Châu Á - Tương lai của OPEC

Việc khách hàng lớn nhất của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) là Mỹ đang gia tăng sản xuất dầu trong nước, cùng với kế hoạch mở rộng sản xuất dầu của cả Iraq và Iran đã dẫn đến một thực tế là OPEC hiện không còn sức mạnh chi phối thị trường dầu mỏ thế giới như trước đây. Tuy nhiên, cơn khát năng lượng của các thị trường mới nổi ở châu Á sẽ quyết định mức độ những thách thức mà OPEC phải đối mặt.


Thách thức ngắn hạn và dài hạn


OPEC được thành lập năm 1960 gồm 5 thành viên ban đầu là Saudi Arabia, Iran, Iraq, Kuwait và Venezuela với mục tiêu chính là thống nhất chính sách xuất khẩu dầu mỏ của các quốc gia này và hy vọng đẩy giá dầu mà họ sản xuất lên một mức cao hơn. Mặc dù OPEC hiện vẫn sản xuất khoảng 40% tổng sản lượng dầu và nắm giữ khoảng 3/4 trữ lượng dầu thế giới, nhưng khối này đang đối mặt với những thách thức cả ngắn hạn và dài hạn.

 

Máy bơm dầu được đặt tại thị trấn Derik trên biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq ngày 25/11. AFP


Một làn sóng mới trong lĩnh vực sản xuất dầu ngoài OPEC đang dâng cao mạnh mẽ. Sản xuất dầu ở Mỹ, Brazil và Canada đã bất ngờ tăng vọt - trung bình lên tới 1 triệu thùng/ngày trong 2 năm qua. Riêng ở Mỹ, sản xuất dầu đã tăng lên 8 triệu thùng/ngày năm 2013 - mức cao nhất kể từ những năm 1980. Trong khi đó, Mỹ có khả năng sẽ tăng sản lượng sản xuất thêm 1 triệu thùng/ngày năm 2014. Nhưng việc tăng sản lượng sản xuất dầu mỏ của các nước trên vẫn chưa thấm tháp gì so với kế hoạch mở rộng đầy tham vọng của 2 thành viên OPEC là Iraq và Iran, có thể sẽ ảnh hưởng lớn đến giá dầu trong nửa cuối của thập kỷ này.


Về dài hạn, nếu Iran và Iraq cùng bắt tay nhau sản xuất thì có thể đạt sản lượng 11 triệu thùng/ngày vào năm 2020, tăng 5 - 6 triệu thùng/ngày so với mức hiện tại. Điều này có thể gây căng thẳng trong nội khối giữa các đối thủ như Iran, Iraq và Saudi Arabia, bởi dù Saudi Arabia có thể yêu cầu Iran và Iraq hạn chế tăng xuất khẩu dầu, nhưng không có lý do để tin rằng 2 quốc gia kia sẽ làm như vậy vì lợi ích kinh tế ngắn hạn của họ là xuất khẩu càng nhiều càng tốt. Hơn nữa, hai nước này cho rằng họ có thể làm như vậy mà không ảnh hưởng đến giá dầu của OPEC, dựa vào nhu cầu ngày càng tăng tại châu Á.


Chuyển hướng


Châu Á hiện là khu vực nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới - hơn cả châu Âu và Bắc Mỹ cộng lại. Đương nhiên, điều này tăng sự tương trợ lẫn nhau giữa OPEC và các nước châu Á đang phát triển, đặc biệt là Ấn Độ và Trung Quốc. Trung Quốc đang có các dự án lớn với Saudi Arabia, Iraq và Iran. Trung Quốc cũng mở rộng thị trường đáng kể tại Venezuela và nhập khẩu khoảng 15% lượng dầu từ Angola, một thành viên OPEC. Ấn Độ cũng đã làm sâu sắc thêm sự hợp tác của mình với các nước OPEC và đang nổi lên là khách hàng lớn nhất của Nigeria.


Hiện châu Á đang là khách hàng lớn nhất của OPEC và nhu cầu nhập khẩu của khu vực này vẫn sẽ tiếp tục tăng mạnh trong tương lai gần. Vì vậy, áp lực từ thách thức ngắn hạn và dài hạn kể trên đối với OPEC vẫn chưa đủ để khối hạ giá dầu xuống mức thấp hơn.


Thách thức hiện nay của OPEC là phải tập trung vào việc duy trì giá dầu thấp ở mức hợp lý, không để chúng tăng ảo hoặc “om” dầu. Để duy trì tính lành mạnh, OPEC sẽ cần phải bảo đảm giá dầu thấp tương đối, vừa để đảm bảo rằng các thị trường đang phát triển ở châu Á có thể đủ khả năng để tiếp tục mua dầu, vừa ngăn ngừa lựa chọn thay thế từ dầu đá phiến hoặc công nghệ gas vống ngày đang có tính khả thi về mặt kinh tế. Hơn nữa, giá dầu hợp lý đối với các khách hàng châu Á sẽ không chỉ củng cố đà tăng trưởng kinh tế trong khu vực mà còn góp phần kích thích nhu cầu đối với nguồn dầu của OPEC.


Công Thuận(Theo Stratfor)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN