Biển Đen: Điểm nóng địa chiến lược bị lãng quên

Phán quyết mới đây của Tòa Trọng tài ở La Haye (Hà Lan) bác bỏ những yêu sách chủ quyền rộng lớn phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, và nguy cơ về một sự đối đầu tăng lên trong khu vực, gợi nhớ đến một vùng biển chiến lược khác, mà trong đó căng thẳng là khá cao và tiềm năng về một cuộc đối đầu quân sự là rất lớn, nhưng lại rất ít được chú ý - Biển Đen.

Bản đồ khu vực Biển Đen.

Tiến sĩ Paul Coyer, chuyên gia phân tích về chính sách đối ngoại Á-Âu, quan hệ Trung-Mỹ và từng là giảng viên thỉnh giảng tại Viện Nghiên cứu Á-Âu, châu Âu và Nga tại trường Quan hệ Quốc tế Elliott, thuộc Đại học George Washington ở Washington (Mỹ), mới đây đã bình luận trên tờ Forbes về điểm nóng chưa được chú ý - Biển Đen.

Vai trò địa chiến lược


Biển Đen từ lâu đã đóng một vai trò quân sự và kinh tế quan trọng đối với các quốc gia xung quanh, nơi giàu tài nguyên, và về mặt lịch sử, đã và đang là chiến trường của cuộc cạnh tranh địa chính trị, do tầm quan trọng chiến lược của nó, một giá trị mà cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây một lần nữa được nhấn mạnh.

Kể từ khi sáp nhập Crimea, Nga đã tích cực tăng cường khả năng của mình để triển khai sức mạnh khắp khu vực Biển Đen, và đã có sự thành công đáng kể. Trong khi đó, những nước hàng xóm xung quanh Biển Đen của Nga, đang ngày càng tăng cường hợp tác trong các cuộc diễn tập hải quân và thăm cảng, thảo luận về sản xuất quốc phòng chung, trong một nỗ lực để tăng cường năng lực của họ để đối trọng với Nga và không nhường lại quyền kiểm soát hoàn toàn Biển Đen cho Moskva.

Cụ thể, Romania quan tâm đến sự an toàn của những cơ sở năng lượng của họ ở Biển Đen, cũng như về khả năng của mình để đảm bảo quyền tự do tiếp cận các cửa sông Danube - việc kiểm soát quyền tiếp cận vào sông Danube có tầm quan trọng chiến lược, do vai trò của con sông như một tuyến đường vận tải và thương mại trọng điểm chạy qua hầu như toàn bộ khu vực Trung Âu, cùng một số lý do khác.

Gruzia, vốn chiếm một vị trí chiến lược tại nơi giao cắt về địa lý, văn hóa và lịch sử quan trọng, cần Biển Đen để có một không gian thân thiện, vì nó cung cấp sự tiếp cận với châu Âu – việc kiểm soát của Nga có thể sẽ được Gruzia coi là phục vụ để cô lập nước này từ các đối tác phương Tây mới và khiến cho họ dễ bị tổn thương hơn nếu bị áp lực từ Moskva.

Một tàu chiến Nga bắn tên lửa trong ngày thành lập Hải quân nước này ở Crimea ngày 26/7/2015. Ảnh: AFP

Tiếp đến là Ukraine, sự tiếp cận Biển Đen của nước này có vai trò then chốt về kinh tế và chiến lược, và từ vị trí của Nga tại Crimea, Moskva có khả năng ngăn chặn các điểm tiếp cận chủ yếu của Ukraine tới Biển Đen thông qua các sông Dniester và Dniepr.
 
Về phần mình, việc kiểm soát Biển Đen là sống còn đối với an ninh Nga, và việc kiểm soát Crimea là chìa khóa để điều khiển Biển Đen. Crimea đã trở thành một trung tâm quyền lực của hải quân Nga trong thế kỷ 18 sau khi đánh bại Đế chế Ottoman trong một loạt các cuộc giao tranh. Trong thế kỷ 19, một trong những lý do chính Nga thua trong cuộc chiến với liên minh của Anh, Pháp, và Đế quốc Ottoman là do không thể để kiểm soát Biển Đen.

Kiểm soát Crimea và Biển Đen cho phép Nga ở thế thượng phong trong toàn bộ khu vực cũng như xung quanh Biển Đen, kể cả đối với đối thủ cạnh tranh địa chính trị cũ Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài giá trị phòng thủ của căn cứ Sevastopol ở Crimea, Moskva cũng coi căn cứ hải quân này là có tính quyết định để triển khai sức mạnh hải quân trên toàn cầu, và đang có kế hoạch sử dụng vị thế này ở đó để mở rộng sự hiện diện hải quân của mình, theo đó là ảnh hưởng ở Địa Trung Hải, Đại Tây Dương và Vịnh Ba Tư. Nếu không có Crimea, vị thế toàn cầu của Nga bị suy giảm. Với Crimea, Nga có một cơ sở vững chắc để triển khai sức mạnh địa chính trị.

Do đó, quyết tâm của Nga nhằm kiểm soát Biển Đen, có nguồn gốc lịch sử sâu sắc và một lý do chiến lược dễ hiểu. Tuy nhiên, lập luận của Nga rằng hành vi của họ có tính chất phòng thủ, là không dễ nhận được sự chấp thuận của các quốc gia ven Biển Đen khác, đồng thời khiến họ ngày càng lo lắng.

Trong vòng hai tháng sau khi sáp nhập Crimea, Nga công bố kế hoạch xây dựng lại lực lượng hải quân tại Sevastopol, và đã củng cố đáng kể căn cứ này trong thời gian qua, với việc bổ sung các tàu chiến nổi, tàu ngầm. Tất cả trong số đó có khả năng sử dụng tên lửa hành trình tầm xa và/hoặc tên lửa chống hạm siêu âm, dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng tại các thời điểm khác nhau trong vòng 1-4 năm tới. Từ căn cứ mới tại Crimea, Nga hiện nay đã “phủ sóng” toàn bộ Biển Đen với một sự kết hợp mạnh mẽ giữa tên lửa chống hạm siêu âm có tầm bắn 600 km, máy bay chiến đấu tiên tiến, và các tàu ngầm, tàu chiến nổi được trang bị tên lửa hành trình cũng như chống hạm.

Ngoài ra, căn cứ này được tăng cường khả năng chống xâm nhập/tiếp cận (A2/AD) bằng việc triển khai ở Crimea hệ thống tên lửa phòng không mới nhất S-400 trong tháng tới, cũng như lắp đặt các tổ hợp radar mới Podsolnukh ("Hoa hướng dương"), mà Moskva chào hàng là có khả năng phát hiện các máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Mỹ, vào năm tới. Bên cạnh đó, 3 tàu khu trục lớp Đô đốc Grigorovich dự kiến sẽ được bổ sung vào hạm đội Biển Đen cuối năm nay.

Dù năng lực của hải quân Nga tụt hậu hơn so với của Hải quân Mỹ, đồng thời hải quân Nga rất ít có cơ hội để một lần nữa chứng thực sức mạnh mà Moskva đã đạt được trong giai đoạn cuối thời kỳ Xô-viết, nhưng Nga vẫn có khả năng thách thức Mỹ và NATO ở Biển Đen và định hình hành vi của các lực lượng hải quân Mỹ cùng đồng minh bằng cách tăng chi phí/tổn thất của cuộc đối đầu. Và mặc dù các chiến hạm Nga ở Biển Đen đến nay là tương đối nhỏ, nhưng thậm chí chỉ là tàu hộ tống nhỏ của Nga cũng có sức mạnh lớn hơn nhiều so với các tàu hộ tống của hải quân các nước khác. Chúng có thể sử dụng các tên lửa hành trình tầm xa mới Kalibr dẫn đường chính xác.

Nhưng nỗ lực của Nga để mở rộng ảnh hưởng trong khu vực và ngăn cản lực lượng hải quân Mỹ hợp tác với hải quân của quốc gia ven Biển Đen đã gây ra sự lo lắng về việc kiểm soát của Nga trên vùng biển này, và nguy cơ dẫn đến việc Moskva có hành động nhằm tìm cách can ngăn tàu Mỹ hoạt động ở đó, chẳng hạn như hoạt động nguy hiểm của máy bay chiến đấu của Nga trên tàu hải quân Mỹ và những nỗ lực khác. Có lẽ hành vi như vậy của Nga dường như được tính toán để báo hiệu rằng Moskva sẵn sàng chấp nhận rủi ro xung đột, và rằng trừ khi Mỹ và NATO sẵn sàng mạo hiểm, nếu không họ phải lùi bước. Liệu đây có phải là hành vi tương tự như của Trung Quốc ở Biển Đông?  

Trong tháng 5 vừa qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan đã cảnh báo rằng Moskva đang biến Biển Đen thành "một cái hồ của Nga", nhưng lại nhận được rất ít sự phản đối từ các đối tác trong NATO của Thổ Nhĩ Kỳ, và ông Erdogan đã kêu gọi Mỹ và NATO có một nỗ lực lớn hơn để cạnh tranh quyền kiểm soát Biển Đen. Nga ngay lập tức phản ứng với tuyên bố của ông Erdogan bằng việc cảnh báo rằng Biển Đen "sẽ không bao giờ là cái hồ của NATO".
 
Một loạt đề xuất liên quan đến phản ứng chung của NATO đối với Nga đã được đưa ra, trong đó có đề nghị của Romania rằng NATO nên thành lập một hạm đội Biển Đen thường trực, được nêu ra tại hội nghị thượng đỉnh gần đây của NATO ở Warsaw (Ba Lan). Tuy nhiên vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra. Với lực lượng hải quân yếu của tất cả các quốc gia ven Biển Đen, trừ Thổ Nhĩ Kỳ, một lực lượng NATO ở Biển Đen sẽ phải phụ thuộc vào các đối tác NATO mạnh hơn như Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và các quốc gia Tây Âu, để cung cấp số lượng lớn các hỏa lực hải quân. Bulgaria đã phản đối đề nghị của Romania, có lẽ vì phụ thuộc nhiều vào nguồn cung năng lượng của Nga.

Tuy nhiên, hợp tác khu vực nhằm tìm cách để cân bằng thách thức từ Nga đang tăng nhanh, bất chấp NATO, và hải quân các nước trong khu vực đang nhận ra nhu cầu của họ để tăng cường sức mạnh hải quân của mình và hợp tác sâu hơn với nhau. Ví dụ, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine đã công bố kế hoạch bắt đầu sản xuất quốc phòng chung. Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù đã có sự cải thiện quan hệ giữa Moskva và Ankara trong thời gian gần đây, nhưng nước này quyết không nhường lại quyền kiểm soát Biển Đen cho Nga. Chẳng hạn, mùa Xuân vừa qua, các tàu Thổ Nhĩ Kỳ đã đến thăm tất cả các quốc gia ven Biển Đen, trừ Nga.

Công Thuận (Theo Forbes)
Lộ diện tàu chiến mới nhất của Hạm đội Biển Đen
Lộ diện tàu chiến mới nhất của Hạm đội Biển Đen

Lãnh đạo bộ phận đảm bảo thông tin của Hạm đội Biển Đen Vyacheslav Trukhachev ngày 19/7 tuyên bố hơn 20 tàu thuyền của Hạm đội Biển Đen sẽ tham gia cuộc diễu hành ở Sevastopol nhân kỷ niệm Ngày Hải quân Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN