Các nguồn năng lượng - Thách thức về địa chính trị?

Trong bài "Các nguồn năng lượng - một thách thức về địa chính trị", đăng trên mạng tin "Liên minh chiến lược" gần đây, tác giả Bénédicte Tratnjek viết: Các nguồn năng lượng là một trong những vấn đề địa chính trị quan trọng nhất vào đầu thế kỷ 21 và liên quan đến tất cả các vùng lãnh thổ cũng như ở mọi cấp độ.

Hiện cuộc đua nhằm chiếm hữu các nguồn năng lượng diễn ra cả trong môi trường ngoại giao lẫn trong cạnh tranh kinh tế, trong quản lý đất đai quốc gia cũng như trong các cuộc chiến tranh vũ trang.

Rõ ràng, mọi hoạt động của con người đều liên quan đến quá trình tiêu thụ năng lượng. Chính vì vậy, việc làm chủ được các nguồn năng lượng trở thành một thách thức đối với mọi xã hội. Điều này càng trở nên đúng hơn bao giờ hết bởi các nguồn năng lượng sẵn có ngày càng đa dạng và là những yếu tố cho nhiều sự lựa chọn. Trong một nền kinh tế toàn cầu hóa, tình trạng chiếm hữu để dự trữ các nguồn năng lượng và môi trường trở thành một vấn đề chủ đạo. Giá dầu tăng cao và nỗi lo sợ về một cú sốc dầu lửa thứ ba ẩn chứa nhiều thách thức, trong đó có nhu cầu của các cường quốc nhằm đa dạng hóa các nguồn cung.


Nguồn năng lượng mặt trời hiện đang được nhiều quốc gia quan tâm-Ảnh internet


Do các nguồn tài nguyên năng lượng thường được phân bổ không đều trên toàn thế giới, nên các cường quốc đang lao vào cuộc tranh giành gay gắt nhằm chiếm hữu các nguồn tài nguyên ở các nước thứ ba: Sự hiện diện của Trung Quốc ở châu Phi thường được nhìn qua lăng kính tiêu thụ năng lượng của nước này trước sức tăng trưởng công nghiệp và đô thị phi mã; Vị trí của Mỹ trên trường quốc tế thường liên quan đến tham vọng đa dạng hóa các nguồn cung cấp dầu và khí đốt tự nhiên của nước này, cũng như giảm sự phụ thuộc đến mức tối thiểu vào một số nguồn cung nhất định; Các nước vốn có ngành sản xuất giảm nay lại muốn trở thành "sân chơi" của các nước lớn. Ở các nước có ngành sản xuất giảm này, các nước lớn sẽ lao vào cạnh tranh về tài nguyên hoặc thông qua các công ty quốc tế, hoặc thông qua việc tham gia vào đời sống chính trị trong nước.

Vấn đề làm chủ các nguồn năng lượng là một thách thức lớn về an ninh. Mỹ, Trung Quốc và Nga đều có các chiến lược về năng lượng đó là cạnh tranh, trong khi các nước sản xuất phải tự bảo vệ mình để duy trì quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên của họ. Một địa lý các vùng lãnh thổ "hữu ích" đang nổi lên, để lộ ra những căng thẳng chính trị và ngoại giao. Hơn nữa, các nguồn năng lượng là một yếu tố làm trầm trọng thêm các cuộc xung đột vũ trang: Sự hiện diện của các nguồn khí đốt có thể kích động những mưu đồ tham chiến tại một số vùng lãnh thổ đang trong tình trạng chiến tranh.


Vấn đề địa chính trị về phát triển bền vững là một câu hỏi ngày càng trở nên phổ biến trong các xã hội cũng như trên diễn đàn chính trị quốc tế. Năng lượng thường là trọng tâm của cuộc tranh luận, đặc biệt là về tiêu thụ. Tuy nhiên, việc vận chuyển các nguồn năng lượng từ một khu vực sản xuất đến một khu vực sản xuất cũng tiêu tốn một lượng lớn năng lượng.


Các nguồn năng lượng cũng tiềm ẩn những mối nguy hiểm: Thảm họa công nghiệp (như một bồn chứa khí hóa lỏng bị nổ ở Mêhicô năm 1984 đã làm 500 người chết và 7.000 người bị thương), nguy cơ về môi trường (đặc biệt là xung quanh vấn đề chất thải hạt nhân), những tác động đến thiên nhiên trong khi xây dựng các đập thủy điện, các nguồn ô nhiễm (mưa axít, ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất...).

Trong khi đó, công tác quản lý chưa thỏa đáng, đôi khi thậm chí không quản lý. Vì thế, việc khống chế những nguy cơ cần được triển khai ở cấp độ thế giới (thông qua luật biển) cũng như ở cấp độ quốc gia (luật Grenelle về môi trường).

TTK

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN