Chiến dịch của NATO ở Libi khó sớm đi đến hồi kết?

Chiến dịch quân sự tại Libi bắt đầu bằng một sứ mệnh xem ra được xác định khá hạn hẹp: Thiết lập vùng cấm bay và bảo vệ dân thường. Hai tháng sau, chiến dịch này leo thang thành các cuộc tấn công dữ dội vào thủ đô Tripôli của nước này với nỗ lực lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi. Tuy nhiên, mục tiêu đó vẫn chưa đạt được, làm dấy lên khả năng NATO bị sa lầy ở đất nước phần lớn là sa mạc này. Và ý chí chính trị của các nước có liên quan cũng đang được thử thách rất lớn.

Phe đối lập ở Libi vẫn yếu. NATO, tiếp quản quyền chỉ huy chiến dịch từ Mỹ từ ngày 31/3, dường như không có chiến lược rõ ràng để thoát khỏi sứ mệnh này. Hai trong số các nước đồng minh là Anh và Pháp đã bắt đầu công khai cãi vã nhau về việc dùng máy bay trực thăng để áp sát tấn công Kadhafi. Ngoại trưởng Pháp ngày 24/5 đã nói rằng quyết tâm của nước ông trong việc theo đuổi chiến dịch ở Libi không phải là vô tận.

Thách thức đối với NATO một phần bắt nguồn từ nghị quyết ban đầu của Liên hợp quốc cho phép dùng không lực nhưng cấm sử dụng lực lượng bộ binh, mặc dù vẫn cho phép sử dụng “mọi biện pháp cần thiết” để bảo vệ dân thường. Các cuộc tấn công có giới hạn nhằm vào các mục tiêu quân sự ở Libi đã leo thang thành một cuộc không kích lớn nhất (kể từ khi cuộc xung đột nổ ra) hôm 24/5 vào thủ đô Tripôli. Hiện nay, khu dinh thự Tổng thống của ông Kadhafi cũng bị coi là một mục tiêu tấn công của NATO. Một trong những người con trai của nhà lãnh đạo này đã bị giết hôm 30/4. Theo quan điểm chính thức của NATO, khu dinh thự này là trung tâm chỉ huy và kiểm soát, và NATO không muốn giết ông Kadhafi. Nhưng rõ ràng, sẽ chẳng có nước nào trong liên minh này rơi nước mắt nếu nhà lãnh đạo Libi bị thiệt mạng.

Hiện có nhiều dấu hiệu cho thấy sự thất vọng, hoặc có thể là tuyệt vọng, của các nước đồng minh. Ngày 23/5, Pháp cho biết nước này có kế hoạch triển khai máy bay trực thăng vũ trang hạng nặng để tấn công các mục tiêu trong khu đô thị một cách chính xác hơn và gây tổn thất ít hơn cho dân thường. Cho đến nay, chưa có một binh sĩ liên quân nào bị thiệt mạng trong chiến dịch ở Libi.

Tuy nhiên, nếu sử dụng máy bay trực thăng và bay tầm thấp hơn, Pháp sẽ đẩy các phi công của mình vào tình thế nguy hiểm hơn. Đây là điều rất đáng lưu ý. Mặc dù mạng lưới tên lửa đất đối không của Libi đã thực sự bị triệt phá, song có tin cho biết lực lượng của nhà lãnh đạo Kadhafi vẫn còn hàng trăm súng máy hạng nặng, súng đại bác tự động và tên lửa vác vai có thể gây nguy hiểm cho các máy bay trực thăng bay ở tầm thấp.

Các quan chức Pháp cho biết Anh cũng sẽ triển khai các máy bay trực thăng. Tuy nhiên, các quan chức Anh giận dữ phủ nhận việc họ đã đưa ra bất cứ quyết định nào. NATO từ chối bình luận về đề xuất triển khai máy bay trực thăng được vũ trang hạng nặng, mà chỉ thông qua phát ngôn viên của liên minh nói rằng NATO sẽ “cảm kích trước mọi sự đóng góp”.


Trong khi đó, Mỹ hoan nghênh đề xuất sử dụng máy bay trực thăng. Các quan chức Mỹ ngày 24/5 cho rằng “tốc độ gia tăng mạnh mẽ” các cuộc không kích vào Tripôli nhằm gửi tới nhà lãnh đạo Kadhafi một thông điệp rằng “sức ép của quốc tế đối với ông ta sẽ không giảm đi”.

Tuy nhiên, một nhà ngoại giao của NATO cho biết sự thất vọng đang gia tăng trong Hội đồng Bắc Đại Tây Dương, cơ quan điều hành của liên quân. Nhà ngoại giao này, yêu cầu giấu tên, nhận định nếu cuộc xung đột kéo dài đến cuối tháng 6, thời điểm chiến dịch quân sự ở Libi cần được HĐBA LHQ gia hạn, thì “sẽ xuất hiện một số câu hỏi gai góc về hồi kết của chiến dịch này”. 

 TTK
Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN