Cần có thay đổi đặc biệt trong mối “quan hệ đặc biệt”

Từ ngày 24 đến 26/5, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên trong 8 năm qua tới Vương quốc Anh. Trong thời gian ở Anh, ông Obama sẽ được Nữ hoàng Anh đón tiếp và chiêu đãi đặc biệt tại Cung điện Buckingham.

Sau đó, ông sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng David Cameron tại số 10 Phố Downing và buổi thuyết trình trước Thượng viện và Hạ viện Anh tại Cung điện Westminster. Nhà Trắng đã ra thông báo cho biết, chuyến thăm này là cơ hội để Mỹ tái khẳng định sức mạnh của mối “quan hệ đặc biệt” giữa hai bên.

Với những điểm tương đồng lớn về lịch sử, văn hóa và lợi ích chiến lược, mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Anh vẫn được hai bên tự hào sử dụng thuật ngữ “quan hệ đặc biệt” để miêu tả. Tuy nhiên, kinh nghiệm lịch sử cho thấy một điểm “đặc biệt”, đó là cứ mỗi lần tổng thống Mỹ thăm Anh ở cấp nhà nước là khi mối quan hệ ngoại giao giữa hai bên có vấn đề. Lần thăm này của ông Obama không phải là một ngoại lệ.

Từng có một thời gian dài mặn nồng dưới thời của Thủ tướng Tony Blair và Tổng thống George W. Bush, quan hệ Anh - Mỹ dưới thời cựu Thủ tướng Gordon Brown còn bị đánh giá là “gần như tan vỡ”. Ngay sau khi Thủ tướng Cameron lên nắm quyền tháng 5/2010, Tổng thống Obama là người đầu tiên gọi điện chúc mừng và nói rằng “Anh là người bạn và đồng minh gần gũi nhất của Mỹ”. Tuy nhiên, ông Cameron không phải là người duy nhất nhận được những lời hoa mỹ đó. Trong chuyến thăm Oasinhtơn của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy hồi đầu năm nay, ông Obama cũng nói rằng, Mỹ “không có một người bạn và một đồng minh nào mạnh hơn Sarkozy và nhân dân Pháp”.

Các chính khách Anh cho rằng thay vì quan hệ bình đẳng, Anh lệ thuộc quá nhiều và bị lợi dụng như một “nô lệ” trong các chính sách quốc tế của Mỹ. Trong khi đó, với Mỹ, đối tác bên kia bờ Đại Tây Dương đã không còn quan trọng như trước, bởi mối quan tâm của Oasinhtơn đã chuyển hướng về phía Đông với Trung Quốc và Ấn Độ, và về hướng Nam với các quốc gia Mỹ Latinh mà nước này cần ve vãn. Nhiều chính trị gia của Anh đã tỏ ý sẵn sàng chấp nhận mối “quan hệ đặc biệt” bị giáng cấp.

Có một điểm tương đồng dễ thấy nhất giữa ông Obama và ông Cameron là khi bắt đầu nhiệm kỳ lãnh đạo của mình, cả hai đều tỏ ý không muốn đi theo cách thức mà những người tiền nhiệm từng xử lý các vấn đề nóng của thế giới. Nước Mỹ dưới thời Bush và Anh dưới thời Blair như một cặp bài trùng trong chiến dịch lấy phương Tây làm chuẩn mực để áp đặt tự do và dân chủ trên thế giới. Tệ hơn, họ điềm nhiên sử dụng sức mạnh quân sự để đạt được mục tiêu đó, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế.

Không còn vỏ bọc là những mục tiêu “cao cả”, quan hệ Anh - Mỹ đã lộ ra nhiều vấn đề. Cả hai đều bị bất ngờ trước những diễn biến của các cuộc nổi loạn ở thế giới Arập và trở nên lúng túng không phân biệt được đâu là dân chủ và đâu là độc tài. Trong khi trở mặt với các cựu đồng minh ở Tuynidi và Aicập, họ lại nhắm mắt làm ngơ trước những hành vi phi dân chủ ở những nơi khác. Cuộc tấn công quân sự nhằm vào Libi chủ yếu là do sự vận động của hai nhà lãnh đạo Anh và Pháp. Còn ông Obama chỉ miễn cưỡng tham gia vì sợ sẽ bị sa chân vào một cuộc chiến mới, ảnh hưởng đến chiến dịch vận động bầu cử năm tới. Mới tuần trước, sau khi ông Obama lên án chính quyền Baranh trong bài thuyết trình về dân chủ và nhân quyền ở Trung Đông, thì ông Cameron lại chụp hình với con trai nhà lãnh đạo Baranh ngay bên ngoài Văn phòng Thủ tướng ở Phố Downing. Dường như giữa Mỹ và Anh đã không còn sự trao đổi và ăn ý như trước.


Chuyến thăm Anh tuần này của ông Obama là một cơ hội để hai bên làm mới lại mối quan hệ đối tác chiến lược, trong bối cảnh chính trường quốc tế nổi lên nhiều sóng gió. Ngoài những vấn đề cần làm rõ trong cuộc khủng hoảng Libi, như hướng đi tiếp theo và cơ sở pháp lý để tấn công nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi, hai bên còn có nhiều việc cần trao đổi xung quanh cuộc chiến ở Ápganixtan, nguy cơ tái xuất của cựu Tổng thống Nga Vladimir Putin với chủ trương chống Phương Tây, hướng đi mới trong cuộc chiến chống khủng bố sau cái chết của trùm khủng bố Osama bin Laden, hợp tác trên mặt trận kinh tế...

Các nhà phân tích tại Anh cho rằng, mối “quan hệ đặc biệt” giữa Mỹ và Anh đã không còn bị chi phối bởi “học thuyết Bush - Blair”, áp đặt chủ nghĩa bá quyền phương Tây trong các vấn đề quốc tế. Đơn giản bởi cuộc khủng hoảng kinh tế khiến cả hai không còn dồi dào nguồn lực như trước. Nhưng về bản chất, động lực của mối quan hệ này vẫn là lấy lợi ích quốc gia làm đầu mà không nhìn nhận khách quan đặc thù của các quốc gia khác. Nếu muốn ghi tên mình vào lịch sử bằng một học thuyết mới, theo hướng tích cực, cả ông Obama và ông Cameron cần chấp nhận một sự thay đổi “đặc biệt” trong mối “quan hệ đặc biệt” giữa hai nước.

Vũ Hội (P/v TTXVN tại Anh)
Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN