Châu Á đề phòng khủng hoảng tài chính

Theo nhật báo Nikkei (Nhật Bản), các nước châu Á đang theo dõi chặt chẽ các chính sách kinh tế vĩ mô của các nước xung quanh nhằm ngăn chặn khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng nợ công giống như ở châu Âu.

Do nguồn thu ngân sách từ thuế đang gia tăng nhờ đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có tình hình tài chính tốt hơn so với Nhật Bản, Mỹ và châu Âu trên hàng loạt tiêu chí, trong đó có quy mô thâm hụt ngân sách trong mối tương quan với tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Bên cạnh đó, do có dân số trẻ nên chi tiêu cho lương hưu và các dịch vụ chăm sóc y tế ở các quốc gia này vẫn chưa tăng mạnh như ở các nước phát triển.

Một ví dụ điển hình là Inđônêxia, nước lớn nhất trong ASEAN về mặt dân số và cũng là nước đã từng bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Mặc dù xếp hạng tín nhiệm của các nước trên khắp thế giới đang bị giảm nhưng có hai trong số các công ty xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới vẫn nâng xếp hạng tín nhiệm của Inđônêxia. Nếu Standard & Poor's cũng làm như vậy, Inđônêxia sẽ được xếp hạng tín nhiệm BBB.

Rút kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, năm 2000, các nước thành viên ASEAN cùng với Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đã nhất trí xây dựng thỏa thuận hoán đổi tiền tệ có tên gọi “Sáng kiến Chiang Mai”, và sau đó, hạn mức hoán đổi đã được nâng lên 120 tỷ USD. Nhật Bản và Trung Quốc là hai nước ủng hộ nhiệt thành thỏa thuận này.

Tuy nhiên, sáng kiến này có một điểm hạn chế lớn là nó chỉ phát huy tác dụng trong thời kỳ khủng hoảng. Các cuộc khủng hoảng tiền tệ ở thị trường mới nổi có thể lan rộng một cách nhanh chóng. Trong bối cảnh đó, các nước trên đã thành lập Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO). Một trong những nhiệm vụ của AMRO là giám sát những ảnh hưởng có thể có của cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu tới khu vực này. Cùng với việc nghiên cứu và tham vấn cho các chính phủ về các chính sách kinh tế và tài chính, AMRO sẽ có các nhiệm vụ khác như nghiên cứu khả năng hoán đổi tiền tệ mang tính phòng ngừa. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ các nước thành viên sẵn sàng trao cho AMRO quyền hành như thế nào.

ASEAN đặt mục tiêu thành lập cộng đồng kinh tế vào năm 2015 nhưng cộng đồng này sẽ chỉ giống Liên minh châu Âu (EU) về mặt danh nghĩa. Theo Nikkei, 10 nước thành viên ASEAN có những điểm khác biệt về hệ thống chính trị và kinh tế, và các nước này có nguyên tắc là không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Các khác biệt này có thể là cách hữu hiệu để đối phó với khủng hoảng.

Thanh Tùng (P/v TTXVN tại Nhật Bản)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN