Campuchia có thể xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới

Năm 2010, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã đặt ra mục tiêu xuất khẩu 1 triệu tấn gạo/năm - một nhiệm vụ nhằm đưa Campuchia đứng vào hàng ngũ những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

 

Campuchia đạt nhiều tiến bộ trong khắc phục những yếu tố hạn chế xuất khẩu gạo của nước này.


Theo Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) thuộc Tập đoàn "Nhà Kinh tế" (Anh), mục tiêu xuất khẩu gạo có vẻ thực tế khi mà nước này dư thừa khoảng 3 triệu tấn thóc sau khi trừ đi số lượng dành cho tiêu dùng trong nước. Trong những năm qua, Campuchia cũng đạt được nhiều tiến bộ trong việc khắc phục những yếu tố làm hạn chế xuất khẩu gạo của nước này, đáng chú ý nhất là khả năng xay xát gạo. Tuy nhiên, nước này hiện vẫn còn tồn tại những vấn đề khác như quy mô nông trại nhỏ, kỹ thuật lạc hậu, sự bảo thủ về văn hóa và thiếu nguồn tín dụng.


Số liệu do Ban Thư ký Cơ quan Xuất khẩu Gạo Một cửa (SOWS-REF) cho thấy, xuất khẩu gạo chính thức của Campuchia đã tăng 84% từ 205.717 tấn trong năm 2012 lên 378.856 tấn trong năm 2013. Trong sáu tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo của nước này đạt 177.928 tấn, tăng 1,5% so với con số 175.959 tấn cùng kỳ năm ngoái, mặc dù lượng mưa dưới mức trung bình ở các khu vực trồng lúa chính đã khiến vụ mùa chính trong năm bị chậm lại.


Nghề trồng lúa từ lâu đã đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Campuchia. Đế chế Angkor từng có ảnh hưởng lớn trong khu vực với điểm mạnh là năng suất trồng trọt cao. Tuy nhiên, kể từ khi đế chế Angkor sụp đổ ở thế kỷ 15, trồng lúa đã không còn duy trì được tiềm năng vốn có. Trong khi các nước láng giềng Việt Nam và Thái Lan vươn lên hàng ngũ các nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới thì Campuchia lại bị thụt lùi mặc dù có điều kiện thời tiết thuận lợi và cùng có lịch sử trồng lúa lâu đời.


Việc thiếu sự kiểm soát mang tính tập trung giải thích phần nào xu hướng trồng lúa theo quy mô hộ gia đình ở Campuchia. Tuy nhiên, hiện nay Campuchia cũng bắt đầu đạt được những bước tiến đáng kể. Các nhà xuất khẩu đang hướng tới việc tăng chất lượng sản phẩm, trong bối cảnh các thị trường khó tính không có nhu cầu đối với loại gạo có chất lượng thấp. Tuy nhiên, do không được tiếp cận nhiều với người mua và không được đào tạo để thích nghi với kỹ thuật mới, nhiều nông dân ở nước này vẫn sẽ tiếp tục gắn bó với phương pháp canh tác không hiệu quả, kỹ thuật thấp mà họ đã từng sử dụng. Các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng cũng có một phần trách nhiệm trong sự yếu kém này. Cho đến gần đây, việc tăng cường xuất khẩu gạo chủ yếu giới hạn ở các thị trường châu Phi, nơi chấp nhận tỷ lệ gạo tấm cao hơn. Ngay cả những nhà máy xay xát mới với máy móc tiên tiến cũng đang gặp khó khăn trong việc bảo đảm gạo xuất khẩu sang các nước đòi hỏi chất lượng nghiêm ngặt hơn.


Một thế hệ mới các doanh nhân năng động hơn có thể giúp Campuchia cải thiện danh tiếng và khuyến khích vốn đầu tư vào ngành sản xuất gạo nước này. Hiệp hội Gạo Campuchia (CRF) mới được thành lập hồi đầu năm nay nhằm tạo điều kiện cho sản xuất và xuất khẩu gạo. Điều đáng khích lệ là phí hải quan đối với gạo xuất khẩu đã được bãi bỏ từ ngày 1/5, giúp giảm chi phí thêm 15 USD/côngtennơ.


Mặc dù vậy, vẫn cần những thay đổi mang tính đồng bộ. Phần lớn các nhà nhập khẩu ở châu Á và các thị trường phương Tây đều yêu cầu gạo có chất lượng cao như gạo tám thơm. Do ít sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, trong khi vẫn sử dụng phương pháp truyền thống như sử dụng trâu bò trong cày bừa, nên Campuchia có thể khai thác các thị trường phát triển có nhu cầu đối với các loại lương thực sạch. Mối nguy hiểm lớn nhất là thay vì phát triển các sản phẩm và thị trường mới, các "ông trùm" gạo của Campuchia có thể sử dụng quyền hạn và ảnh hưởng của mình để hạn chế cạnh tranh. Điều này có thể khiến Campuchia mất đi cơ hội quý báu để tận dụng những lợi thế vốn có của nước này.


Huy Hiệp

Mở rộng thị trường xuất khẩu gạo
Mở rộng thị trường xuất khẩu gạo

Chưa bao giờ yêu cầu đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước phải năng động hơn trong tìm kiếm thị trường mới, chú trọng chất lượng và xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị thay vì bán gạo cấp thấp, lại trở nên cấp bách và quan trọng như hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN