Các nước Arập khủng hoảng lương thực

Học giả Ibrahim Saif, thuộc Trung tâm Carnegie Trung Đông và là chuyên gia tư vấn của nhiều thể chế tài chính quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có bài viết đăng trên tờ "Al Hayat" (Ai Cập) số mới đây cho biết, hầu như tất cả các nước Arập đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực khi phải nhập khẩu từ 60 - 80% lương thực và thực phẩm.


 

Một nông dân Xyri đi mót lúa trên cánh đồng lúa mì khô héo ở Assanamein.

Trước đó vào năm 2008, tình trạng đầu cơ lương thực trên thị trường thế giới đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng khu vực. Giá cả hàng hóa tăng vọt đẩy lạm phát vọt lên mức cao chưa từng thấy. Nhiều nước Arập đã phải tập trung mọi giải pháp cho mục tiêu giảm phát, song vẫn không thể giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của khủng hoảng này.


Qua phân tích các số liệu, có thể thấy mức độ đe dọa nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng lương thực đối với các nước trong khu vực. Theo ước tính, năm 2020, các nước Arập sẽ phải bỏ ra tới 115 tỷ USD để nhập khẩu lương thực. Con số này được tính toán dựa trên tốc độ tăng trưởng dân số của khu vực dự kiến ở mức 3,5% trong thập kỷ tới.


Cuộc khủng hoảng lương thực có khả năng ngày càng trở nên tồi tệ bởi nhiều lý do. Trước hết là tình trạng sa mạc hóa ngày càng gia tăng trên toàn thế giới. Các cuộc xung đột về tài nguyên nước ngày càng tăng và danh sách các nước mất an ninh lương thực cũng tiếp tục tăng. Cuối cùng, giá năng lượng và chi phí sản xuất tăng đe dọa nhấn chìm toàn bộ thế giới vào làn sóng tăng giá mới.


Việc giá cả lương thực và thực phẩm tăng có thể sẽ ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng tới các nước Arập do những chính sách sai lầm của các nước này. Trước hết, tại hầu hết các nước Arập, sản xuất nông nghiệp bị lãng quên trong nhiều thập kỷ gần đây, dẫn đến khả năng sản xuất của ngành này rất thấp. Điều này làm tăng tình trạng di cư hàng loạt từ khu vực nông thôn về các thành phố và vùng ngoại ô. Nông dân lành nghề đua nhau bỏ ruộng vườn trong khi các chính phủ không quan tâm tới việc phân bổ các nguồn tài chính thỏa đáng nhằm nâng cao năng suất của ngành nông nghiệp này.


Sai lầm thứ hai là hầu hết các nước Arập bắt đầu trợ cấp thực phẩm, đồng thời không chú trọng tới các biện pháp cho vấn đề mất an ninh lương thực ngày một gia tăng. Tuy nhiên, điều này sẽ không thể duy trì mãi do giá cả thế giới tăng, đẩy mức thâm hụt ngân sách ở các nước Arập lên cao. Mặc dù ngân sách các nước vùng Vịnh vẫn thặng dư nhưng giá cả các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu đắt đỏ hiện đang gây nhiều thiệt hại cho những nước này.


Sai lầm thứ ba là Trung Đông và Bắc Phi nói chung được xem là một trong những khu vực nghèo nhất trên thế giới về nguồn tài nguyên nước. Tuy nhiên, nhà nước không khuyến khích việc khai thác và sử dụng hợp lý nguồn nước mưa khiến cho tình trạng này trở nên trầm trọng hơn. Chính sách sai lầm này đã khiến một số nước Arập như Ai Cập và Marốc từ chỗ thừa tài nguyên nước lâm vào cảnh thiếu hụt.


Sau khi làn sóng nổi dậy quét qua thế giới Arập, các dự án tăng cường an ninh lương thực trong khu vực đã bị sao nhãng. Trong những năm qua, các nước Arập đã nỗ lực tăng cường đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ở các nước như Xuđăng và Ai Cập. Đây là một bước đi đúng hướng nhưng để tăng cường sản xuất nông nghiệp và có thể tự cung tự cấp lương thực thì chặng đường vẫn còn dài.


Hữu Chiến (P/v TTXVN tại Ai Cập)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN