Bồ Đào Nha xin cứu trợ - Eurozone lún sâu vào khủng hoảng

Sau nhiều tháng đối phó với áp lực thị trường cũng như sức ép từ các đối tác châu Âu do gánh nặng nợ công, cuối cùng chính phủ Bồ Đào Nha đã phải yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) trợ giúp tài chính để tránh bị vỡ nợ. Phát biểu trên truyền hình Bồ Đào Nha tối 6/4, Thủ tướng tạm quyền Jose Socrates nói rằng quyết định yêu cầu trợ giúp tài chính từ EC là cần thiết nhằm bảo đảm duy trì hệ thống tài chính và kinh tế của đất nước trong bối cảnh hiện nay.

Một cuộc biểu tình phản đối chính sách “thắt lưng buộc bụng” của chính phủ Bồ Đào Nha tại Thủ đô Lixbon hồi tháng 3/2011. Ảnh: AFP/TTXVN


Vài ngày trước khi Bồ Đào Nha cầu viện tài chính từ EC, các công ty xếp hạng tín dụng có uy tín liên tiếp hạ mức xếp hạng tín dụng của nước này vì cho rằng chính phủ Bồ Đào Nha khó có thể đạt được những mục tiêu về giảm thâm hụt ngân sách giai đoạn 2011-2014 trong bối cảnh những bất ổn gia tăng về chính trị, ngân sách và kinh tế hiện nay.

Mạng tin “Dự báo Thị trường” (Anh) nhận định những diễn biến mới nhất ở Bồ Đào Nha đang đe dọa đẩy cuộc khủng hoảng tài chính tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) khỏi tầm kiểm soát. Khoản tiền khoảng 70 tỷ euro dự kiến đưa ra cứu trợ Bồ Đào Nha chưa đủ để nhấn chìm con thuyền EU. Song, điều khiến người ta lo ngại là cuộc khủng hoảng Bồ Đào Nha sẽ tạo ra hiệu ứng đôminô. Ngày càng có nhiều mối lo về việc Tây Ban Nha cũng sẽ cần viện trợ bên ngoài và một khi nước này cần hỗ trợ thì số tiền sẽ đủ lớn để tạo ra cơn ác mộng tài chính đối với EU.

Tờ “Nhật báo Phố Uôn” mới đây cho rằng chi phí để cứu Tây Ban Nha – nền kinh tế với GDP 1.560 tỷ USD – sẽ vượt quá tổng các cuộc cứu trợ ở châu Âu trước đây và thách thức tổng năng lực tài chính của khu vực. Thực tế là phần còn lại của châu Âu không có đủ khả năng tài chính cần thiết để cứu trợ liên tục. Nếu Tây Ban Nha sụp đổ, nó sẽ gây một sức ép khổng lồ tới phần còn lại của châu lục.

Trong khi đó, EU còn đang phải đối mặt với những khó khăn khác. Theo tạp chí Business Insider, khó khăn tài chính của Ailen cũng đang khiến EU đau đầu. Các ngân hàng của Ailen có thể sẽ cần thêm một khoản cứu trợ nữa trị giá 39 tỷ USD. Lòng tin về tình hình nợ công của Ailen đã xấu đi nghiêm trọng, khiến lãi suất trái phiếu chính phủ 10 năm của nước này tăng lên 10,12%. Tuy nhiên, mức lãi suất này vẫn thấp hơn so với những gì chính phủ Hy Lạp phải trả (12,58%). Nhiều tin đồn liên tục xuất hiện rằng chính phủ Hy Lạp cũng sẽ cần thêm một khoản cứu trợ nữa mới có thể tồn tại.

EU có thể đủ sức để lần lượt tung ra các khoản cứu trợ, nhưng dần dần sẽ đến lúc liên minh này không còn đủ sức để “duy trì quả bóng trên không”, và về cơ bản EU sẽ không tránh khỏi một cuộc sụp đổ về tài chính. Tất nhiên các quan chức EU sẽ tìm mọi cách để điều này không xảy ra, nhưng đến một lúc nào đó cuộc khủng hoảng tài chính ở khu vực sẽ trở nên cực kỳ thách thức. Nhiều người đã nói về “cái chết của đồng USD”, nhưng thực tế là trước đó có thể sẽ xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính lớn ở châu Âu.

Vũ Hội (P/V TTXVN tại Luân Đôn)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN