Chiến tranh Lạnh lần hai?

Báo chí phương Tây trong mấy tháng gần đây rục rịch bàn về chuyện một cuộc Chiến tranh Lạnh mới đang dần xuất hiện. Người ta gọi đó là cuộc Chiến tranh Lạnh lần thứ hai.

Gọi như vậy vì trước đây đã có cuộc Chiến tranh Lạnh lần thứ nhất, chủ yếu giữa Mỹ và Liên Xô. Cuộc Chiến tranh Lạnh ấy bắt đầu ngay sau khi Chiến tranh Thế giới Thứ hai vừa kết thúc (1945) và kéo dài đến năm 1991.

Quan hệ Nga - Mỹ chưa bao giờ yên ả kể từ sau Chiến tranh Lạnh.


Lý do có tên Chiến tranh Lạnh vì hai bên chỉ đe dọa nhau, chỉ trích nhau, đua nhau chế tạo các loại vũ khí tối tân, kể cả các loại vũ khí nguyên tử, nhưng lại tránh né các cuộc xung đột vũ trang.

Sau Chiến tranh Lạnh lần thứ nhất, người ta ngỡ nhân loại bước vào một kỷ nguyên mới, ở đó, mọi người được chung sống hoà bình và tập trung mọi nỗ lực vào việc phát triển khoa học kỹ thuật và kinh tế để mọi người dân đều được ấm no.

Nhưng không, cuộc chiến giữa phương Tây và các nhóm Hồi giáo cực đoan nổ ra với các vụ khủng bố tàn khốc nhắm vào Mỹ và các quốc gia phương Tây dẫn đến hai cuộc chiến tranh “nóng” ở Iraq và Afghanistan.

Trong cả hai cuộc chiến, Mỹ và phương Tây đánh bại dễ dàng các chính phủ ủng hộ Hồi giáo nhưng lại không dẹp tan được các nhóm Hồi giáo cực đoan lúc nào cũng lăm lăm mở các cuộc tấn công khủng bố nhắm vào thường dân ở phương Tây, đặc biệt ở Mỹ.

Tuy vậy, các cuộc khủng bố của các nhóm Hồi giáo cực đoan vẫn không đủ lớn để gây thành chiến tranh trên phạm vi toàn cầu. Hơn nữa, nó còn làm cho các quốc gia đoàn kết với nhau hơn.

Quan hệ giữa Nga và phương Tây cũng đã đổi khác. Khi xảy ra cuộc tấn công của các nhóm Hồi giáo cực đoan nhắm vào Mỹ ngày 11/9/2001, Nga là một trong những quốc gia đầu tiên lên tiếng chia buồn và hỗ trợ Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố.

Người ta ngỡ quan hệ giữa hai quốc gia cựu thù biến thành một tình bạn gần gũi và đầy tin cậy với nhau. Nhưng trong một loạt cuộc khủng hoảng gần đây, nhất là cuộc khủng hoảng Ukraine, sự tin cậy không được các bên thể hiện.

Tránh trực tiếp đối đầu nhau, Mỹ và phương Tây vẫn tăng cường áp lực đối với Nga. Và Nga, ngược lại, vẫn không hề khuất phục.

Tuy nhiên, cuộc Chiến tranh Lạnh lần thứ hai này không chỉ giới hạn trong quan hệ giữa Nga và phương Tây mà còn có một mặt trận thứ hai nữa là xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tất cả các nhà bình luận chính trị đều ghi nhận Trung Quốc đang muốn chứng tỏ với thế giới là họ cũng là một trong những siêu cường trên thế giới, hoặc ít nhất, trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Dĩ nhiên, Mỹ và phương Tây không dễ dàng để yên cho Trung Quốc “tung hoành” trong khu vực.

Đó là lý do chính khiến chính quyền Barack Obama quyết định thực hiện chiến lược “trở lại châu Á”, chuyển 60% lực lượng trên biển của họ về mặt trận châu Á - Thái Bình Dương. Trong khi nguy cơ bùng nổ chiến tranh ở khu vực vẫn còn xa vời, một cuộc Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Trung Quốc có thể là một điều không thể tránh khỏi.

Như vậy, cuộc Chiến tranh Lạnh nếu có sắp tới sẽ là cuộc chạy đua giữa Mỹ và NATO với Nga ở Đông Âu; và giữa Mỹ và các đồng minh ở châu Á với Trung Quốc. Chiến tranh Lạnh lần này, nếu xảy ra, chắc chắn sẽ có những diện mạo khác hẳn lần trước.

 Nguyên nhân là do về phương diện kinh tế, quan hệ giữa các nước trở nên chằng chịt và vô cùng phức tạp, bởi vậy, người ta rất khó để thực sự ra lệnh cấm vận hay cô lập nhau. Nó cũng đòi hỏi giới lãnh đạo các quốc gia liên quan phải có những tính toán chiến lược mới mẻ nếu muốn giành được phần thắng.

Nhưng chuyện thắng hay bại là một chuyện khá xa vời, có khi đến vài chục năm nữa mới rõ. Và khi đó chắc chắn các bên tham gia cuộc chiến sẽ đều bị thua thiệt.


TTK
Nga chỉ trích Mỹ quay lại Chiến tranh Lạnh, dọa trả đũa
Nga chỉ trích Mỹ quay lại Chiến tranh Lạnh, dọa trả đũa

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã lên án mạnh mẽ các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Nga, coi đây là động thái quay lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN