"Cặp bài trùng" Merkel - Sarkozy ủng hộ nhau để tiếp tục nắm quyền

Trong cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng Pháp - Đức lần thứ 14 vừa qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bày tỏ tình đoàn kết với Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay và cho rằng, bà và Tổng thống Pháp đương quyền là hai nhà lãnh đạo "tốt nhất có thể có" để giải quyết khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng euro. Hàm ý ở đây là ông Sarkozy và bà Merkel nên tiếp tục nắm quyền lãnh đạo mỗi nước thêm một nhiệm kỳ nữa.

Báo Les Echos (Pháp) bình luận rằng, hiếm khi tại một cuộc họp cấp cao song phương, các nhà lãnh đạo của hai nước lại có những lời ca ngợi nhau nhiều đến thế. Tổng thống Pháp khen ngợi bà Merkel là nhà lãnh đạo "đáng khâm phục", đồng thời nhấn mạnh "chẳng có gì phải đố kỵ với những thành công của nước Đức". Ngược lại, Thủ tướng Đức cũng khẳng định "sự ủng hộ" Tổng thống Pháp "trên mọi phương diện". Nhưng lời tán tụng này "đã khái quát chất và lượng trong mối quan hệ Pháp - Đức" mà nếu thiếu nó, "châu Âu và đồng euro sẽ rơi vào vực thẳm của khủng hoảng tài chính". Và liên minh giữa hai nước hiện nay được cho là "có tầm quan trọng chiến lược", cho thấy "sự quả quyết và không có rạn nứt".

Trên thực tế, với ít nhiều thành công, hai nhà lãnh đạo này đã gắn bó với nhau hơn để giải quyết khủng hoảng tài chính tại khu vực đồng euro kể từ năm 2008. Rất nhiều phát biểu gần đây cho thấy hai người dường như không có ý định hoặc mong muốn thay đổi đối tác trên bình diện châu Âu. Đã rất nhiều lần, đặc biệt trong cuộc phỏng vấn được phát tối 6/2 trên kênh France 2 của Pháp và kênh truyền hình nhà nước ZDF của Đức, cả hai nhà lãnh đạo đều gửi đi những thông điệp phản đối lập trường của Francois Hollande, ứng cử viên tổng thống số một của đảng Xã hội Pháp, về việc thay đổi quan hệ giữa Pháp và Đức cũng như một số vấn đề khác của châu Âu. Phát biểu của Sarkozy đã ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của bà Merkel, người đã khẳng định tất cả những gì Pháp và Đức đang làm hiện nay đều vì một châu Âu hội nhập hơn nữa chứ không vì một động cơ chính trị nào.

Thủ tướng Đức cũng nói rõ không có ý định chấp nhận một đề nghị khác của Hollande: Đàm phán lại về Hiệp ước Elysée (về hợp tác tăng cường song phương) ký năm 1963 trong bối cảnh Pháp và Đức chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngày hiệp ước này có hiệu lực vào năm tới. Bà Merkel khẳng định hai nước "đang dần nâng cao chất lượng của Hiệp định", đồng thời nhấn mạnh mục tiêu của hai chính phủ thống nhất thuế quan thông qua việc thu hẹp dần cơ sở đánh thuế đối với lợi tức của các công ty ở mỗi nước.

Theo các bộ trưởng tài chính của hai nước, hiện nay "Đức đang áp dụng một mức thuế thấp hơn đối với các công ty nhưng quy chiếu các cơ sở đánh thuế rộng hơn" so với Pháp. Vì vậy, mục tiêu thống nhất là "mở rộng cơ sở đánh thuế để có thể hạ thấp tỷ lệ đánh thuế tại Pháp". Bằng biện pháp này, hai chính phủ cho rằng có thể thiết lập một khu vực ổn định riêng trước khi tăng cường ổn định cho toàn châu Âu, đặc biệt là khu vực đồng euro. Vì vậy, bà Merkel muốn mọi công việc pháp lý liên quan đến thay đổi cơ sở đánh thuế giữa hai nước phải kết thúc trước khi diễn ra lễ kỷ niệm nêu trên.

Cuối cùng, Tổng thống Sarkozy và Thủ tướng Merkel đã tìm được tiếng nói chung và "nghiêm túc" trong vấn đề Hy Lạp, nước đang thương lượng các điều kiện cho kế hoạch viện trợ tương lai của quốc tế. Tổng thống Pháp khẳng định không thể giải ngân cho Hy Lạp nếu các quyết định liên quan đến việc cắt giảm lương và bỏ tháng lương thứ 13 và 14 ở khu vực tư nhân không được chính phủ Hy Lạp thực hiện.

Nguyễn Tuyên (P/v TTXVN tại Pháp)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN