cầu Liên minh châu Âu phải phối hợp và đoàn kết với nhau hơn, mặt khác tăng cường giúp cho các địa phương đang bị quá tải qua hỗ trợ tài chính và kêu gọi viên chức về hưu quay trở lại làm việc thêm. Tuy vậy, giới lãnh đạo Berlin nhìn nhận đây là bài toán không dễ dàng. Theo phó thủ tướng Sigmar Gabriel, vấn đề nhập cư “là thách thức lớn nhất của châu Âu, lớn hơn cả cuộc khủng hoảng Hy Lạp hay khủng hoảng tài chính 2008”, đồng thời chỉ trích “phần lớn các nước thành viên EU cho rằng, điều này không liên quan gì tới họ”.

Italy dưới sức ép lớn

Theo thống kê của Cơ quan kiểm soát biên giới khu vực Schengen (Frontex), khoảng 5.300 người di cư đã được cứu sống ngoài khơi Libya, chỉ trong một tuần qua. Từ đầu năm, đã có ít nhất 95.000 người di cư được cứu sống trên biển Địa Trung Hải và đưa đến các trung tâm tỵ nạn ở Italy. Bị cả Pháp và Đức chỉ trích mạnh mẽ vì không thiết lập các trung tâm đăng ký đối với trường hợp nhập cảnh lần đầu (để phân loại người xin tỵ nạn và các đối tượng khác), Roma đã đáp trả qua tuyên bố của ngoại trưởng Paolo Gentiloni: “Italy làm điều cần phải làm, thậm chí còn hơn nữa, để cứu sống hàng chục nghìn sinh mạng và đón tiếp người tỵ nạn. Chúng tôi là tấm gương tích cực trên bình diện thế giới”.

Người di cư được tàu của hải quân Ireland cứu sống trên Biển Địa Trung Hải về tới cảng Messina, Italy ngày 29/7. Ảnh: AFP/TTXVN


Để phát hiện và hỗ trợ các chuyến tàu chở người di cư bất hợp pháp gặp nguy cơ, chính phủ Italia đã phải huy động nguồn lực rất lớn, với hàng chục tàu thuyền của các lực lượng an ninh, bảo vệ bờ biển. Chính sách này đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của phe đối lập cánh hữu, nhất là đảng Liên đoàn phương Bắc. Maurizio Gasparri, thượng nghị sỹ đảng Forza Italy của Sylvio Berlusconi cho rằng “thật buồn cười khi sử dụng lực lượng của quốc gia để làm công việc của những kẻ buôn người và khiến cho đất nước bị người nhập cư tràn ngập”. Tuy vậy, giáo hội Thiên chúa giáo Italia đã kịp thời lên tiếng phản bác quan điểm của cánh hữu, đồng thời khuyến khích chính phủ có những hành động mạnh mẽ hơn để cứu giúp người tỵ nạn.

Pháp cởi mở nhưng phân biệt


Pháp chưa bị ảnh hưởng trực tiếp bởi làn sóng nhập cư từ Trung Đông thời gian gần đây, ngoại trừ một số vụ lộn xộn trước tuyến đường hầm dưới biển Manche nối liền với Anh, nhưng không vì thế mà coi nhẹ vấn đề này. Trong 6 tháng đầu năm, Pháp đã nhận khoảng 32.000 hồ sơ xin tỵ nạn, chủ yếu từ các nước Sudan, Eritrea và một phần từ Iraq, một con số tương đối ổn định. Paris hy vọng duy trì số người tỵ nạn xin nhập cư khoảng 64.000, tương đương với năm 2014. Pháp cam kết sẵn sàng tiếp nhận 9.300 người nhập cư từ Trung Đông nhưng với điều kiện các nước EU phải thiết lập trung tâm tạm giữ chờ đợi tại Italy hay Hy Lạp, đầu cầu nhập cư vào châu Âu. Con số này chỉ bằng một phần mười so với Đức.

Đối với cuộc khủng hoảng nhập cư hiện tại, cùng với Đức, Paris chủ trương đưa ra một chính sách thống nhất toàn Liên minh châu Âu, vì cho rằng giải quyết cho vấn đề không thể của riêng từng nước. Cách tiếp cận này trên thực tế đã thất bại tại cuộc họp Hội đồng châu Âu tháng 7 vừa qua.

Phát biểu tại hội nghị toàn quốc đảng Xã hội cầm quyền ngày 30/8, thủ tướng Manuel Valls một mặt khẳng định tỵ nạn là quyền phổ quát của nhân loại, nhưng tuyên bố “cần phải có phản ứng lâu dài, dựa trên các giá trị và nguyên tắc nhất quán: nhân đạo, trách nhiệm và cứng rắn”. Thủ tướng Pháp tuyên bố cần phải giúp đỡ các nước nằm ở biên giới EU đối phó với khủng hoảng, thiết lập các trạm kiểm soát đường biên giới châu Âu, đồng thời phân biệt rõ người đủ điều kiện tỵ nạn có thể chấp nhận và những người ra đi chỉ vì mục đích kinh tế, đối tượng sẽ bị từ chối.

Hy Lạp: cánh cửa biên giới lỏng lẻo

Cùng với Italy, Hy Lạp là một trong những nước chịu áp lực lớn nhất từ dòng người nhập cư. Từ đầu năm 2015 nước này đã trở thành đầu cầu lớn nhất với khoảng 160.000 trong tổng số 293.000 người xâm nhập vào Liên minh châu Âu qua ngả Địa Trung Hải, trong đó có khoảng 2.450 người bị phát hiện đã chết. Chỉ tính riêng trong tuần thứ hai tháng 8, gần 21.000 người di cư đã đổ bộ đến các đảo Hy Lạp, trong đó phần lớn là những người chạy trốn chiến tranh. Người ta ước tính khoảng 82% xuất phát từ Syria 14% từ Afghanistan và 3% từ Iraq. Một thống kê cho thấy mức độ nghiêm trộng của vấn đề: số người tỵ nạn đến Hy Lạp trong một tuần qua bằng sáu tháng năm 2014.

Người di cư chờ được phép nhập cảnh vào Macedonia tại thị trấn biên giới Gevgelija, nằm giữa Hy Lạp và Macedonia ngày 28/8. Ảnh: AFP/TTXVN


Tình hình ở một số đảo hiện nay đặc biệt phức tạp, nhất là đảo Lesbos và Kos, do cả chính phủ lẫn Cơ quan kiểm soát biên giới khu vực Schengen không có đủ phương tiện để quản lý. Phát biểu trên đài truyền hình Pháp France Inter, ông Fabrice Leggeri, giám đốc điều hành Frontex cho biết họ thiếu máy bay, tàu thuyền và đặc biệt là lực lượng tuần duyên. Theo ông, phần lớn những người di cư đến Hy Lạp có đủ điều kiện để được công nhận quy chế tỵ nạn, do luật pháp bắt buộc phải tiếp nhận người Afghanistan và Syria, hai nước đang bị chiến tranh tàn phá. Ông Leggeri cho rằng EU phải giúp đỡ Hy Lạp phỏng vấn những người mới đến và phân loại thành các nhóm đối tượng riêng.

Serbia tích cực hỗ trợ người nhập cư

Người dân Serbia, nhất là ở Belgrade, gần đây có xu hướng tăng cường các hoạt động đoàn kết và giúp đỡ người tỵ nạn đang đổ về nước này ngày một nhiều qua ngả Hungary. Điều đó bắt nguồn từ truyền thống có từ vài thập kỷ gần đây khi hàng trăm ngàn người tỵ nạn trốn các cuộc xung đột đẫm máu sau khi Nam Tư sụp đổ chạy sang nước họ. Người dân tổ chức nhiều cuộc quyên góp lương thực, thuộc thang, nước uống và quần áo. Tòa thị chính Belgrade đã mở một trung tâm thông tin, hỗ trợ y tế và điều trị tâm lý cho người di cư với các tình nguyện viên đủ ba thứ tiếng: Arập, Uađu và Ba Tư. Mạng xã hội Serbia đóng vai trò quan trọng trong việc huy động và vận động người dân đối với vấn đề này.

Tuy vậy, không phải toàn xã hội đều có chung nhận thức. Một số đảng phái chính trị cực hữu và nhóm xã hội đã lên tiếng yêu cầu đóng cử biên giới phía Nam tiếp giáp Macedonia, giống như Hungary đã dựng hàng rào thép để ngăn chặn người nhập cư tràn vào.

Macedonia: hành lang quá tải


Theo thủ tướng Nikola Poposki, thời gian gần đây, mỗi ngày nước cộng hòa bé nhỏ thuộc Nam Tư cũ phải chứng kiến khoảng 3000 người di cư tràn vào từ Hy Lạp. Tuần trước, Macedonia đã ban bố tình trạng khẩn cấp và đóng cửa biên giới trong ba ngày, tuy nhiên chính quyền địa phương do bị quá tải cuối cùng đã buộc phải để cho người di cư tràn vào. Macedonia chỉ có 2 triệu dân, từ nay trở thành đầu cầu trung chuyển người Syria và Afghanistan. Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tỵ nạn (UNHCR), những người nhập cư đi thành từng nhóm 300 đến 400 người, sau khi qua biên giới nước này thì lên tàu hỏa hoặc xe bus tới Serbia. Nhiều khi, họ buộc phải đi bộ dọc theo tuyến đường sắt dài tới 230km nối liền Thessalonica (Hy Lạp) và Belgrade (Serbia). Ngày 24/4, mười bốn người tỵ nạn đã chết do bị tàu hỏa đâm phải. Từ đầu tháng 6, ít nhất 42.000 người đã vượt qua tuyến đường này để vào sâu nội địa châu Âu.

Bungari: tăng cường giám sát biên giới


Từ đầu tuần qua, Bungari đã triển khai nhiều xe bọc thép tại bốn cửa khẩu biên giới với Macedonia để hỗ trợ cảnh sát biên phòng trong trường hợp dòng người tỵ nạn đổ vào quá đông. Theo bộ trưởng Nội vụ Roumiana Batchvarova, nguy cơ từ vấn đề nhập cư đối với nước này tương đối hạn chế do Sofia tuân thủ đúng quy trình đăng ký và phân loại ngay từ đầu của châu Âu, khác với các nước Hy Lạp, Macedonia hay Serbia. Từ đầu năm đến nay, nước này đã nhận 15.000 người nhập cư bất hợp pháp, trong đó đa số xuất phát từ Syria đến qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ. Những người di cư bị bắt giữ ở Bungari bị đưa vào trại tỵ nạn và giữ ở đó nhiều tháng, trước khi được cấp quy chế tương ứng cho phép họ đi tiếp vào Liên minh châu Âu nhưng không được phép lưu trú dài hạn. Bungari đã dựng hàng rào trên biên giới với Thổ dài 30km và dự kiến còn kéo dài trong thời gian tới, đồng thời duy trì 1000 cảnh sát thường trực để ngăn chặn trường hợp xâm nhập trái phép.

Rumani: thận trọng và cứng rắn

Rumani sẽ củng cố an ninh để phòng ngừa trên đường biên giới với Serbia, nước đang bị ảnh hưởng mạnh bởi làn sóng người di cư, theo lời phó thủ tướng Gabriel Oprea. Vị quan chức này cũng cho rằng đến nay nước ông chưa bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng, mặc dù Bucarest đảm nhiệm 2070km đường biên giới ngoài EU, trong đó một phần tư giáp Serbia, vì người nhập cư từ Trung Đông ưu tiên chọn lối qua Hungary. Thế nhưng tuyến đường này sắp tới sẽ bị đóng cửa, do đó nhiều khả năng dòng người tỵ nạn sẽ chuyển hướng qua Rumani. Chính quyền đã chuẩn bị đối phó bằng cách tăng cường khả năng tiếp nhận người di cư. Cho tới nay, các trung tâm phục vụ công tác này không cho phép đón quá 1.500 người.

Hungary: tấm màn thép mới

Mỗi ngày có hàng trăm người đã tràn qua biên giới Hungary-Serbia. Tuyến đường biên này dự kiến sẽ đóng cửa trong vài ngày tới, dự kiến là 31/8. Một hàng rào thép sẽ được dựng lên để ngăn chặn dòng người tỵ nạn vượt qua Hungary vào trong nội địa EU. Budapest dự tính sẽ triển khai cả quân đội từ tuần tới.

Tính từ đầu năm, Hungary đã ghi nhận 100.000 người xin tỵ nạn, gấp đôi tổng số vào năm 2014, trong khi dân số chỉ chưa đầy 10 triệu. Phần lớn số đó đến từ Thổ Nhĩ Kỳ qua ngả Hy Lạp hay Macedonia, chủ yếu xuất xứ từ Syria hay Afghanistan nhưng cũng có một số từ khu vực Balkan, chạy trốn nạn nghèo đói. Tổng thống Viktor Orbán, người có quan điểm dân tộc chủ nghĩa và bảo thủ, đã tung ra một chiến dịch rất cứng rắn chống lại tình trạng nhập cư. Ông không ngớt khẳng định có nhiều phần tử khủng bố đội lốt người tỵ nạn để vào châu Âu.

Slovakia chỉ nhận người Công giáo

Slovakia là nước nhỏ chỉ có 5,4 triệu dân và không thuộc nhóm sẵn sàng đón tiếp người nhập cư: từ năm 1993, thời điểm tách khỏi Tiệp Khắc cũ, họ chỉ trao quy chế tỵ nạn cho 650 người. Thời gian gần đây, Slovakia đánh tiếng tiếp nhận khoảng 200 người Syria nhưng chỉ chấp nhận người theo Thiên chúa giáo. Bộ Nội vụ Slovakia giải thích người theo đạo Hồi không được hoan nghênh là do Slovakia chỉ có rất ít tín đồ tôn giáo này và không có thánh đường nào. UNHCR đã phản ứng, kêu gọi Slovakia không được thực hiện hành vi phân biệt đối xử nào, tuy nhiên đề xuất này vẫn bế tắc. Đây không phải là trường hợp cá biệt, nhiều nước khác, nhất là Ba Lan và ba nước Baltic, cũng có thái độ tương tự.

Tiến Nhất (tổng hợp)
EU ấn định thời điểm họp khẩn cấp về người di cư
EU ấn định thời điểm họp khẩn cấp về người di cư

Chính phủ Luxembourg cho biết các bộ trưởng nội vụ của Liên minh châu Âu (EU) sẽ họp khẩn cấp về cuộc khủng hoảng di cư đang leo thang vào ngày 14/9 tới tại Brussels (Bỉ).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN