Châu Âu hưởng lợi lớn nếu kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ?

Mặc dù quá trình đàm phán gặp bế tắc do Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng xa cách nhau, nhưng theo chuyên gia, EU sẽ vẫn được hưởng lợi rất lớn nếu kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ làm thành viên.

Người nhập cư đi bộ trên đường cao tốc dọc biên giới giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong bài phân tích đăng trên mạng EUROPP của Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (Anh), chuyên gia Tahir Abbas nhận định rằng vấn đề gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ là câu hỏi kéo dài và chưa có lời đáp. Trong hàng thập kỷ trước, mối quan hệ giữa Ankara và Brussels khá nồng ấm, nhưng ngày càng xấu đi trong giai đoạn gần đây. Hiện tại Thổ Nhĩ Kỳ và EU đang thù địch, bất đồng lợi ích và gần như cắt đứt quan hệ với nhau. Sự hoài nghi đối với Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng mạnh trong nội bộ EU và ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ cũng xa cách dần EU.

Tuy nhiên, Brussels vẫn sẽ hưởng lợi lớn trong việc duy trì và tăng cường quan hệ với Ankara. Bên cạnh thỏa thuận giải quyết vấn đề di cư và quan hệ thương mại còn có vấn đề ở sâu xa hơn đó là sự di chuyển, đi lại tự do của người dân cùng với việc giao lưu, hội nhập giữa Hồi giáo và Thiên Chúa giáo, giữa châu Âu và châu Á, giữa Đông và Tây. Trong các lĩnh vực này Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò là cầu nối giữa các nền văn minh.

Hiện EU lo ngại về việc Thổ Nhĩ Kỳ khó đáp ứng được các tiêu chuẩn gia nhập. Hồ sơ nhân quyền của Ankara đang tác động tiêu cực tới quan hệ song phương, nhất là việc Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ các phóng viên và đóng cửa một số hãng truyền thông đối lập. Các lãnh đạo Hồi giáo bảo thủ ở Thổ Nhĩ Kỳ đang mong muốn khôi phục lại thời kỳ hoàng kim của đế chế Ottoman. Chính sách này của Tổng thống Erdogan được nhiều tầng lớp ở Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ. Mặc dù vậy, xã hội Thổ Nhĩ Kỳ đã và đang trải qua những biến động sâu sắc trong hơn một thập kỷ qua, xuất phát từ quá trình dân chủ hóa cũng như nền kinh tế phát triển mạnh mẽ.

Thổ Nhĩ Kỳ có thể tự tin hơn trong chính sách hội nhập EU trong quá khứ bởi trong giai đoạn đó, EU đã khẳng định được vị thế và sức mạnh. Tuy nhiên, hiện nay EU cũng đang phải đối mặt với một loạt thách thức nội khối sau khủng hoảng Khu vực đồng tiền chung châu Âu, trong khi hàng loạt các quốc gia Hồi giáo láng giềng ở phía Đông của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã trải qua giai đoạn đầy biến động với “Mùa xuân Arập” xảy ra cuối những năm 2000. Thực tế là Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt qua được giai đoạn này mà không cần sự giúp đỡ của EU. Vì vậy, nguyên nhân thực sự khiến Thổ Nhĩ Kỳ khó gia nhập EU hiện nay chính là tâm lý chống Hồi giáo đã ăn sâu trong lòng xã hội EU. Việc thiếu quyết tâm chính trị trong đàm phán cùng sự trỗi dậy của các lực lượng dân túy khiến các luận điệu và hoạt động chống Hồi giáo gia tăng ở khu vực Tây và Trung Âu gần đây. Điều này giải thích tại sao Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện sự không mặn mà đối với quá trình hội nhập EU.

Binh lính Thổ Nhĩ Kỳ đầu hàng trong cuộc đảo chính bất thành năm 2016.

Sau cuộc đảo chính bất thành tháng 7/2016, việc tìm cách áp dụng lại án tử hình đã cho thấy tham vọng ngày càng mạnh mẽ của Tổng thống Erdogan và đảng Công lý và phát triển (AKP) cầm quyền. Một mặt, chính sách này nhằm duy trì sự trung thành của đại bộ phận người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Mặt khác, nó cũng tạo sự chia rẽ trong xã hội, nhất là liên quan đến vấn đề người Kurd và các sắc tộc thiểu số khác như người Alevis, Do Thái, Roma và một số nhóm Thiên Chúa giáo cũng như tư tưởng dân tộc trong những người bảo thủ. Sự thận trọng đã trở thành tiêu chuẩn quan trọng. Trong những năm gần đây một loạt các vụ tấn công khủng bố do các lực lượng cánh tả, Hồi giáo cực đoan và dân quân người Kurd tiến hành đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ quay cuồng. Với chính sách hiện nay, đảng AKP đang khiến Thổ Nhĩ Kỳ đứng trước nguy cơ bị cô lập trong khu vực, nhất là chính sách cải thiện quan hệ với các nước láng giềng Hồi giáo Sunni trong khi gần như “từ bỏ” quá trình đàm phán gia nhập EU.


Đối với những người hoài nghi sâu sắc, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bao giờ có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn gia nhập EU. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn này có thể thay đổi giống như biến động trong quan hệ chính trị. Những người bảo thủ mong muốn duy trì EU là “câu lạc bộ” của các nước Thiên Chúa giáo và coi việc kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa đến bản sắc của Liên minh. Tuy nhiên, việc kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giúp thay đổi tương lai phát triển của toàn EU, nhất là trong lĩnh vực chính trị và văn hóa.

Đối với thế giới Hồi giáo, việc kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ vào EU sẽ bác bỏ quan niệm rằng EU sẽ không bao giờ có thể kết nạp một nước thành viên Hồi giáo. Việc kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cho phép lực lượng lớn lao động trẻ, có trình độ gia nhập thị trường EU, tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế trong Liên minh. Ngoài ra, điều này sẽ giúp cải thiện quan hệ giữa Hồi giáo và Thiên Chúa giáo, giữa Đông và Tây, tác động mạnh đến các khu vực khác trên thế giới. Các đặc điểm riêng biệt về chính trị, xã hội và văn hóa của Thổ Nhĩ Kỳ hình thành trong quá trình chuyển đổi từ một vương quốc Hồi giáo sang nền cộng hòa khiến cho việc Brussles kết nạp Ankara có ý nghĩa biểu tượng quan trọng trong tương lai dài hạn.

TTXVN/Tin Tức
Trưng cầu dân ý Thổ Nhĩ Kỳ: Con dao hai lưỡi
Trưng cầu dân ý Thổ Nhĩ Kỳ: Con dao hai lưỡi

Đối với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, thắng lợi trong cuộc trưng cầu dân ý là con dao hai lưỡi buộc ông phải khôn khéo để tránh đẩy đất nước rơi vào thời kỳ hỗn loạn mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN