Châu Âu lại đối mặt với "ngòi nổ khủng hoảng Hy Lạp"

Trong khi châu Âu nỗ lực tránh lặp lại cảnh cùng lúc phải giải quyết hàng loạt cuộc khủng hoảng, tất cả các điều kiện cần có để kích hoạt một cuộc khủng hoảng mới với ngòi nổ là Hy Lạp đã tương đối đầy đủ.

Đã 6 tháng kể từ khi Hy Lạp khởi động các nỗ lực nhằm đạt thỏa thuận với các chủ nợ về một chương trình tiết kiệm để tiếp tục được giải ngân khoản vay mới trong khuôn khổ "kế hoạch cứu trợ thứ ba" dành cho nước này, song đến nay, những cố gắng trên vẫn chưa đạt kết quả.

Theo đánh giá của báo "Le Monde" (Pháp), tất cả các điều kiện cần có để "kích hoạt" một cuộc khủng hoảng mới đã tương đối đầy đủ: Các cuộc đàm phán kéo dài chưa có kết quả trong khi thời điểm phải trả nợ cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang tới gần. Theo nhận định chung, vào tháng 7 tới, Athens ít có khả năng thanh toán được khoản nợ nếu không nhận được khoản vay bổ sung.  

Các nước thành viên kiên quyết  

Vài tuần nay, nhiều quan chức cao cấp của một số nước thành viên đã liên tục khẳng định họ sẽ không để lặp lại kịch bản năm 2015 - thời điểm Liên minh châu Âu (EU) phải hứng chịu liên tiếp nhiều cuộc khủng hoảng xảy ra đồng thời: Từ vấn đề người di cư tới cuộc chiến chống khủng bố hay sự nổi lên của làn sóng dân túy. Các nước đều muốn giải quyết “vấn đề Hy Lạp” trước tháng 6 tới để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc trưng cầu dân ý về việc nước Anh đi hay ở lại EU nhưng vẫn giữ thái độ kiên quyết.

Một cuộc biểu tình phản đối chính sách “thắt lưng buộc bụng” của chính phủ Hy Lạp tại trung tâm thủ đô Athens hôm 20/4.

Sau khi ký kết Bản ghi nhớ (khép lại cuộc khủng hoảng lần trước) vào thời điểm mà Hy Lạp ở bờ vực phá sản, Athens đã phải chấp nhận thực hiện một danh sách gồm nhiều biện pháp cần thiết nhằm cắt giảm ngân sách tương đương 3% GDP: Cải tổ hệ thống hưu trí, thuế thu nhập, giải quyết nợ xấu của các ngân hàng trong nước. 

Từ nửa tháng nay, các chủ nợ yêu cầu Hy Lạp phải tiết kiệm thêm khoảng 2% GDP (tương đương 3,5 tỷ euro) - khoản này không được đề cập trong Bản ghi nhớ, đồng thời là một trong những điểm then chốt đang gây bất đồng trong các cuộc thảo luận đang diễn ra. Chương trình cải tổ này sẽ chỉ phải thực hiện nếu tình hình tài chính của Hy Lạp không đáp ứng được các mục tiêu mà chủ nợ yêu cầu (thặng dư ngân sách sơ cấp 3,5% vào năm 2018). Nhưng Athens nhấn mạnh rằng luật pháp Hy Lạp không cho phép "làm luật dựa trên giả thuyết", đồng thời đề xuất đưa vào thực hiện cơ chế cắt giảm ngân sách tự động trong trường hợp nước này có nguy cơ rơi vào thâm hụt. Ngày 27/4 vừa qua, người phát ngôn Chính phủ Hy Lạp Olga Gerovassili đã cáo buộc IMF đang “đặt ra những yêu cầu có thể phá vỡ những nỗ lực của chính phủ Hy Lạp và các thiết chế EU”. 

Câu trả lời thuộc về Berlin  

Gói tiết kiệm ngân sách được coi là một bảo đảm đưa ra để trấn an nhóm các chủ nợ (gồm một bên là ECB, Cơ chế ổn định tài chính và EC còn bên kia là IMF) - thiết chế từ giữa năm 2015 đã do dự không muốn tiếp tục hỗ trợ Hy Lạp. IMF có thái độ bi quan hơn các đối tác châu Âu khi không tin rằng chỉ cần gói cải tổ cắt giảm tương đương 3% GDP, Athens sẽ đạt mục tiêu thặng dư ngân sách 3,5% vào năm 2018. 

Tại sao EU lại phải chấp nhận những yêu cầu đó trong khi theo nhiều nguồn tin thì khối này không cần tiền từ IMF để hỗ trợ Hy Lạp và EC cho rằng gói cải tổ thứ nhất là đủ? Câu trả lời phần lớn nằm ở phía Đức. Berlin rất muốn IMF cùng tham gia và đã yêu cầu phải có sự tham gia của tổ chức này ngay từ các chương trình cứu trợ đầu tiên (được đưa ra từ năm 2010). Ngay cả Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble cũng không tin EC có thể "tự xử lý" được vấn đề Hy Lạp. Các nguồn tin từ Brussels tiết lộ cho tờ "Le Monde" rằng ông Wolfgang Schäuble nghi ngờ EU sẽ có thái độ "quá dễ dãi" với Athens.  

Các chủ nợ của Hy Lạp cũng đã có nhiều phát biểu nhằm làm giảm nhẹ mức độ của vấn đề. Một nguồn tin nhận định: “Vấn đề cần giải quyết liên quan đến các chương trình cải tổ phòng ngừa rất phức tạp nên chúng tôi cần có thêm thời gian”. Tuy nhiên, nghi ngờ vẫn sẽ gia tăng nếu các chủ nợ tiếp tục giữ thái độ cứng rắn, nhất là về triển vọng giảm khối nợ khổng lồ của Hy Lạp, ước tính lên tới 180% GDP của nước này.

TTK
Người Hy Lạp hát ca về Putin
Người Hy Lạp hát ca về Putin

“Cùng với ông Putin tôi chẳng sợ điều gì” là đầu đề một bài hát rất được ưa chuộng ở Hy Lạp hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN