Các kịch bản cho cuộc khủng hoảng Ai Cập

Vào lúc thời hạn 48 tiếng giải quyết khủng hoảng chính trị do quân đội Ai Cập đưa ra chuẩn bị kết thúc, giới quan sát đưa ra những kịch bản khác nhau cho cuộc khủng hoảng chính trị ở quốc gia đang rối loạn cực điểm này. Tuy nhiên, họ loại trừ khả năng quân đội sẽ tiếp quản chính quyền.

Biểu tình phản đối Tổng thống Mohamed Morsi bên ngoài dinh Tổng thống ở Cairo ngày 2/7/2013. Ảnh: THX/TTXVN


Thời hạn hai ngày được đưa ra trong một tuyên bố của quân đội hôm 1/7, một ngày sau khi xảy ra các vụ đụng độ kéo dài suốt đêm giữa những người ủng hộ và chống lại Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi cầm quyền khiến ít nhất 16 người chết và gần 800 người bị thương trên khắp đất nước. Bộ trưởng Quốc phòng Abdel Fattah al-Sisi cảnh báo: "Lãng phí thêm thời gian sẽ dẫn tới xung đột và chia rẽ hơn nữa", đồng thời đưa ra thời hạn hai ngày cho ông Morsi để giải quyết yêu cầu của nhân dân, sau đó nếu không được, quân đội sẽ áp đặt lộ trình mà tất cả các phe phái chính trị phải tuân thủ.

Không tính tới khả năng Hội đồng Quân sự Tối cao nắm quyền lãnh đạo đất nước cho tới khi lựa chọn được tổng thống mới, Noha Bakr - giáo sư khoa học chính trị thuộc Đại học Mỹ ở Cairo - đưa ra ba kịch bản như sau:
"Kịch bản thứ nhất là tổng thống sẽ đề nghị tổ chức trưng cầu dân ý, khi đó nhân dân sẽ bỏ phiếu quyết định tổng thống sẽ tiếp tục nắm giữ quyền lực hay phải ra đi". Ông Bakr hy vọng chiều hướng này là "nhiều khả năng diễn ra nhất" và sẽ do vị tổng thống bị đặt vào tình thế bị động tiến hành.

Kịch bản thứ hai là ông Morsi bị lật đổ, sau đó là các vụ đụng độ đẫm máu giữa những người ủng hộ ông và những người chống đối. Tình hình phát triển theo hướng này sẽ dẫn tới sự thất bại hoàn toàn lộ trình do quân đội đưa ra.

Theo ông Bakr, "kịch bản cuối cùng là lực lượng Anh em Hồi giáo (MB) sẽ hạn chế sự thua thiệt của mình bằng việc thuyết phục ông Morsi từ bỏ quyền lực và sau đó áp dụng các điều khoản liên quan trong Hiến pháp 1971, theo đó quy định người đứng đầu Tòa án Hiến pháp sẽ lãnh trách nhiệm đứng đầu nhà nước cho tới khi các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống được tổ chức".

Giáo sư Bakr cho rằng MB nên thực hiện kịch bản thứ 3 này, ông nói: "Nếu nhóm Hồi giáo này thuyết phục ông Morsi từ bỏ quyền lực, họ sẽ có được sự tôn trọng của tất cả các đảng phái, khi đó họ sẽ xuất hiện với vai trò là đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu". Theo chiều hướng này, họ có thể tiếp tục duy trì vai trò của mình trong đời sống chính trị thông thường. Tuy nhiên, nếu họ hành động "một cách ngoan cố" và không lựa chọn đề xuất nhượng bộ, họ sẽ mất hết uy tín của mình và sự hiện diện chính trị của họ sẽ không được hoan nghênh.

Trong khi đó, Wahid Abdel Maguid - một chuyên gia chính trị thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Chính trị al-Ahram - cho rằng "không dự đoán nào có thể lường hết được mọi chuyện" do tình hình "diễn biễn nhanh chóng và không dừng lại".

Mamdouh Atteiah - một chuyên gia chính trị khác, đồng thời là một tướng quân đội về hưu - cho rằng chỉ có một kịch bản duy nhất mà theo như mô tả của ông là "không thể tránh khỏi". Atteiah nói: "Cuộc khủng hoảng sẽ kết thúc theo lộ trình do quân đội đưa ra và được tất cả các đảng phái tuân thủ. Sẽ là như vậy vì thỏa hiệp lớn nhất của MB và Tổng thống Morsi là sẽ không tiến hành cuộc trưng cầu dân ý được đề xuất để xem tổng thống có tiếp tục tại vị hay không, tuy nhiên phe đối lập sẽ không chấp nhận trường hợp này". Cựu quân nhân này nói: Ngoại trừ việc quân đội tạm thời giải quyết tình hình, "tôi cho rằng lộ trình do quân đội đưa ra sẽ có hội đồng tổng thống chuyển tiếp, trong đó có đại diện của tất cả các đảng phái chính trị, tạm dừng thực thi hiến pháp mới, soạn thảo hiến pháp mới, tổ chức bầu cử quốc hội và cuối cùng là bầu cử tổng thống vào năm 2014".

Về tương lai nên để ông Morsi ra đi, giáo sư Bakr cho rằng một năm sau khi chính quyền Hồi giáo thực thi "các nhiệm vụ khó khăn về chính trị và kinh tế", không rõ chính quyền tiếp theo sẽ là một "hội đồng quân sự" hoặc một hội đồng tổng thống hay thậm chí là người đứng đầu tòa án hiến pháp. Bakr nói: "Về mặt kinh tế, tôi cho rằng tình hình sẽ tồi tệ hơn hiện nay vì việc thiếu vắng tổng thống dân cử sẽ dẫn đến các nguồn đầu tư dần biến mất, trừ phi các quốc gia vùng Vịnh như Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất, Arập Xêút, Kuwait cung cấp viện trợ tài chính cho Ai Cập".

Nói về quan hệ đối ngoại, nhà nghiên cứu Bakr chỉ ra rằng, Ai Cập sẽ giữ quan hệ cân bằng với Mỹ và tìm kiếm các mối quan hệ tốt hơn với các quốc gia vùng Vịnh, đồng thời lưu ý rằng quan hệ của Ai Cập với các quốc gia này "có phần bối rối" trong thời gian chính quyền của ông Morsi mong muốn "bình thường hóa quan hệ với Iran". Quan hệ Ai Cập với Iran sẽ trở lại thời kỳ "đóng băng" giống như dưới thời của nhà lãnh đạo Hosni Mubarak trước đây. Về quan hệ với Trung Quốc, ông Bakr cho rằng, "cũng sẽ được giữ cân bằng nếu chính quyền của ông Morsi tiếp tục tại vị, với hi vọng Trung Quốc sẽ giữ vai trò sống còn trong việc 'làm mới' nền kinh tế Ai Cập thông qua đẩy mạnh đầu tư".


TTXVN/Tin tức

Quân đội Ai Cập sẵn sàng hy sinh trong 'giờ phút cuối cùng'
Quân đội Ai Cập sẵn sàng hy sinh trong 'giờ phút cuối cùng'

Trong một tuyên bố mang tựa đề “Những giờ phút cuối cùng” nhằm phản ứng với Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi thuộc phe Hồi giáo, Hội đồng Tối cao Các lực lượng vũ trang Ai Cập (SCAF) khẳng định quân đội sẵn sàng hy sinh để bảo vệ người dân nước này trước những kẻ khủng bố và ngu ngốc.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN