Can thiệp quân sự vào Mali - Ý tưởng nguy hiểm?

Theo mạng tin tình báo “Stratfor” (Mỹ), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 12/10 đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết cho phép chính phủ Mali, các quan chức Liên minh châu Phi và Tây Phi thời gian 45 ngày để đưa ra một chiến lược đồng thuận nhằm giành lại quyền kiểm soát khu vực miền bắc Mali từ tay Al Qeada và các phiến quân Hồi giáo. Khi đạt được đồng thuận, phương Tây sẽ vận động HĐBA ủng hộ thỏa thuận đạt được, mở đường cho một cuộc can thiệp quân sự và triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại Mali.


 

Hàng nghìn người tuần hành ở Bamakô ngày 11/10 kêu gọi Tây Phi can thiệp giúp giành lại khu vực miền bắc.

 

Kể từ cuộc đảo chính ở thủ đô Bamakô hồi tháng 3/2012, miền bắc Mali đã rơi vào vòng kiểm soát của lực lượng khủng bố Al Qaeda và các phiến quân Hồi giáo. Lực lượng quân đội Mali đóng ở khu vực này đã phải rút hết về phía nam do không bám trụ được sau những cuộc tấn công của phiến quân Hồi giáo. Việc tái thiết lập quyền kiểm soát chính trị và quân sự ở miền bắc đã vượt quá khả năng của chính phủ quốc gia thống nhất.


Tình hình bất ổn này buộc các bên phải tính tới một giải pháp cần thiết là sự can thiệp từ bên ngoài vào Mali. Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã đề xuất thành lập một lực lượng gìn giữ hòa bình gồm 3.300 quân để giúp khôi phục quyền kiểm soát ở bắc Mali. Khối này đã kêu gọi cộng đồng quốc tế và HĐBA ủng hộ nhiệm vụ của họ.


Giống như lực lượng gìn giữ hòa bình Liên minh châu Phi (AU) tại Xômali, việc can thiệp quân sự vào Mali gồm 3 lực lượng: lực lượng được phương Tây hậu thuẫn, lực lượng quân đội Mali và các lực lượng liên minh châu Phi. Các lực lượng này nhiều khả năng sẽ do lực lượng của liên minh châu Phi chỉ huy để thể hiện rằng vấn đề của châu Phi phải do người châu Phi giải quyết. Pháp, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sẽ trợ giúp về tài chính và hậu cần, chia sẻ thông tin tình báo và điều phối.


Ngoài các chiến dịch tấn công bằng máy bay không người lái, sử dụng lực lượng đặc biệt, Pháp, Mỹ và các nước châu Âu cũng sẽ cử một số lượng quân nhất định tới Mali. Số binh sỹ này sẽ giúp thu thập và chia sẻ thông tin tình báo về vị trí, hướng di chuyển và các biện pháp phòng thủ của phiến quân đồng thời đóng vai trò làm đầu mối liên lạc trong khắp vùng Sahel và Tây Bắc Phi. Thông tin tình báo này sẽ được cung cấp cho quân đội châu Phi để thực hiện các chiến dịch bắt giữ, tấn công tiêu diệt mục tiêu.


Các cố vấn quân sự nước ngoài có thể bắt đầu tới Bamakô và khu vực trong vài tuần tới để chuẩn bị cho việc huy động lực lượng quân đội các nước Tây Phi. Ghinê và Xênêgan đã cam kết đóng góp quân trong khi Buốckina Phasô và Cốt Đivoa có quan hệ gần gũi với Pháp và Mỹ cũng sẽ tham gia chiến dịch này. Ngoài ra, chắc chắn còn phải kể đến những cam kết tham gia từ Nigiêria, Môritani, Nigiê, Angiêri.


Theo trang mạng “Daily Marverick” (Nam Phi), việc can thiệp quân sự vào Mali không phải là một ý tưởng hay. Không thể phủ nhận rằng Mali cần đến sự giúp đỡ từ bên ngoài khi bất ổn ở Mali đã gây nên thảm họa nhân đạo ở miền bắc, làm khoảng 260.000 người buộc phải rời khỏi khu vực này. Và bất ổn cũng gây thiệt hại nghiêm trọng trong lịch sử Mali, khi các phiến quân phá hủy các đền thờ Hồi giáo cổ đại. Các tổ chức nhân quyền cũng lo ngại về việc phiến quân Hồi giáo áp đặt luật Hồi giáo Sharia hà khắc đối với một số thành phố ở miền bắc, đặc biệt là đối với phụ nữ.


Theo ông Abdelkader Abderrahmane, chuyên gia nghiên cứu các vấn đề an ninh của châu Phi, hành động can thiệp quân sự vào Mali có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng và gây nên hiệu ứng lan tỏa không chỉ ảnh hưởng đến Mali mà còn đối với cả khu vực Sahel và lục địa châu Phi. Sẽ là một sai lầm lớn khi cho rằng chỉ với 3.300 hay thậm chí là 3.700 quân của ECOWAS có thể đánh bại được những phần tử khủng bố.


Mặc dù một chính phủ chuyển tiếp đã được thành lập, nhưng giới lãnh đạo quân sự phe đảo chính vẫn nắm giữ quyền lực và chắc chắn sẽ không hoan nghênh sự hiện diện của binh sỹ ECOWAS vì nó có thể làm suy yếu quyền lực của quân đội nước này. Do đó, các giải pháp quân sự sẽ khó đem lại hiệu quả khi không có ai đứng ra chịu tránh nhiệm chính thức.


Quang Tuyến - Hải Đường

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN