'Căn bệnh kinh niên' đằng sau dịch COVID-19 và làn sóng biểu tình ở Mỹ

Cuộc khủng hoảng COVID-19 và làn sóng biểu tình đang phơi bày một “căn bệnh” dai dẳng, khắc sâu chia rẽ giữa người Mỹ da trắng và da đen.

Chú thích ảnh
Người biểu tình chạy qua những tòa nhà và xe cộ bị phóng hỏa trên Đại lộ Chicago, thành phố St. Paul, bang Minnesota ngày 30/5/2020. Ảnh: AP 

Làn sóng biểu tình biến thành bạo loạn sau cái chết của công dân da đen George Floyd không phải là lần đầu tiên nước Mỹ chứng kiến. Những chia rẽ sắc tộc đã hằn sâu trong lịch sử, khi các thành phố Mỹ bị đốt cháy trong cuộc bạo loạn Detroit năm 1967, khi Los Angeles bùng nổ sau vụ nhóm cảnh sát đánh đập Rodney King được tuyên trắng án năm 1992, và sau vụ cảnh sát giết hại Michael Brown năm 2014 ở Ferguson, bang Missouri.

Sau những cơn biến động đó, nước Mỹ lại nói về thay đổi, về cải cách chính sách, mở rộng cơ hội kinh tế cho người Mỹ da đen, những người bị bỏ lại đằng sau ở một trong những quốc gia thịnh vượng nhất thế giới. Tuy nhiên bất chấp những cam kết mạnh mẽ và hy vọng lớn lao, những tiến bộ kinh tế, nếu có, cũng diễn ra chậm chạp với người Mỹ da đen.

Người Mỹ gốc Phi chỉ kiếm được 60 xu với mỗi 1 USD thu nhập của người Mỹ da trắng. Và họ chỉ có 10 xu tài sản so với mỗi 1 USD mà người Mỹ da trắng sở hữu. Số người Mỹ da đen sống nghèo khổ nhiều gấp hơn hai lần người da trắng và cơ hội sở hữu một ngôi nhà của họ hiện nay vẫn chỉ giống như thời Tổng thống Richard Nixon gần nửa thế kỷ trước.

Chú thích ảnh
Những tòa nhà bị đốt cháy rụi trong cuộc bạo loạn ở quận Watts, Los Angeles ngày 14/8/1965. Ảnh: AP

Khủng hoảng giữa khủng hoảng

Những người biểu tình lại xuống đường một lần nữa, lần này là để phản đối những gì đã xảy ra với công dân da đen George Floyd ở Minneapolis. Anh ta đã chết sau khi bị một cảnh sát da trắng ghì đầu gối vào cổ trong 8 phút 46 giây.

Một lần nữa, bất bình đẳng chủng tộc lại là nguồn gốc của cơn thịnh nộ và tuyệt vọng, đặc biệt là khi bất ổn bùng phát ngay giữa cuộc khủng hoảng kinh tế và sức khỏe, khiến cộng đồng người Mỹ gốc Phi càng lâm vào tình cảnh khó khăn.

“Chúng ta đã rơi vào một cơn bão hoàn hảo. Dịch COVID-19 đang tàn phá kinh tế với người Mỹ gốc Phi”, bà Cecelia Rouse, Giáo sư kinh tế và công vụ tại Đại học Princeton, nhận xét.

Người Mỹ gốc Phi có nguy cơ tử vong vì COVID-19 cao hơn người da trắng. Họ làm những công việc được trả lương thấp, nhưng ngay cả những công việc đó cũng không còn khi các nhà hàng, rạp phim, sân bay, khách sạn đóng cửa vì đại dịch. “Chúng tôi đang bị đại dịch gạt ra bên lề xã hội”, Imani Fox, thành viên nhóm cộng đồng ONE DC ở Washington cho biết. 

Chú thích ảnh
Người Mỹ gốc Phi thất nghiệp trong dịch COVID-19 kêu gọi giúp đỡ. Ảnh: ABC News

Những lao động da đen vẫn giữ được việc làm thì có tỉ lệ cao phải làm những công việc có nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cao như trong các nhà kho, hiệu tạp hóa, giao thức ăn…

“Mọi người đều giận dữ. Chúng ta không thể là một quốc gia giàu có nhất thế giới khi vẫn còn tồn tại nhiều cách biệt và bất bình đẳng sắc tộc lớn như vậy”, bà Monica Lewis-Patrick, Chủ tịch nhóm cộng đồng “We the People of Detroit”, phát biểu.

Giáo sư Rouse cho biết bà đã đọc lại một số phần trong báo cáo của Ủy ban Kerner (Ủy ban Cố vấn quốc gia về rối loạn dân sự) năm 1968 nhằm kêu gọi cải cách trước tình trạng bất ổn đô thị vào cuối thập niên 1960, sau đó bà đã phải đặt câu hỏi rằng: “Thật tuyệt vọng. Điều gì đã thay đổi?”.

Chẳng hạn một tháng sau Báo cáo Kerner, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Công bằng Nhà ở. Nhưng khi đánh giá về đạo luật này cách đây 2 năm, Margery Turner thuộc Viện Nghiên cứu đô thị Mỹ nhận định rằng, người Mỹ gốc Phi và những cộng đồng thiểu số khác tiếp tục đối mặt với tình trạng phân biệt đối xử, mặc dù các hình thức “trắng trợn nhất” đã giảm bớt.

Cuộc suy thoái do dịch COVID-19 đã tác động đặc biệt nghiêm trọng tới người Mỹ gốc Phi, những người đã từng đi đầu sau cuộc suy thoái 2007-2009. Tỷ lệ thất nghiệp với người Mỹ da đen đã đạt mức thấp kỷ lục vào mùa thu năm ngoái. Nhưng rồi dịch COVID-19 ập tới, phá tan những thành quả đạt được.

“Khi có điều gì đó bất ổn với tất cả người lao động Mỹ, nó sẽ tác động không cân xứng với người Mỹ gốc Phi, những người thường mong manh nhất trong nền kinh tế”, Thượng nghị sĩ Dân chủ Cory Booker nói. 

Chú thích ảnh
Người Mỹ da đen xếp  hàng nhận thực phẩm cứu trợ do tác động của dịch COVID-19. Ảnh: Reuters

Các nhà hoạch định chính sách đang lạc quan tận dụng thời điểm này để tìm cách thu hẹp khoảng cách kinh tế giữa người Mỹ da đen và da trắng. Họ hy vọng có thể đưa ra những cải cách cho hệ thống kinh tế Mỹ: như trả tiền cho người bệnh COVID-19; tăng lương tối thiểu liên bang; thậm chí cả các khoản thanh toán trực tiếp cho người nghèo.

Nhưng nước Mỹ đã từng trải qua những thời điểm như vậy, và sau đó những đổi thay lớn vẫn không xảy ra.

Khoảng cách thu nhập, việc làm

Từ năm 1968-2018, thu nhập trung bình của các hộ gia đình gốc Phi (đã điều chỉnh theo tỉ lệ lạm phát) tăng 37%, từ 30.155 USD lên 41.361 USD/năm. Trong khi đó thu nhập trung bình của người Mỹ da trắng tăng từ 51.138 USD lên 66.943 USD. Như vậy khoảng cách về thu nhập là 31%.

Khoảng cách thu nhập vẫn lớn mặc dù người Mỹ gốc Phi về cơ bản đã nâng cao trình độ học vấn. Tỉ lệ người gốc Phi có bằng tốt nghiệp trung học tăng 54% vào năm 1968 lên 92% trong năm 2018; tỉ lệ người có bằng đại học tăng từ 9% lên 23% trong cùng thời gian. Tuy nhiên số người da đen sống trong cảnh nghèo khổ vẫn nhiều gấp hơn hai lần người da trắng: năm 2018 là 21% so với khoảng 10%.

Chú thích ảnh
Em bé da đen giơ tấm biển viết "Gia đình nghèo xin mọi sự trợ giúp". Ảnh: AP

Về việc làm, tỷ lệ thất nghiệp ở người Mỹ gốc Phi cũng cao gấp đôi ở người da trắng. 

Từ năm 2019, tốc độ tăng trưởng kỷ lục của nền kinh tế Mỹ đã giúp đền bù cho người da đen. Tỉ lệ thất nghiệp giảm từ 16,8% vào tháng 3/2010 xuống mức thấp nhất mọi thời đại là 5,4% vào tháng 8/2019. Tuy nhiên, tiến bộ này đã kết thúc đột ngột khi dịch COVID -19 quét sạch hàng chục triệu việc làm vào tháng 3 và  tháng4 năm nay. Người da đen, những người làm công việc lương thấp, là đối tượng kém may mắn nhất. Trong khi lao động văn phòng vẫn giữ được việc nhờ làm từ xa, người gốc Phi có nguy cơ mất việc làm cao hơn vì họ chủ yếu là lao động trực tiếp, hoặc phải duy trì những công việc có nguy cơ lây nhiễm virus cao hơn.

Hôm 5/6 vừa qua, báo cáo việc làm tại Mỹ cho thấy, tỉ lệ thất nghiệp trong tháng 5 đã giảm xuống còn 13,3% so với 14,7% trong tháng 4. Tuy nhiên tỉ lệ thất nghiệp ở người da đen lại tăng từ 16,7% lên 16,8%, mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

Khoảng cách về tài sản

Người Mỹ da đen phải đối mặt với cách biệt về tài chính còn lớn hơn cả khoảng cách thu nhập và tỉ lệ thất nghiệp so với người da trắng. 

Một gia đình người Mỹ gốc Phi trung bình có tài sản chỉ 17.200 USD - chỉ đủ mua một chiếc ô tô - so với 171.000 USD của một gia đình da trắng trung bình.

Chú thích ảnh
Một bệnh nhân da đen mắc COVID-19 được đưa vào bệnh viện Wyckoff ở Brooklyn, New York hôm 6/6/2020. Ảnh: AFP - Getty Images

Khoảng cách giàu nghèo tồn tại ngay cả đối với người Mỹ gốc Phi trong Top người giàu, chiếm 10% thu nhập của nước Mỹ: Tài sản của họ đạt 343.160 USD, không bằng 1/5 so với mức 1,79 triệu USD của người da trắng trong nhóm này– theo số liệu được Viện Brookings tập hợp.

Một trong các thủ phạm với cái nghèo của người Mỹ da đen là vụ phá sản nhà ở vào cuối những năm 2000. Số liệu của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy tỷ lệ sở hữu nhà của người da đen đã tăng từ 41,8% vào năm 1970 lên 47,3% vào năm 2000, trước khi thành quả bị quét sạch trong cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái. Tới năm 2015, tỉ lệ người da đen sở hữu nhà ở lùi về 41,2%, thấp hơn cả mức 45 năm trước đó và thấp hơn nhiều so với tỉ lệ 71,1% của người da trắng.

Bradley Hardy, Giáo sư tại Trường Quan hệ Công chúng Mỹ, cho biết các nhà nghiên cứu và nhà hoạt động đang thực hiện các kế hoạch nhằm thu hẹp khoảng cách giữa người Mỹ da đen và da trắng, giữa người giàu và nghèo. Và các cuộc biểu tình hiện nay có thể cung cấp thêm động lực cho những nỗ lực đó.

Tuy vậy, nước Mỹ cần một giải pháp tổng thể và triệt để, giải quyết những bất ổn xã hội từ nguyên nhân gốc rễ của chúng, trong đó có sự bất bình đẳng về kinh tế và sắc tộc, thì mới có thể tránh lặp lại một làn sóng bất ổn như hiện nay.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo AP)
Điều gì có thể xảy ra sau hai tuần biểu tình ở Mỹ?
Điều gì có thể xảy ra sau hai tuần biểu tình ở Mỹ?

Đã hơn hai tuần kể từ khi biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc bùng phát khắp nước Mỹ. Biểu tình hòa bình ban đầu biến thành bạo loạn tại nhiều thành phố. Vậy điều gì sẽ xảy ra tiếp theo với nước Mỹ?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN