Cân bằng 'phương trình AI'

Với mức độ phủ sóng gia tăng nhanh chóng, đồng thời là chủ đề thảo luận chủ đạo của năm 2023, trí tuệ nhân tạo (AI) đã được nhà xuất bản từ điển Collins (Anh) chọn là "Từ khóa của năm 2023".

Chú thích ảnh
Biểu tượng công cụ ChatGPT của công ty OpenAI. Ảnh: AFP/TTXVN

Cùng với những lợi ích không thể phủ nhận, sự phát triển của hệ thống AI siêu thông minh đang đặt ra mối lo ngại về những hậu quả khôn lường nếu AI không được kiểm soát, hoặc con người lợi dụng AI cho những mưu đồ đen tối, nói cách khác là phát triển và sử dụng AI thiếu trách nhiệm. Đó cũng là lý do cộng đồng thế giới đang khẩn trương phối hợp tìm giải pháp và cách thức tiếp cận chung để giám sát AI.

Hội nghị Liên minh AI châu Âu lần thứ tư vừa diễn ra tại Tây Ban Nha đã tập trung thảo luận chủ đề "Phát triển AI một cách đáng tin cậy trên toàn cầu". Sự kiện thường niên này là sáng kiến của Ủy ban châu Âu (EC) nhằm thiết lập một cuộc đối thoại cởi mở giữa các nhà hoạch định chính sách về Chiến lược AI của Liên minh châu Âu (EU), với mục đích tận dụng tối đa các cơ hội do AI mang lại và giải quyết những thách thức phát sinh. Theo giới quan sát, hội nghị năm nay đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược AI của EU khi Đạo luật AI - khung pháp lý đầu tiên trên thế giới về công nghệ này, đang chờ các nước thành viên EU phê chuẩn.

Đầu tháng này, hội nghị cấp cao toàn cầu đầu tiên về an toàn AI cũng đã được tổ chức tại Anh để đánh giá những nguy cơ từ AI, đặc biệt là ở giai đoạn phát triển và thảo luận về cách giảm thiểu những nguy cơ này thông qua phối hợp quốc tế.

Hội nghị đã nhất trí Tuyên bố Bletchley về an toàn AI với chữ ký của đại diện 27 quốc gia (trong đó có những nước hàng đầu về phát triển và ứng dụng AI như Mỹ và Trung Quốc) cùng EU, với 5 mục tiêu bao trùm hướng tới phát huy tinh thần đồng thuận và trách nhiệm chung liên quan những rủi ro, cơ hội và tiến trình thúc đẩy hợp tác quốc tế trong đảm bảo sử dụng và nghiên cứu AI an toàn, đặc biệt là thông qua tăng cường hợp tác khoa học.

Trong khi đó, các quan chức Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã thống nhất về Bộ Quy tắc ứng xử 11 điểm dành cho các công ty phát triển AI, hướng dẫn quản lý những hệ thống AI tiên tiến nhất và hệ thống AI tạo sinh.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng công bố thành lập Ban cố vấn AI. Với 39 thành viên là các giám đốc công ty, quan chức chính phủ và các học giả, ban cố vấn có nhiệm vụ đưa ra hướng quản lý AI ở tầm quốc tế.

Ở quy mô quốc gia, chính phủ nhiều nước cũng đang nỗ lực quản lý công nghệ đang phát triển "quá nhanh, quá nguy hiểm" này.

nước Đức, Pháp và Italy đã đạt được thỏa thuận về cách thức quản lý AI trong tương lai, theo đó tất cả các nhà cung cấp AI lớn và nhỏ ở EU cần tuân thủ các quy tắc ứng xử và bảo đảm tính minh bạch trong lĩnh vực này.

Anh sẽ thành lập Viện An toàn AI đầu tiên trên thế giới, nhằm đánh giá và thử nghiệm các mô hình mới, qua đó xác định tất cả các rủi ro tiềm ẩn từ AI. Nước này cũng tăng khoản tài trợ chi cho dự án "Tài nguyên Nghiên cứu AI" lên 300 triệu bảng Anh (gần 374 USD), gấp 3 lần so với công bố trước đó. Đây là dự án vận dụng năng lực của hai siêu máy tính ở Cambridge và Bristol để phân tích những mô hình AI hiện đại nhằm thử nghiệm các tính năng an toàn trong quá trình sử dụng công nghệ mới.

Trong khi đó, Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ đã yêu cầu cơ quan chức năng đánh giá tổng quan về các phương pháp quản lý khả thi đối với AI, từ đó xác định các phương pháp tiếp cận tiềm năng để điều chỉnh quy định quản lý vào cuối năm 2024.

Mỹ cũng thành lập Viện An toàn AI nhằm đánh giá mức độ an toàn của các hệ thống AI và hướng dẫn quản lý các vấn đề phát sinh liên quan. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh hành pháp hướng đến giải quyết gần như mọi mối lo ngại về an ninh mạng, cạnh tranh toàn cầu, phân biệt đối xử và giám sát về mặt kỹ thuật các hệ thống AI tiên tiến. Theo Nhà Trắng, khoảng 30 quốc gia đã gia nhập "tuyên bố chính trị" do Mỹ soạn thảo nhằm thiết lập bộ quy tắc chung cho việc phát triển, triển khai và sử dụng có trách nhiệm các năng lực AI trong lĩnh vực quân sự.

Trung Quốc công bố “Sáng kiến quản trị AI toàn cầu”, đưa ra một số quy định tạm thời đối với dịch vụ AI tạo sinh, đóng vai trò hướng dẫn về cách quản lý công nghệ này trong lúc chờ đợi một bộ luật chính thức về AI đang trong quá trình soạn thảo.

Đầu tháng này, Chính phủ Nhật Bản đã công bố bản dự thảo gồm 10 nguyên tắc hướng dẫn sử dụng AI, nhằm giảm thiểu các rủi ro phát sinh từ công nghệ này như thông tin sai lệch và lo ngại về quyền riêng tư. Các nguyên tắc được đề cập yêu cầu tập trung vào con người, vấn đề bình đẳng, tính minh bạch trong công tác thu thập thông tin, trách nhiệm giải trình và khả năng truy cứu dữ liệu.

Australia thì dự kiến yêu cầu các công cụ tìm kiếm xây dựng tính năng mới nhằm ngăn chặn việc chia sẻ những tài liệu lạm dụng tình dục trẻ em do AI tạo ra, cũng như xóa sổ các phiên bản deepfake tương tự.

Chính những người tạo ra công nghệ này cũng muốn xây dựng quy tắc quản lý AI. Nếu như trước đây, nhiều công ty về cơ bản phản đối các quy định có thể "kìm hãm" sự phát triển của AI, thì nay, những "gã khổng lồ" như Alphabet và Microsoft, cũng như những công ty mới nổi như Anthropic và OpenAI (công ty đã tạo ra ChatGPT) đang vận động hành lang cho việc thiết lập các quy định. Họ lo ngại rằng sự cạnh tranh không bị kiểm soát sẽ thúc đẩy những hành động liều lĩnh bằng cách tung ra những mô hình có thể dễ dàng bị lạm dụng hoặc bắt đầu tự phát triển công nghệ AI. Điều đó thực sự có thể khiến các hãng rơi vào tình thế khó khăn, nguy hiểm.

Theo giới chuyên gia, đến năm 2028, giá trị thị trường AI có thể vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD, điều đó đồng nghĩa rằng việc xây dựng hành lang pháp lý nhằm kiểm soát và ngăn ngừa những nguy cơ tiềm ẩn từ AI ngày càng cấp thiết. LHQ khẳng định các công nghệ AI cần được giám sát chặt chẽ, cho dù công nghệ phát triển đến mức nào cũng phải bảo đảm khía cạnh quyền con người luôn là yếu tố trung tâm.

Nhiều chuyên gia đã chỉ rõ khi xây dựng phương án quản lý AI, cần tập trung vào những khía cạnh chủ chốt như bảo mật dữ liệu, quyền riêng tư, trách nhiệm và đạo đức, tính minh bạch, nguy cơ và an toàn, chính sách xã hội và tác động tới kinh tế, phát triển công bằng, hợp tác quốc tế... Những bước đi hiện tại của các chính phủ và thể chế chắc chắn sẽ đẩy nhanh những nỗ lực mạnh mẽ hơn trong quản trị AI toàn cầu. Ít nhất, đó cũng là hướng đi đúng để tìm lời giải cho bài toán cân bằng phương trình AI.

Thanh Phương (TTXVN)
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong kinh doanh
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong kinh doanh

Ngày 24/11, Đại hội Sales và Marketing toàn quốc và Hội nghị cấp cao các Giám đốc Sales và Marketing 2023 do Câu lạc bộ Giám đốc Sales và Marketing Việt Nam và Công ty Le Bros tổ chức, đã khai mạc tại TP Hồ Chí Minh. Với chủ đề “SmartX - Chiến lược tăng trưởng doanh thu thông minh”, Đại hội tập trung bàn về chiến lược, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các giải pháp đòn bẩy thông minh trong kinh doanh. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN