'Chiến lược quân sự quốc gia' mới của Lầu Năm Góc

Ngày 2/7, trang mạng "rt.com" của kênh truyền hình "Russia Today" đăng bài viết bình luận về "Chiến lược quân sự quốc gia" mới của Mỹ vừa được Lầu Năm Góc công bố.

Dưới đây là nội dung chi tiết:

Báo cáo "Chiến lược quân sự quốc gia năm 2015" của Lầu Năm Góc khẳng định rằng quân đội Mỹ cần duy trì sự hiện diện trên toàn thế giới để chống lại các quốc gia thù địch và cả những chủ thể phi nhà nước, trong khi đó vẫn cần tiếp tục "nuôi dưỡng" mối quan hệ với các đồng minh khu vực và thúc đẩy các giá trị Mỹ. Tài liệu này nhấn mạnh rằng Mỹ là "quốc gia mạnh nhất trên thế giới, có những lợi thế độc nhất vô nhị về công nghệ, năng lượng, dân số, quan hệ đồng minh và đối tác. Tuy nhiên, những lợi thế này đang bị thách thức”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter (trái) và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey (phải) tại buổi công bố Chiến lược quân sự quốc gia ngày 1/7. Ảnh: AFP/TTXVN


Các nhân tố chính thách thức những lợi thế kể trên của Mỹ bao gồm các chủ thể nhà nước là Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên, và các tổ chức phi nhà nước - đặc biệt là “các tổ chức bạo lực cực đoan” (VEO) ví dụ như Tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng và Taliban. Báo cáo "Chiến lược Quân sự Quốc gia" mới của Mỹ nỗ lực tạo ra một cách tiếp cận thống nhất nhằm giải quyết thách thức đến từ cả hai đối tượng nói trên, tìm cách “răn đe, khắc chế và đánh bại” các quốc gia thù địch, đồng thời “phá vỡ và làm tan rã” các tổ chức phi nhà nước.

Tài liệu của Lầu Năm Góc cáo buộc Nga có nhiều “hành động quân sự” vi phạm “một loạt thỏa thuận”. Trong danh sách các thỏa thuận mà Lầu Năm Góc cho rằng Nga đã vi phạm có một số hiệp ước mà Mỹ cũng vi phạm, ví dụ như Hiệp ước Tên lửa tầm trung và tầm ngắn. Trong tài liệu này, Iran và Triều Tiên cũng bị cho là đang tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân. Cũng trong báo cáo "Chiến lược quân sự quốc gia năm 2015", Mỹ nói rằng nước này muốn thấy Trung Quốc trở thành một phần của trật tự quốc tế chứ không chỉ là một cường quốc khu vực thách thức sự thống trị của Washington.

Tài liệu này tổng kết: “Không nước nào trong số các quốc gia này được cho là sẽ tìm cách gây xung đột quân sự trực tiếp với Mỹ hoặc các đồng minh của Mỹ. Tuy nhiên, mỗi nước này lại gây ra những quan ngại an ninh nghiêm trọng mà cộng đồng quốc tế đang cùng nhau hành động để giải quyết bằng cách đưa ra những chính sách và thông điệp chung và cùng phối hợp hành động”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter (trái) tại cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc, bang Virginia ngày 1/7. Ảnh: AFP/TTXVN


Lầu Năm Góc dự định đối phó với các “VEO” bằng cách giải quyết “những nguyên nhân gốc rễ” của các cuộc xung đột tại các quốc gia bị sụp đổ, với sự hỗ trợ của quân đội nhằm giúp đảm bảo an ninh trong khi các chính phủ và các tổ chức quốc tế thực hiện hoạt động hỗ trợ nhân đạo và tạo ra các cơ hội kinh tế cho các nước này.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov lấy làm tiếc rằng báo cáo "Chiến lược quân sự quốc gia" mới của Mỹ - được công bố tại Washington ngày 1/7 - đã không đề cập tới vấn đề bình thường hóa quan hệ với Nga, đồng thời chỉ ra rằng những thách thức hiện nay, ví dụ như đối phó với IS cũng như chủ nghĩa khủng bố, chỉ có thể được giải quyết bằng cách cùng hợp tác.

Tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, viết trong phần mở đầu của bản báo cáo "Chiến lược quân sự quốc gia năm 2015”: “Hiện nước Mỹ phải đối mặt với một loạt các thách thức an ninh từ các chủ thể nhà nước truyền thống và mạng lưới xuyên khu vực của các tổ chức phi nhà nước – tất cả đều đang tìm cách tận dụng sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ. Chúng ta chắc chắn sẽ phải đương đầu với những chiến dịch kéo dài chứ không phải chỉ là những cuộc xung đột được giải quyết nhanh chóng”.

Báo cáo "Chiến lược quân sự quốc gia năm 2015” viết rằng, được thúc đẩy bởi quá trình toàn cầu hóa, những tiến bộ công nghệ đang cho phép các tổ chức và nhiều quốc gia khác trên khắp thế giới thách thức những lợi thế lâu nay của nước Mỹ, ví dụ như khả năng cảnh báo và tấn công chính xác. Điều này đòi hỏi Mỹ cần phải “linh hoạt hơn, đổi mới hơn và đoàn kết hơn” để đối phó được với những thách thức đó, và “quân đội Mỹ cần tiếp tục hiện diện trên toàn cầu để định hình môi trường an ninh và bảo toàn mạng lưới các quan hệ đồng minh của Mỹ”.

Brian Becker, Giám đốc liên minh chống chiến tranh “Answer”, nói rằng những lời phàn nàn về việc nước Mỹ đã đánh mất lợi thế về công nghệ chủ yếu là nhằm vào dư luận trong nước. Ông nói: “Người Mỹ được bảo rằng nước họ đã không còn tiền để chi cho bệnh viện, trường học và các chương trình xã hội thiết yếu khác, tuy nhiên, đột nhiên lại xuất hiện lời kêu gọi khẩn thiết rằng nước Mỹ cần phải vươn lên, không được để kẻ thù là Nga hay Trung Quốc vượt qua, đây chính là điều đã châm ngòi cho cuộc chạy đua vũ trang trong những năm 50 của thế kỷ trước”.

Sự hiện diện của quân đội Mỹ trên khắp thế giới được cho là yếu tố quan trọng để đảm bảo an ninh cho các đồng minh cũng như các đối tác của Mỹ, đây là nhân tố đảm bảo sự ổn định do góp phần thúc đẩy “tăng trưởng kinh tế và hội nhập khu vực”, đồng thời giúp Washington có khả năng phản ứng nhanh chóng trong trường hợp xảy ra khủng hoảng. Báo cáo "Chiến lược Quân sự Quốc gia năm 2015” viết: “Chúng tôi đang chuẩn bị để khuếch trương sức mạnh trên khắp các khu vực nhằm chấm dứt những hành động hung hăng và giành chiến thắng trong các cuộc chiến bằng cách đánh bại hoàn toàn các kẻ thù. Mặc dù chúng tôi muốn hành động phối hợp với các nước khác, song chúng tôi sẽ hành động đơn phương nếu hoàn cảnh yêu cầu”.

Báo cáo "Chiến lược Quân sự Quốc gia 2015” nói rằng Mỹ “sẽ nỗ lực thực hiện chính sách tái cân bằng nghiêng về khu vực châu Á-Thái Bình Dương, triển khai những khả năng tiên tiến nhất của Mỹ tại ‘sân khấu’ quan trọng này”. Mỹ cũng sẽ tiếp tục duy trì cam kết với các đồng minh NATO và đảm bảo an ninh cho Israel.

Becker nói: “Nếu nhìn vào những gì Mỹ đang làm chứ không phải những gì mà tài liệu này nói tới, thì chính sách ‘chuyển trục’ hướng tới châu Á chính là sự ‘chuyển trục’ của chính sách ngăn chặn. Chiến lược quân sự mới - vốn nhằm thúc đẩy tất cả các quốc gia tại khu vực, ngoại trừ Trung Quốc, tham gia vào một liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu - sẽ không thể đánh lừa được Trung Quốc, Bắc Kinh hiểu rõ rằng đây là một mối đe dọa đối với lợi ích quốc gia của Trung Quốc”.

TTK
Nga lên án chiến lược quân sự mới của Mỹ
Nga lên án chiến lược quân sự mới của Mỹ

Nga ngày 2/7 tuyên bố chiến lược quân sự mới của Mỹ là mang tính đối đầu và sẽ không giúp cải thiện quan hệ với Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN