Các nhà lãnh đạo G-20 cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Nngày 4/11, kết thúc hội nghị thượng đỉnh tại Can (Cannes, Pháp), Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) đã nhất trí phối hợp hành động với những trọng tâm cụ thể nhằm đảm bảo sự tăng trưởng bền vững trong bối cảnh những bất ổn về kinh tế hiện đang làm gia tăng thách thức trên toàn cầu.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy trong cuộc trả lời phỏng vấn của Đài Truyền hình Pháp sau khi kết thúc hội nghị. Ảnh AFP/TTXVN

Thông cáo sau hội nghị nêu rõ G-20 tái khẳng định cam kết cùng hợp tác và đưa ra các quyết định nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, đảm bảo sự ổn định về tài chính, tăng cường sự liên kết xã hội và làm cho tiến trình toàn cầu hóa phục vụ nhu cầu của người dân.
Thông cáo cũng nhấn mạnh các nước G-20 lựa chọn các biện pháp khác nhau để thực hiện những ưu tiên cụ thể của mình. Các nước tiên tiến có ngân sách eo hẹp cam kết thông qua các chính sách nhằm xây dựng lòng tin, hỗ trợ tăng trưởng, củng cố nguồn tài chính; trong khi những nước có thặng dư sẽ thúc đẩy nhu cầu trong nước.

Các nhà lãnh đạo G-20 cũng cam kết ủng hộ đề xuất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thành lập quỹ duy nhất nhằm đáp ứng nhu cầu cứu trợ khẩn cấp của những nước thành viên gặp khó khăn. Theo Tổng thống nước chủ nhà Nicholas Sarkoz), quyết định trên nhằm giúp IMF đảm nhận vai trò then chốt trong việc bảo vệ sự tăng trưởng và ứng phó với những cú sốc bất ngờ.

Nhằm điều chỉnh vai trò và những đặc tính đang thay đổi theo thời gian của các đồng tiền, vấn đề quyền rút vốn đặc biệt (SDR) sẽ được đưa ra xem xét vào năm 2015 hoặc sớm hơn khi các đồng tiền đáp ứng các tiêu chí để tham gia giỏ tiền tệ này.

Liên quan hoạt động điều phối tài chính, các nhà lãnh đạo G-20 nhất trí với những hành động và nguyên tắc giúp mang lại lợi ích từ sự hội nhập tài chính và giúp tăng cường khả năng trụ vững trước những nguồn vốn dễ biến động. Thông cáo nhấn mạnh G-20 không cho phép tái diễn cách ứng xử như thời kỳ trước khi xảy ra khủng hoảng trong lĩnh vực tài chính và sẽ giám sát chặt chẽ việc thực hiện các cam kết liên quan tới các ngân hàng, thị trường ngoài sàn và vấn đề bồi thường. Các nhà lãnh đạo G-20 nhất trí các nhà điều phối thị trường cần được trao quyền can thiệp thích hợp để ngăn chặn các hoạt động lạm dụng trên thị trường, đồng thời khẳng định gia tăng sản lượng nông nghiệp là yếu tố chính để nuôi sống dân số thế giới.

Theo các nhà quan sát, Hội nghị thượng đỉnh lần này của G-20 đã đạt được tiến bộ đáng kể về các vấn đề thuế với việc các nước thành viên thông qua Công ước đa phương về hỗ trợ quản lý các vấn đề thuế, văn bản được xem là sẽ giúp mở rộng sự hợp tác toàn cầu trong lĩnh vực này. Trong nỗ lực ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp lan sang các nền kinh tế lớn hơn, hội nghị nhất trí trao cho IMF trách nhiệm mới là phối hợp với Ủy ban châu Âu (ECB) giám sát Italia thực hiện các chương trình cải cách kinh tế của nước này. Ngoài ra, hội nghị cũng nhất trí giao cho một số tổ chức quốc tế đánh giá các hoạt động trao đổi nợ dưới hình thức trái phiếu và tăng cường giám sát các hoạt động đầu cơ. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo G-20 đã không thu hẹp được bất đồng về áp thuế giao dịch tài chính, vấn đề mà Pháp mong muốn sẽ được thực hiện trong thời gian nước này giữ chức Chủ tịch G-20. Tổng thống Xáccôdi cho biết Canađa và một số nước lớn khác vẫn phản đối chủ trương trên.

Theo kế hoạch, Mêhicô sẽ thay Pháp đảm nhận chức Chủ tịch G-20 từ ngày 1/12/2011./.


TTXVN/Tin Tức

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN