Châu Âu đối mặt với thách thức khí đốt mới khi không có các hợp đồng LNG dài hạn

Nguy cơ giá khí đốt ​​sẽ tăng trở lại do mùa hè nóng bức có thể làm giảm mực nước thủy điện, sau đó là mùa đông lạnh giá năm 2023-2024 và nhu cầu LNG từ Trung Quốc phục hồi.

Chú thích ảnh
Một tàu chở LNG tại Lubmin, Đức tháng 1/2023. Ảnh: EPA

Châu Âu đã không đạt được đủ tiến bộ trong việc chốt các hợp đồng dài hạn đối với khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) như một giải pháp thay thế cho nguồn cung cấp qua đường ống của Nga, điều này có thể gây tốn kém vào mùa đông tới do nhu cầu từ Trung Quốc phục hồi có thể thắt chặt thị trường.

Mua LNG để thay thế nguồn cung bị hạn chế từ Nga đã giúp khối này vượt qua mùa đông năm nay trong bối cảnh xung đột ở Ukraine gây tác động lớn đến thị trường năng lượng, với việc châu Âu nhập khẩu 121 triệu tấn nhiên liệu vào năm 2022, tăng 60% so với năm 2021.

Nhưng điều đó phải trả giá: Châu Âu mua phần lớn trên thị trường giao ngay, nơi giá cao hơn nhiều so với giá được đàm phán theo các thỏa thuận dài hạn được những khách hàng dày dạn kinh nghiệm như Trung Quốc ưa chuộng. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, chi phí nhập khẩu LNG của châu Âu đã tăng hơn gấp ba lần vào năm 2022, lên khoảng 190 tỷ USD.

Các nhà phân tích ước tính rằng châu Âu chiếm hơn 1/3 giao dịch trên thị trường giao ngay toàn cầu vào năm 2022, so với mức khoảng 13% vào năm 2021. Tỷ lệ này có thể lên tới hơn 50% trong năm nay nếu không có hợp đồng dài hạn nào được ký kết.

Nhưng các mục tiêu khí hậu của châu Âu (EU đặt mục tiêu cắt giảm lượng khí thải ròng ít nhất 55% vào năm 2030 và đạt mức 0 vào năm 2050) có nghĩa là những người mua LNG ở châu lục này rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan giữa việc cam kết khung thời gian cần thiết để hạn chế nhập LNG với việc tìm kiếm giá rẻ hơn theo hợp đồng dài hạn.

Morten Frisch, nhà tư vấn cấp cao của Morten Frisch Consulting (tổ chức tư vấn về khí đốt), cho biết châu Âu cần khoảng 70-75% nguồn cung LNG của mình theo các thỏa thuận mua bán dài hạn (SPA), nhưng châu Âu hiện trở nên quá phụ thuộc vào việc mua LNG tại chỗ và ngắn hạn. 

Một thách thức khác đó là châu Á vẫn tiếp tục dẫn đầu trong cuộc đua giành nguồn cung LNG hạn chế trên toàn cầu trong năm nay trước khi các dòng khí đốt mới được đưa vào thị trường vào năm 2025 và xa hơn nữa.

Mặc dù khí đốt là nhiên liệu hóa thạch nhưng nó tạo ra ít khí thải carbon dioxide hơn so với than đá, vì vậy một số quốc gia EU coi đây là giải pháp tạm thời để thay thế nhiên liệu bẩn hơn.

Giám đốc điều hành về năng lượng, khí hậu và tính bền vững của Tập đoàn Eurasia, Raad Alkadiri cho biết châu Âu sẽ vẫn dựa vào LNG để thay thế cho khí đốt của Nga chừng nào EU còn coi đây là nhiên liệu chuyển tiếp, tuy nhiên các nhà sản xuất LNG muốn có một thị trường được đảm bảo ở châu Âu trong thời gian vài thập kỷ tới.

Giá LNG giao ngay đã giảm hơn 80% kể từ khi đạt mức kỷ lục 70,5 USD/mmBtu (đơn vị năng lượng) vào năm 2022 sau cuộc xung đột Nga-Ukraine. Nhưng chúng dự kiến ​​sẽ tăng trở lại, với mùa hè nóng bức có thể làm giảm mực nước thủy điện, mùa đông lạnh giá năm 2023-2024 và nhu cầu LNG từ Trung Quốc phục hồi, tất cả đều được coi là một trong những yếu tố rủi ro đối với giá cả.

Victor Tenev, chuyên gia tại tổ chức tư vấn kinh doanh LNG, ROITI Ltd, nhận định: “Các công ty EU cần phải hành động trước bằng cách ký kết một loạt các SPA dài hạn, quy mô lớn dựa trên mô hình của Trung Quốc, để tự bảo vệ mình trước mọi thăng trầm của thị trường LNG toàn cầu đầy biến động. Việc không đảm bảo vấn đề trên sẽ khiến EU một lần nữa phải đối mặt với thị trường giao ngay có giá đắt đỏ”.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Reuters/Euractiv)
Ukraine tham vọng trở thành trung tâm lưu trữ khí đốt lớn của châu Âu
Ukraine tham vọng trở thành trung tâm lưu trữ khí đốt lớn của châu Âu

Ngày 7/4, Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Herman Galushchenko cho biết nước ông có triển vọng thiết lập một trung tâm lưu trữ khí đốt lớn của châu Âu trên lãnh thổ của mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN