Chân dung ứng cử viên tổng thống Mitt Romney

Doanh nhân - cựu Thống đốc Mitt Romney là người theo đạo Mormon đầu tiên, với hơn 6 triệu tín đồ ở Mỹ, trở thành ứng cử viên tổng thống đại diện cho đảng Con Voi, biểu tượng của đảng Cộng hòa.


Sau bốn ngày quy tụ để quảng rao “sức mạnh và bề ngoài của sự đoàn kết thống nhất nội bộ”, ngày 30/8 đại hội toàn quốc lần thứ 40 của đảng Cộng hòa đã bế mạc với việc nhất trí đề cử cựu Thống đốc Mitt Romney, 65 tuổi, làm ứng cử viên chính thức của đảng này ra tranh cử ghế tổng thống thứ 45 của Mỹ vào tháng 11 tới trước đối thủ của đảng Dân chủ, đương kim Tổng thống Barack Obama. Hạ nghị sỹ Paul Ryan, 42 tuổi, được bổ nhiệm làm ứng cử viên phó tổng thống cho ông Romney.


Ứng viên Mitt Romney phát biểu trước những người ủng hộ tại Milwaukee, bang Wisconsin ngày 3/4. Ảnh: AFP/ TTXVN


Ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa, doanh nhân-cựu Thống đốc Mitt Romney tên đầy đủ là Willard Mitt Romney, sinh ngày 12/3/1947 tại thành phố Detroit, bang Michigan. Ông là con trai út của Thống đốc bang Michigan George W. Romney, cũng từng là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa năm 1968 nhưng bị Richard Nixon đánh bại, sau đó chấp nhận làm Bộ trưởng Nhà đất và Phát triển Đô thị (HUD) trong nội cách của Nixon.


Ông Mitt Romney tốt nghiệp cử nhân Đại học Brigham Young năm 1971, cử nhân luật và thạc sỹ quản trị kinh doanh Đại học Havard năm 1975, cưới vợ là Ann Davies năm 1969 và có 5 con trai. Năm 1977, ông Romney bắt đầu bước vào con đường kinh doanh, làm nhân viên cho công ty tư vấn quản trị Bain & Company.


Năm 1984 đồng sáng lập công ty đầu tư tư nhân Bain Capital với vốn vay 37 triệu USD và 10 nhân viên, đến năm 1999 Bain Capital trở thành công ty danh tiếng với 115 nhân viên và 4 tỷ vốn liếng tài sản. Tháng 8/2001, ông Romney rời Bain Capital, chỉ nhận lãi cổ phần và hiện có trong tay hơn 250 triệu USD.


Bản thân Romney muốn theo đuổi con đường kiếm tiền làm giầu nhưng theo lời khuyên của cha, đã học thêm ngành luật. Năm 1994, ông Romney bắt đầu nhảy vào con đường chính trị, ra tranh cử ghế Thượng viện liên bang của bang Massachusetts nhưng bị Thượng nghị sỹ kỳ cựu Edward Kennedy đánh bại.


Năm 2002, ông Romney tiếp quản chức Chủ tịch Ủy ban tổ chức Thế vận hội Salt Lake và trở nên nổi tiếng với việc biến Thế vận hội từ chỗ bị khủng hoảng do tham nhũng và thiếu hụt 370 triệu USD trở thành một sự kiện thành công và có lãi. Với đà nổi lên như cồn sau sự kiện này, năm 2003 ông Romney ra tranh cử và trở thành Thống đốc thứ 70 của bang Massachusetts nhiệm kỳ 2003-2007.


Nhiệm kỳ thống đốc thành công đã đẩy tham vọng chính trị của ông Romney lên tầm mức cao hơn. Năm 2008 lần đầu tiên ông Romney ra tranh cử tổng thống, mạnh tay chi hết 110 triệu USD, trong đó có 50 triệu tiền túi và giành chiến thắng tại 5 bang, nhưng cuối cùng đã bị thất bại trước Thượng nghị sỹ John McCain.


Sau thất bại năm 2008, với hoài bão quyết một lần vào Nhà Trắng, ông Romney dùng một khoản tiền của cá nhân để tiếp tục duy trì một đội ngũ nhân viên và ủy ban quyên góp tài chính.


Tháng 6/2011, ông Romney tuyên bố ra tranh cử tổng thống lần thứ hai. Sau bốn tháng trồi sụt trong vòng bầu cử sơ bộ, đến tháng 5/2012, sau khi các đối thủ lần lượt bỏ cuộc, ông Romney trở thành ứng cử viên duy nhất còn lại và ngày 30/8 được đề cử làm ứng cử viên chính thức của đảng Cộng hòa.


Cựu Thống đốc Romney được cho là "đã đi đúng con đường an toàn nhất" đến với ghế Nhà Trắng. Giống như gần một nửa tổng thống Mỹ, ông Romney cũng đã có nhiệm kỳ là Thống đốc bang. Ông được nhìn nhận là hiểu biết về kinh tế, nhất là kinh tế thị trường tự do tư bản chủ nghĩa, nhà nước phó mặc tư nhân.


Romney cũng được ghi nhận, khi là Thống đốc Massachussets đã có công giảm thất nghiệp từ 5,6% xuống 4,7%, đạt thặng dư ngân sách vào cuối nhiệm kỳ và 98% người dân Massachusetts nhờ ông Romney mà nay có bảo hiểm y tế.


Thế mạnh của ông Romney trước hết là có nhiều tiền, có đội ngũ tranh cử hùng hậu, có bài bản và tổ chức chặt chẽ. Ông Romney giành chiến thắng một phần là nhờ vào sự ủng hộ của những người giầu có với thu nhập từ tối thiểu từ 100.000/năm trở lên.


Theo thống kê, cứ 10 người bỏ phiếu cho Romney thì có 4 người có thu nhập trên 100.000 USD/năm trở lên. Ông Romney không phải là ứng cử viên bảo thủ truyền thống của đảng Cộng hòa, nhưng lại nhận được sự ủng hộ của giới lãnh đạo của đảng Cộng hòa vì họ xác định ông là người có khả năng nhất đánh bại ông Obama.


Ngay Tổng thống Obama và ban lãnh đạo đảng Dân chủ ngay từ đầu cũng xác định ông Romney là ứng cử viên khó đánh bại nhất trong số hơn 10 ứng cử viên trong danh sách lúc đầu của đảng Cộng hòa.


Tuy nhiên, do không phải là chính khách Cộng hòa bảo thủ truyền thống, ông Romney ít thu phục được sự ủng hộ của những người Cộng hòa bảo thủ, nhất là tại các bang miền nam.


Tuy đổ lỗi cho Obama về tình trạng kinh tế khó khăn hiện nay, nhưng ông Romney cũng chưa đưa ra được một kế hoạch kinh tế rõ nét.


Ông Mitt Romney và vợ Ann Romney tại đại hội của đảng Cộng hòa ở Tampa, Florida, ngày 28/8. Ảnh: AFP/TTXVN


Trong quá trình vận động tranh cử, ông Romney cũng thường xuyên rơi vào thế bị động khi bị phe Obama công kích về việc sa thải vô tội vạ nhân viên khi là Giám đốc công ty tư nhân Bain Capital và không chịu công bố thuế thu nhập cho dù các nghị sỹ Cộng hòa cũng đã khuyến cáo.


Điểm yếu nhất của Romney là không nhất quán. Ông Romney chỉ trích đạo luật "ObamaCare" nhưng lại ủng hộ điều khoản cốt lõi của đạo luật này coi mua bảo hiểm y tế là một hình thức thuế.


Trong cuộc tranh cử ghế Thượng viện năm 1994 và ghế thống đốc năm 2002, ông Romney ủng hộ quyền lựa chọn phá thai, nay lại hô hào cấm toàn bộ.


Khi là Thống đốc, ông Romney ký đạo luật cấm kinh doanh các loại vũ khí tấn công, nhưng tháng 4/2012 lại ủng hộ luật buôn bán vũ khí, ủng hộ quyền hợp pháp của người sở hữu súng đạn.


Là một doanh nhân thành công, nhưng với khối tài sản xấp xỉ 300 triệu USD, nhiều cử tri cho rằng ông Romney không hiểu khó khăn của người lao động thu nhập thấp.

Ông Romney cũng gặp khó khăn trong việc tranh thủ lá phiếu của các tín đồ Tin lành và các thành viên đảng Tea Party, lực lượng cử tri rất bảo thủ và coi những người theo đạo Mormon như ông là tà đạo.


Sự yếu kém của Romney phản ánh rõ trong giai đoạn bầu cử sơ bộ với không ít cử tri Cộng hòa vẫn muốn những chính khách bảo thủ hơn như cựu Thượng nghị sỹ Rick Santorum. Với quyết định ngày 11/8 chọn Hạ nghị sỹ theo quan điểm cực hữu Paul Ryan của bang Wisconsin làm liên danh tranh cử ghế phó tổng thống, ông Romney được cho "đã chọn giải pháp mạo hiểm do áp lực từ lực lượng bảo thủ của đảng Cộng hòa".


Với lựa chọn này, Romney rõ ràng đang đặt cược tương lai chính trị của mình vào phái cực hữu của đảng Cộng hòa. Cặp liên danh Romney-Ryan cũng bị đánh giá là không có kinh nghiệm trong đối ngoại và an ninh với biểu hiện rõ ràng là trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên cuối tháng 7/2012 sang Anh, Israel và Ba Lan, ông Romney đã có những phát biểu gây khó dễ cho các đồng minh, chê công tác chuẩn bị Thế vận hội Olympic của Anh, lớn tiếng ủng hộ Israel tới mức xúc phạm văn hóa của người Palestinne.


Ông Romney có nhiều điểm mạnh và có không ít cơ hội trong năm kinh tế Mỹ vẫn còn khó khăn 2012. Hai Giáo sư khoa học chính trị nổi tiếng của trường đại học University of Colorado là Kenneth Bickers và Michael Berry ngày 23/8 công bố kết quả phân tích chung dự báo trong cuộc bầu cử sắp tới, ông Romney có thể nhận được 52,9% phiếu phổ thông, đánh bại ứng cử viên đảng Dân chủ, đương kim Tổng thống Barack Obama, người chỉ nhận được 47,1% phiếu phổ thông, để trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.


Tuy nhiên, kết quả thăm dò chung của NBC News/Wall Street Journal, công bố ngày 22/8 cho biết trong số 1.000 cử tri khắp cả nước được phỏng vấn ngẫu nhiên qua điện thoại có 48% nói rằng nếu cuộc bầu cử được tổ chức ngay lúc này họ sẽ bỏ phiếu cho cặp Obama-Baiđơn thêm nhiệm kỳ 4 năm so với chỉ có 44% ủng hộ cặp liên danh Romney-Ryan.


Chuyên gia thăm dò của đảng Dân chủ Peter Hart cùng chuyên gia thăm dò của đảng Cộng hòa Bill McInturff cho biết cả ông Obama và ông Romney đều còn nhiều việc phải làm để thu hút thêm sự ủng hộ của cử tri.



Thái Hùng

Bầu cử Mỹ: Liên danh Obama -  Biden dẫn điểm
Bầu cử Mỹ: Liên danh Obama - Biden dẫn điểm

Kết quả thăm dò cho biết cặp liên danh của đảng Dân chủ, đương kim Tổng thống Barack Obama và Phó tổng thống Joe Biden vẫn đang duy trì được ưu thế dẫn điểm so với cặp đối thủ của đảng Cộng hòa, cựu Thống đốc Mitt Romney và Hạ nghị sỹ Paul Ryan.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN