Cần hiểu đúng về khối BRICS

BRICS gồm 5 nước là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Khối nước này có GDP bằng 27% GDP toàn cầu, tương đương với Mỹ (theo số liệu của năm 2014 là 17.000 tỷ USD) trong khi kinh tế Mỹ trong năm 2007 có quy mô lớn gấp đôi BRICS; có diện tích bằng 26% diện tích toàn cầu; có dân số bằng 42% dân số toàn cầu; có thị trường tiêu thụ vào loại mạnh nhất thế giới, mỗi năm chiếm khoảng 500 tỷ USD.

Các nhà lãnh đạo BRICS thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ 7 của khối tại Ufa, Nga ngày 9/7. Ảnh: THX-TTXVN


Cả 5 nền kinh tế của khối này đều nằm trong nhóm 10 nền kinh tế có quy mô lớn nhất thế giới, thậm chí có người còn dự báo rằng nếu gặp điều kiện phát triển thuận lợi, các nước BRICS và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) trong vòng 30 năm tới có khả năng thách thức khối G-7 (các nước phát triển nhất thế giới) về cả kinh tế lẫn chính trị.

Tháng 7/2015, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 7 của khối BRICS (và Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 15 của khối SCO) đều diễn ra tại thành phố Ufa ở Liên bang Nga. Tại đây, các quốc gia thành viên đã ra tuyên bố nhất trí hợp tác về các vấn đề lớn bảo đảm sự ổn định và thúc đẩy kinh tế toàn cầu phát triển, các vấn đề chính trị và an ninh quan trọng như chống khủng bố, tình hình Ukraine, hạt nhân Iran, Syria…

Theo công bố từ Hội nghị Thượng đỉnh BRICS họp tại Brazil năm 2014, Hội nghị Ufa năm nay đã phê chuẩn việc thành lập Ngân hàng phát triển mới (NDB) có số vốn lưu động khởi điểm là 100 tỷ USD và đặt trụ sở ở Thượng Hải và Quỹ dự trữ ngoại tệ chung (CRA) có số vốn cũng là 100 tỷ USD, theo đó Trung Quốc là nhà tài trợ lớn nhất cho CRA với mức đóng góp là 41 tỷ USD và Nga là 18 tỷ USD. Tuy chưa thể so sánh được với Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhưng NDB được coi là công cụ quan trọng giúp nâng cao vai trò và sự vươn ra toàn cầu của BRICS, đáp ứng nhu cầu của chính các quốc gia thành viên để đối phó với khủng hoảng tài chính, giảm sự phụ thuộc vào các định chế tài chính thế giới bị phương Tây chi phối như WB, IMF…

Tuy nhiên, khi đi sâu vào nội tình các quốc gia thành viên của BRICS, các nhà phân tích quốc tế đã chỉ ra nhiều khó khăn và chỗ yếu của các nước này. Với Trung Quốc, gần đây Hiệp hội các tập đoàn công nghiệp của Đức (BDI) tỏ thái độ rất quan ngại trước tình hình kinh tế sa sút của nước này khi thấy GDP của họ tụt xa so với các năm trước, thị trường chứng khoán Thượng Hải bị vỡ như bong bóng xà phòng. Hãng Bloomberg nói toạc ra rằng từ giữa tháng 6/2015 đến cuối tháng 7 vừa rồi, thị trường chứng khoán của Trung Quốc đã mất tong 4.000 tỷ USD, trong đó chỉ số trên sàn giao dịch của Thượng Hải giảm mạnh nhất, mặc dù Bắc Kinh đã đưa ra nhiều liều thuốc để cứu vãn tình hình, kể cả việc phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT) gần đây tới 4% để thúc đẩy sản xuất, tăng xuất khẩu và cố biến đồng NDT thành một đồng tiền có vị trí quốc tế như USD, euro, yên…

Kinh tế Brazil cũng ảm đạm vì lạm phát và thất nghiệp tăng, đồng tiền nội địa liên tục bị mất giá so với các đồng USD hoặc euro, thặng dư ngân sách nhà nước bị thu hẹp, GDP trong năm nay chỉ có thể đạt 1,7%, hàng loạt vụ tai tiếng về tham nhũng đang bôi nhọ liên minh cầm quyền của bà Tổng thống Dilma Rousseff. Với tư cách là nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới và thuộc hạng nhất tại Mỹ Latinh, tình hình này ở Brazil đã kéo nhiều nước ở khu vực như Mexico, Argentina, Colombia vào vòng xoáy khủng hoảng kinh tế.

Đối với Nga, nền kinh tế nước này được coi là đang gặp giông tố khi đồng rúp bị mất giá liên tục, quá mức 50 rồi 60% so với đồng USD do giá xăng dầu là nguồn thu quan trọng nhất của Nga bị sụt giá liên tục và Moskva phải chịu đòn trừng phạt về nhiều mặt của phương Tây vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Đã có dự báo rằng GDP của Nga năm nay có thể giảm 5%.

Còn Nam Phi, đồng tiền của Petroria đang rơi tự do xuống mức thấp nhất kể từ nhiều năm qua; nhiều tập đoàn khai thác quặng mỏ lớn, đáng kể như Anglo American và Lonmin…, phải thông báo sa thải hàng chục ngàn nhân viên và cắt giảm mức sản xuất.

Chưa thấy đả động gì về nền kinh tế Ấn Độ, nhưng chuyên gia kinh tế Christopher Dembik của Ngân hàng Đầu tư Đan Mạch (Saxo Bank) đã chỉ thẳng ra các yếu điểm của nền kinh tế thuộc khối BRICS: Một là các nước này đã để tuột tay mất thời cơ khi gặp lúc thời kỳ thịnh vượng để tiến hành các cải tổ cần thiết nâng cấp guồng máy công nghiệp. Hai là họ không biết đa dạng hóa khu vực sản xuất, nhất là nước Nga và Nam Phi. Ba là họ không kích thích được sức mua và khả năng tiêu thụ nội địa để phối hợp với các hoạt động suất khẩu, họ lệ thuộc khá nhiều vào mức tiêu thụ của toàn cầu, trong khi hoạt động thương mại trên thế giới đang bị thắt lại do các nền kinh tế phát triển Âu - Mỹ từng bước siết lại luật chơi chung, làm cho tiến trình mở cửa theo hướng “hội nhập toàn cầu” đang chuyển theo hướng ngược lại. Thế giới sẽ khó tính hơn với hàng kém chất lượng và đòi hỏi các nước xuất khẩu phải tuân thủ nghiêm ngặt các chuẩn mực về nguồn gốc, về môi trường và sự an toàn của hàng hóa, nhất là nguồn thực phẩm.

Hồ Đức Minh
Thách thức mới  với kinh tế BRICS
Thách thức mới với kinh tế BRICS

Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, đang kỳ vọng sẽ định hình, đóng vai trò "trung tâm" của kinh tế thế giới trong tương lai gần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN