Bước ngoặt lớn trên chính trường Ai Cập?

Ngày 30/1, Mohamed ElBaradei - nhà lãnh đạo của phe đối lập chính tại Ai Cập là Mặt trận Cứu quốc (NSF) - đã kêu gọi tổ chức một cuộc họp khẩn với Tổng thống Mohamed Morsi. Động thái này đánh dấu một bước chuyển về thái độ và lập trường của phe đối lập, đồng thời mở ra triển vọng cải thiện bối cảnh chính trị tại quốc gia Bắc Phi này.


 

Người biểu tình Ai Cập hô hào chống chính phủ của Tổng thống Morsi ngày 30/1.

Trên trang mạng xã hội Twitter, ông ElBaradei kêu gọi tổ chức "một cuộc gặp khẩn cấp... nhằm thảo luận về các diễn biến bạo lực đang gia tăng từng ngày trên khắp các đường phố Ai Cập". Không chỉ có sự tham gia của Tổng thống Morsi, ông ElBaradei còn đề xuất có sự tham gia của các bộ trưởng Quốc phòng và Nội vụ, cũng như các đảng Hồi giáo chủ chốt khác như Đảng Tự do và Công bằng (FJP) của tổ chức Anh em Hồi giáo cùng lãnh đạo đảng al-Nour. Tuy nhiên, NSF đưa thêm điều kiện tiên quyết là “thành lập một chính phủ mới và tiến hành sửa đổi hiến pháp” - những yêu cầu mà họ cho rằng Tổng thống Morsi đã phớt lờ.


Đáng chú ý, chỉ trước đó vài ngày chính NSF đã từ chối đề xuất đối thoại dân tộc của Tổng thống Morsi, cũng với mục đích ổn định tình hình và giải quyết các vụ đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh. Các vụ đụng độ này đã cướp đi sinh mạng của hơn 60 người và làm bị thương khoảng 2.000 người khác.

 

Xuống nước vì nguy cơ

 

Theo nhận định của Ali Hassan - một nhà phân tích chính trị đồng thời là Phó Giám đốc hãng thông tấn chính thức MENA - thì có thể phe đối lập đã nhận thức được rằng nếu không có đối thoại và thỏa hiệp, Ai Cập sẽ bị đẩy tới gần hơn tới bất ổn và NSF có thể sẽ bị chỉ trích là đã góp phần hủy hoại sự ổn định của Ai Cập do tẩy chay đối thoại. Ông Hassan nói: "NSF nhận thức được trách nhiệm nặng nề đang đè trên vai họ, bởi vậy, họ bày tỏ thái độ sẵn sàng đối thoại với chính phủ, mặc dù chỉ vừa mới từ chối cách đó không lâu".


Ông cũng cho rằng Ai Cập đang có xu hướng trở thành một quốc gia mất kiểm soát về chính trị, kinh tế, bất ổn xã hội và an ninh, và rằng một cuộc đối thoại chân thành là cách duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại.


Saeed al-Lawindy, chuyên gia về chính trị hiện làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Chính trị al-Ahram, đánh giá lời kêu gọi của ông ElBaradei là "một sự thay đổi quan điểm, theo đó đề cao các lợi ích chung hơn là tính đảng phái và tư lợi cá nhân". Ông nói: "Chắc hẳn NSF đã nhận ra rằng tình hình Ai Cập đang rất nghiêm trọng và ẩn chứa nhiều nguy cơ".


Ông al-Lawindy cũng chia sẻ quan điểm rằng đối thoại là cách duy nhất để giảm bớt căng thẳng và giải quyết các vấn đề hiện tại ở Ai Cập. NSF không muốn bị buộc tội góp phần làm bạo lực leo thang vì đã từ chối tham gia đối thoại, bởi như cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy từng nói “Những người vắng mặt luôn sai".

 

Hay chia rẽ trong phe Hồi giáo?


Cũng trong ngày 30/1, NSF đã có các cuộc gặp với đảng al-Nour salafist (Salafist: nhóm Hồi giáo vũ trang theo dòng Sunny cực đoan) về thứ hai trong cuộc bầu cử quốc hội sau FJP. Cuộc gặp đã đề cập tới những lo ngại về việc Anh em Hồi giáo (lực lượng hậu thuẫn Tổng thống Morsi) nỗ lực kiểm soát các thể chế nhà nước.


Mặc dù đã đồng ý với NSF về vấn đề thành lập chính phủ liên minh mới, song al-Nour trên thực tế vẫn là một phong trào chính trị Hồi giáo tương tự như FJP. Nhà phân tích Hassan cho rằng việc al-Nour gặp gỡ NSF đã chỉ ra sự chia rẽ giữa al-Nour với FJP. Ông lấy dẫn chứng từ lời tuyên bố của Chủ tịch đảng al-Nour, Younis Makhyoun, sau cuộc gặp rằng "đất nước không thể bị kiểm soát bởi một đảng phái nào đó" (ám chỉ tới tổ chức Anh em Hồi giáo). Ông nhấn mạnh việc al-Nour tham gia cuộc gặp nói trên "phản ánh sự bất bình trong nội bộ phe Hồi giáo trước sự thao túng của một nhóm người đối với vận mệnh đất nước".


Tương tự, chuyên gia chính trị al-Lawindy nhấn mạnh rằng sự kiện này cho thấy sự bất mãn của lực lượng Salafist đối với "sự thao túng quyền lực và các chính sách hạn chế" của những người Hồi giáo trong tổ chức Anh em Hồi giáo.


Tuy nhiên, theo Karima al-Hifnawi - một nhà hoạt động chính trị đồng thời là thành viên của NSF - lời kêu gọi tổ chức các cuộc gặp khẩn cấp với Tổng thống Morsi của thủ lĩnh ElBaradei và cuộc gặp giữa NSF và al-Nour vừa qua không đồng nghĩa với việc NSF đã từ bỏ các điều kiện tiên quyết tham gia đối thoại, và họ cũng không rút lại lời kêu gọi tổ chức các cuộc biểu tình chống chính phủ trên khắp cả nước vào ngày 1/2 tới.



TTK (theo Xinhua)

Phe đối lập Ai Cập chấp nhận đối thoại với tổng thống
Phe đối lập Ai Cập chấp nhận đối thoại với tổng thống

Ông Mohamed ElBaradei, Chủ tịch Đảng Hiến pháp đồng thời là một trong những lãnh đạo của Mặt trận Cứu quốc (NSF) - liên minh đối lập chính tại Ai Cập, đã kêu gọi đối thoại với Tổng thống Mohamed Morsi và các lực lượng chính trị khác.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN