Các quốc gia Trung Á có tuân thủ các lệnh trừng phạt Nga của phương Tây?

Dù có bằng chứng cho thấy cả Kazakhstan và Kyrgyzstan đều vi phạm chế độ trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga, nhưng chỉ có Kyrgyzstan phải đối mặt với sự trừng phạt của phương Tây.

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) với người đồng cấp Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev. Ảnh: RIA Novosti 

Bình luận trên mạng tin Eurasianet.org mới đây, Nurbek Bekmurzaev, nhà nghiên cứu độc lập và nhà báo tự do ở Bishkek, chuyên về an ninh quốc tế và châu Âu cho rằng, Kazakhstan và Kyrgyzstan đang phải duy trì thế cân bằng địa chính trị khi đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga, tìm cách làm hài lòng cả Điện Kremlin và phương Tây, trong đó Kazakhstan dường như đang quản lý thế cân bằng tốt hơn Kyrgyzstan.

Trong thời gian gần đây, các nhà lãnh đạo Kazakhstan và Kyrgyzstan đã tham gia vào một loạt hoạt động ngoại giao con thoi nhằm mục đích duy trì sự hài lòng của tất cả các bên liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.

Ví dụ, trong chuyến thăm Đức vào cuối mùa thu, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã lặp lại những phủ nhận trước đó rằng Kazakhstan đã tạo điều kiện cho các kế hoạch nhập khẩu song song và trốn tránh lệnh trừng phạt Nga, đồng thời nhấn mạnh rằng Astana “đã tuyên bố rõ ràng rằng nước này sẽ tuân theo chế độ trừng phạt”. Bên cạnh đó, ông Tokayev cho biết Kazakhstan không “chống Nga” và coi trọng “sự hợp tác toàn diện với Nga, quốc gia có chung đường biên giới với Kazakhstan”.

Tương tự, Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov đã bác bỏ cáo buộc của Mỹ về việc quốc gia Trung Á này vi phạm các lệnh trừng phạt của phương Tây. “Không có cơ sở để tin như vậy. Nga và Trung Quốc không phụ thuộc vào Kyrgyzstan nhỏ bé”, ông Japarov nói trong bình luận được hãng thông tấn nhà nước Kabar đăng tải. 

Những lời phủ nhận chính thức như vậy bị suy yếu bởi bằng chứng ngày càng tăng về các hoạt động thương mại. Một dấu hiệu tiềm ẩn về hành vi lách lệnh trừng phạt được thể hiện qua sự tăng trưởng nhanh chóng của khối lượng thương mại vào năm 2022. Năm 2023, xuất khẩu của Kazakhstan sang Nga tăng 25%, trong khi xuất khẩu của Kyrgyzstan tăng 150% so với tổng xuất khẩu của năm trước.

Nhiều trường hợp giao dịch đã được ghi nhận. Trong một ví dụ, tờ The Washington Post (Mỹ) tiết lộ về một kế hoạch trong đó một thực thể ở Kyrgyzstan tìm cách hoạt động như một trung gian vận chuyển máy bay không người lái do Trung Quốc sản xuất sang Nga.

Trong một trường hợp khác, cuộc điều tra của Đài phát thanh Azattyk (Turkmenistan) đã minh họa cách các công ty Kyrgyzstan và Kazakhstan đang xuất khẩu vi mạch, thiết bị viễn thông và các linh kiện điện tử khác sang Nga. Những thành phần như vậy tương tự như những thành phần được tìm thấy trong vũ khí Nga được sử dụng ở Ukraine. Bên cạnh đó, một cuộc điều tra của OCCRP (một mạng lưới toàn cầu gồm các nhà báo điều tra) cũng cho thấy máy bay không người lái và vi mạch đang tìm đường đến Nga thông qua các công ty Kazakhstan.

Ngay cả các quan chức Kazakhstan cũng thừa nhận rằng một số mặt hàng có công dụng kép đã đến Nga thông qua Kazakhstan. Ở mức độ cơ bản, thách thức với các nước Trung Á trong việc duy trì sự hài lòng của cả phương Tây và Nga có vẻ khó khăn.

Đề cập đến cam kết của ông Tokayev rằng Kazakhstan sẽ duy trì chế độ trừng phạt trong khi vẫn là đồng minh kinh tế của Nga, Rakhimbek Abdrakhmanov, Giám đốc Trường Chính sách Ứng dụng Kazakhstan, cho biết các yếu tố này mâu thuẫn nhau. “Hai nội dung này loại trừ lẫn nhau: Kazakhstan không thể đồng thời thực thi chế độ trừng phạt và có quan hệ tốt với Nga”, chuyên gia Abdrakhmanov nói.

Mặc dù có rất nhiều bằng chứng cho thấy cả Kazakhstan và Kyrgyzstan đều vi phạm chế độ trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga, nhưng chỉ có Kyrgyzstan phải đối mặt với sự trừng phạt của phương Tây. 5 công ty Kyrgyzstan đã bị trừng phạt vì cáo buộc hỗ trợ Nga

Một lời giải thích cho sự khác biệt có liên quan đến việc tạo hình ảnh. Kazakhstan đã áp dụng các biện pháp có vẻ tốt, ngay cả khi chúng không hoạt động tối ưu. Ví dụ, để kiểm soát tốt hơn dòng hàng hóa bị trừng phạt, Astana đã triển khai một hệ thống theo dõi trực tuyến tự động, bề ngoài cho phép giám sát hàng hóa nhập khẩu vào Kazakhstan và quá trình di chuyển tiếp theo của chúng. Điều này được coi là một giải pháp để ngăn chặn dòng hàng bị xử phạt.

Tuy nhiên, các chuyên gia Kazakhstan đã đặt ra nghi ngờ về tính hiệu quả của hệ thống. Theo Dimash Alzhanov, nhà phân tích chính trị ở Kazakhstan, các mặt hàng được sử dụng trong ngành công nghiệp quân sự Nga được xuất khẩu bởi các công ty có khả năng vượt qua hệ thống theo dõi. Dù hiệu quả hay không, Kazakhstan vẫn thể hiện tốt hơn so với Kyrgyzstan trong việc giải quyết các khiếu nại của phương Tây. 

Trong khi đó, trong một động thái mà một số nhà quan sát phương Tây cho là nhằm che đậy nỗ lực giám sát, Ủy ban Thống kê Quốc gia Kyrgyzstan đã thay đổi định dạng đối với báo cáo dữ liệu mở về ngoại thương. Thay vì chia nhỏ các mặt hàng xuất khẩu thành các danh mục cụ thể bằng mã 10 chữ số, cơ quan này bắt đầu sử dụng mã 4 chữ số đầu tiên, mỗi mã bao gồm nhiều loại hàng hóa hơn. Đại diện của cơ quan, Gulsara Sulaimanova, giải thích về động thái này, nói rằng “nhu cầu [mã 10 chữ số] không quan trọng đối với người dùng”.

Iskander Sharsheev, chuyên gia kinh tế người Kyrgyzstan, khẳng định việc thay đổi mã hóa đã khiến việc giám sát thương mại trở nên khó khăn hơn: “Bây giờ dữ liệu về xuất nhập khẩu không được tiết lộ, chúng tôi không thể biết liệu các sản phẩm bị trừng phạt có được vận chuyển đến Nga qua Kyrgyzstan hay không”. 

Các chuyên gia khu vực cho biết, Kazakhstan cũng thành công hơn so với Kyrgyzstan trong việc hạn chế áp lực từ Nga, đồng thời ghi được điểm ngoại giao với phương Tây trong quá trình này. Các yếu tố kinh tế toàn cầu cũng giúp Kazakhstan giảm bớt sự tức giận của phương Tây liên quan đến việc lách lệnh trừng phạt. Tài nguyên dầu khí của Kazakhstan thu hút đầu tư lớn; 6 trong số 10  nhà đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực này là các đơn vị có trụ sở chính tại EU, Anh và Mỹ. Trong khi đó, Kyrgyzstan thiếu tài nguyên thiên nhiên và không phải là trung tâm thương mại xuyên lục địa.

“Chúng tôi [Kyrgyzstan] đang bị lấy làm ví dụ vì các doanh nghiệp phương Tây không có đại diện ở đây", chuyên gia Sharsheev, nhà kinh tế học người Kyrgyzstan nói.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo eurasianet.org)
Cạnh tranh giữa Pháp và Nga về máy bay chiến đấu trên thị trường Trung Á
Cạnh tranh giữa Pháp và Nga về máy bay chiến đấu trên thị trường Trung Á

Mặc dù Pháp tăng cường “tán tỉnh” mua máy bay chiến đấu Rafale, nhưng Không quân Kazakhstan đã quyết định mua máy bay chiến đấu Su-30SM do Nga sản xuất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN