Chính sách hạt nhân của Mỹ tại châu Á sẽ đi đến đâu?

Báo “The Indian Express” (Ấn Độ) vừa đăng bài viết của học giả Raja Mohan, nhận định rằng cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc trên bán đảo Triều Tiên và các cuộc thương lượng về chương trình hạt nhân bị bế tắc với Iran là sự nhắc nhở mạnh mẽ đối với Mỹ rằng chính sách không phổ biến vũ khí hạt nhân của Oasinhtơn tại châu Á không hiệu quả.

 

Chính sách hạt nhân của Mỹ tại châu Á không hiệu quả? Ảnh: Internet

Nếu Tổng thống George W. Bush trước đây đã cố gắng theo đuổi các hướng đi thiên về sử dụng “cơ bắp” - trong đó có chủ trương chiến tranh phòng ngừa và thay đổi chế độ - nhằm ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân, thì người kế nhiệm ông, đương kim Tổng thống Barack Obama, đã chú trọng hơn đến chính sách ngoại giao gây sức ép thông qua các biện pháp trừng phạt quốc tế. Ông Bush chú trọng đến chủ nghĩa đơn phương, trong khi ông Obama chú trọng đến chủ nghĩa đa phương. Tuy nhiên, cả hai hướng đi này đều thất bại.


Sau cuộc Chiến tranh Lạnh, các nhà chiến lược Mỹ đã nâng vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân lên mức cao nhất có thể, coi đây là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế. Những người theo trường phái tự do cũng như bảo thủ Mỹ đều lo ngại về mối nguy hiểm của phổ biến vũ khí hạt nhân. Trong khi vẫn phải chạy đua vũ trang với Liên Xô trước đây, Mỹ đã tự nhận thấy không thể chấp nhận việc phổ biến vũ khí hạt nhân, đặc biệt là tại những nước như Iran và CHDCND Triều Tiên. Song điều nghịch lý là sự hoang mang về phổ biến vũ khí hạt nhân tại Mỹ đã trở thành niềm “khích lệ” mạnh mẽ đối với những chế độ đang tìm cách thu hút sự chú ý của Oasinhtơn. Lập luận này không nhằm giảm thiểu mối nguy hiểm của phổ biến vũ khí hạt nhân, mà gợi ý rằng cần có hướng đi được tính toán kỹ đối với vấn đề hạt nhân để giúp Mỹ dễ dàng hơn trong việc theo đuổi những lợi ích lớn hơn tại các khu vực châu Á.


Chính sách không phổ biến vũ khí hạt nhân của Mỹ càng trở nên tồi tệ hơn do “thái độ khiêu khích” của các chính quyền tại Iran và Triều Tiên. Gọi họ là các “nước cứng đầu” song Mỹ lại không xây dựng được sự đồng thuận trong nước về cách thức giải quyết vấn đề. Iran và Triều Tiên không hẳn luôn luôn phản đối sự can dự và hòa giải với Mỹ. Ngay sau vụ khủng bố nhằm vào nước Mỹ ngày 11/9/2001 và sự can thiệp của Mỹ vào Ápganixtan, Têhêran đã hợp tác với Mỹ, trong khi Bình Nhưỡng sẵn sàng thương lượng về vấn đề hạt nhân nhiều lần trong hai thập niên qua.


Theo các nguyên tắc gần như chính thống tại Oasinhtơn ngày nay thì Mỹ không thể và không được chấp nhận Iran và Triều Tiên có bất cứ khả năng nào về vũ khí hạt nhân. Những ý kiến cho rằng Oasinhtơn có thể tập trung sức lực để “kiềm chế” hơn là “loại bỏ” các chương trình hạt nhân của Iran và Triều Tiên đã dấy lên sự phẫn nộ tại quốc hội Mỹ. Họ không chấp nhận “kiềm chế” là giải pháp làm nhụt chí các chế độ không thân phương Tây tại Têhêran và Bình Nhưỡng.


Chính quyền Obama đã tin tưởng một cách sai lầm rằng các biện pháp trừng phạt quốc tế sẽ khuất phục được Bình Nhưỡng và Têhêran. Trong khi các biện pháp trừng phạt đã gây thống khổ đối với người dân Triều Tiên và Iran, chúng còn góp phần đoàn kết các chính quyền này. Việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đa quốc gia cũng làm cho Mỹ ngày càng phụ thuộc vào Nga và Trung Quốc, theo đó Oasinhtơn đều phải “trả giá” cho mỗi lần đưa một nghị quyết mới ra thông qua tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.


Mỹ đã có ý định tập trung đặc biệt về vấn đề hạt nhân để chĩa mũi nhọn vào Iran và Triều Tiên. Bằng cách làm nổi bật vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân lên trên tất cả các chủ đề khác trong khu vực, Oasinhtơn đã hạn chế đáng kể khoảng không của mình để “diễu võ giương oai” tại châu Á và Trung Đông.


Để thoát ra khỏi tình trạng bế tắc hiện nay với Triều Tiên và Iran, Tổng thống Obama cần loại bỏ ý tưởng hoang đường về không phổ biến vũ khí hạt nhân mà Mỹ đã thất bại trong hai thập niên qua. Ông Obama có lý do để tránh một cuộc chiến tranh không cần thiết với Triều Tiên cũng như với Iran ở thời điểm Mỹ có quá nhiều việc phải làm để làm dọn dẹp chính “ngôi nhà" của mình. Ông có thể biến cuộc khủng hoảng Triều Tiên thành một cơ hội bằng cách kêu gọi tiến hành cuộc đối thoại song phương không điều kiện giữa Mỹ với Triều Tiên. Nếu có cái nhìn rộng hơn về lợi ích của Mỹ tại châu Á và Trung Đông và sẵn sàng làm cho vấn đề hạt nhân trở thành một yếu tố nghiên cứu rộng hơn về sự cân bằng lực lượng bền vững tại hai khu vực quan trọng này, ông Obama có thể tìm ra nhiều sự lựa chọn thú vị để thử nghiệm đối với Triều Tiên và Iran.


Minh Lý (P/v TTXVN tại Ấn Độ)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN