Châu Âu lại “rối” với khủng hoảng di cư

Khủng hoảng di cư lại đe dọa cả châu Âu, khi mà xu hướng kiểm soát chặt biên giới thắng thế, kèm theo đó là cảnh báo về khả năng khối Schengen sụp đổ.

Đồng loạt kiểm soát biên giới

Bất chấp phản ứng dữ dội từ cộng đồng quốc tế và các tổ chức nhân quyền, Quốc hội Đan Mạch ngày 26/1 đã thông qua dự luật gây tranh cãi nhằm hạn chế người di cư đổ vào nước này với tỉ lệ đa số tuyệt đối. Theo đó, nhân viên thực thi pháp luật Đan Mạch được phép khám xét, tịch thu số tài sản bằng tiền, hiện vật có giá trị giá từ 10.000 kroner (1.340 euro) mà người tị nạn mang theo, trừ những đồ có giá trị biểu tượng tình cảm như nhẫn, lắc cưới. Đây được xem là một phần trong kế hoạch của liên minh cầm quyền nhằm ngăn cản dòng người di cư, trước đó việc gia hạn các biện pháp kiểm soát biên giới tạm thời tại đường biên giới chung với Đức tới ngày 3/2.

Người di cư đợi để vào trại tị nạn sau khi vượt qua biên giới Macedonia tới Serbia.

Thủ tướng Áo Werner Faymann tuyên bố, nước này sẽ chỉ tiếp nhận đơn xin tị nạn đối với 37.500 người di cư trong năm nay, giảm mạnh so với mức 90.000 người theo thỏa thuận đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh EU hồi tháng 9/2015. Chính quyền Vienna cũng khẳng định tạm ngừng thực thi Hiệp ước Schengen về miễn thị thực giữa 22 nước thành viên EU và 4 quốc gia ngoài EU. Đức, Pháp, Thụy Điển, Đan Mạch và Croatia cũng tạm thời thiết lập các trạm kiểm soát biên giới để giám sát dòng người di cư. Tổng thống Cộng hòa Séc Milos Zeman bình luận “không thể” hội nhập cộng đồng người di cư Hồi giáo vào xã hội châu Âu. Ba Lan nói rằng nước này đã “hết chỗ” dành cho dòng người chạy nạn.

EU dần đi tới sự “thống nhất” khi mà đa số các thành viên thuận theo xu hướng không chấp nhận thêm người tị nạn chủ yếu đến từ các nước Trung Đông - Bắc Phi. Không xuất hiện tiếng nói phản đối về cách tiếp cận này, khi Đức - đầu tàu của khối và là nước đi đầu “chào đón” người di cư hồi cuối năm ngoái cũng đang chịu nhiều sức ép, không thể hối thúc các nước khác hành động để bảo vệ những giá trị tốt đẹp của châu Âu. Vụ tấn công, quấy rối tình dục quy mô lớn ngay trong ngày đầu năm mới ở Cologne (thủ phạm là người di cư) được xem là giọt nước làm tràn ly, gây chia rẽ ngay trong dư luận người dân và nội bộ chính giới Đức. Nhiều nghị sĩ, đảng phái trong Quốc hội yêu cầu Thủ tướng Angela Merkel thay đổi chính sách, hạn chế người nhập cư.

Giải pháp tạm thời?

Phát biểu sau cuộc gặp với người đồng cấp Slovakia Robert Fico ngày 26/6, Thủ tướng Séc Bohuslav Sobotka nhấn mạnh cách thức xử lý khủng hoảng di cư sẽ quyết định vận mệnh của không chỉ khối Schengen, mà cả toàn bộ EU. Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Donald Tusk cảnh báo châu Âu chỉ còn “chưa đầy hai tháng” để kiểm soát vấn đề gai góc này, nếu không muốn đặt dấu chấm hết cho Hiệp ước Schengen vốn được xem là xương sống của một EU hội nhập. Khó khăn nằm ở chỗ, dòng người chạy nạn từ Trung Đông - Bắc Phi đổ về châu Âu không có dấu hiệu suy giảm, vượt mức 2.000 người/ngày trong nhiều tuần qua, trong khi các trại tị nạn ở những điểm “đầu nguồn” như Thổ Nhĩ Kỳ hay trung chuyển lớn như Hy Lạp, Macedonia luôn chật cứng người di cư.

Giới chức EU lên tiếng chỉ trích Hy Lạp, yêu cầu Athens phải quản lý hiệu quả đường biên giới, nếu không sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị loại ra khỏi hệ thống Schengen. Đáp lại, Bộ trưởng Nhập cư Hy Lạp Yiannis Mouzalas “tố” một số quốc gia thành viên đang chơi trò “đổ vấy” trách nhiệm, để mặc một nước gặp khó khăn nghiêm trọng về tài chính phải bấm bụng bỏ ra 2 tỉ euro để trợ giúp người tị nạn. Kế hoạch viện trợ 3 tỉ euro cho Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lấy việc Ankara chặn dòng người chạy nạn từ gốc không tiến triển, do nội bộ EU bất đồng về cách thức đóng góp, giải ngân, xem số tiền này là “trọn gói”, hay chỉ là khoản “ban đầu” theo như đòi hỏi của chính quyền Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.

Một giải pháp tạm thời đã được tính tới. Phát ngôn viên EC Natasha Bertaud ngày 26/1 cho biết, EU đã miễn cưỡng chấp thuận để một số quốc gia trong khối Schengen kéo dài biện pháp kiểm soát biên giới trong thời hạn 2 năm, dựa trên Điều 26 của Hiệp ước để đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay. Quyết định được đưa ra sau cuộc họp của Bộ trưởng Nội vụ và Tư pháp các nước thành viên trong khối Schengen và EC sẽ là người ra quyết định cuối cùng tại cuộc họp vào trung tuần tháng 2 tới. Thế nhưng điều này đồng nghĩa với việc, EU không còn duy trì được sự thống nhất trong nội khối về mặt đối sách chung, có thể mở đường cho cho xu thế “mạnh ai nấy làm”.

Tựu chung lại, “Lục địa già” đang ở vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. “Đóng cửa” biên giới sẽ làm cho hình ảnh của châu Âu bị sứt mẻ lớn, khi mà tự do đi lại là biểu tượng cho giá trị đoàn kết, tự do và thịnh vượng của châu Âu. Thế nhưng “mở cửa” cho người di cư lại chẳng khác gì hành động “tự sát vì biểu tượng” - theo như cách nói của Thủ tướng Slovakia Robert Fico. Vấn đề chỉ có thể được giải quyết một cách căn cơ khi một loạt các điểm nóng như Syria, Iraq, Libya, Afghanistan… lắng dịu - đều vượt khỏi tầm với của EU.
Châu Âu cần hướng tiếp cận mới cho khủng hoảng di cư
Châu Âu cần hướng tiếp cận mới cho khủng hoảng di cư

Trong bối cảnh cuộc chiến Syria chưa biết đến khi nào mới kết thúc thì Hội nghị Hỗ trợ người Syria diễn ra tại thủ đô London (Anh) ngày 4/2 được xem như cách thức duy nhất để kìm hãm dòng người Syria đổ tới châu Âu tị nạn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN