Belarus có đủ khả năng nhận “thừa kế” khổng lồ từ Ukraine?

Báo Độc lập (Nga) ngày 2/4 nhận định Belarus đang ở thế “ngư ông đắc lợi” khi bỗng nhiên nhận được lời đề nghị từ phía Nga thế chỗ cho Ukraine trong các đơn đặt hàng quân sự.

Được “hưởng” thừa kế các hợp đồng quân sự với Nga là một mối lợi không thể bàn cãi. Vấn đề chỉ nằm ở chỗ liệu Belarus có thể lấp đầy khoảng trống Ukraine để lại trong nền công nghiệp- quốc phòng Nga hay không?

Lời đề nghị trên được đích thân Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin, kiêm Chủ tịch Ủy ban công nghiệp-quốc phòng trực thuộc Chính phủ, nói với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tại thủ đô Minsk ngày 1/4. Ngay lập tức, Tổng thống Lukashenko đã hứa hẹn sẽ hợp tác với Nga và đặc biệt coi trọng mối quan hệ này. Ông tuyên bố: “Chúng tôi sẽ hợp tác (quân sự) với Nga trong mọi tình huống”.

Hệ thống giám sát radar Vostok-D/E 2D của Belarus.


Tại cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo không chỉ thảo luận việc tái khởi động các dự án tư nhân hóa tại các khu phức hợp công nghiệp-quốc phòng, mà còn sẵn sàng mở rộng quan hệ hợp tác trong bối cảnh Nga chấm dứt một loạt dự án quân sự với Ukraine.

Tuy nhiên, ông Lukashenko cũng tuyên bố cách hành xử của hai đồng minh của Belarus là Nga và Ukraine thời gian gần đây tại Crimea đã gây những hiệu ứng nghiêm trọng nhất định đối với cộng đồng quốc tế. Belarus tuy không hoan nghênh các động thái này, song ông Lukashenko khẳng định vẫn đứng về phía Nga. Ông lý luận: “Có thể đơn cử việc Mỹ ném bom Iraq, hành vi này là sai trái, là không công bằng, song rõ ràng nhiều đồng minh của Mỹ vẫn lên tiếng ủng hộ Nhà Trắng”. Bởi vậy, không có lý do gì Belarus không ủng hộ Nga.

“Tại sao chúng ta cần phải nhìn nhận vấn đề trên một vị thế khác, nếu chúng ta là đồng minh của Nga. Và đó chính là logic duy nhất để giải thích mọi vấn đề” - ông Lukashenko tuyên bố.

Hơn nữa, đây lại là vấn đề có lợi cho chính Belarus, bởi nếu như không có các đơn đặt hàng của Nga, nhiều khu phức hợp công nghiệp-quốc phòng của Belarus có thể sẽ phá sản. Ngược lại, nếu Belarus hợp tác chặt chẽ với Nga, các khu phức hợp công nghiệp-quốc phòng của Belarus sẽ phát triển, sẽ được hiện đại hóa. Không có lý do gì Belarus lại từ chối Nga. Đó là lý lẽ đơn giản nhất.

Về phần mình, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin cũng hé lộ các cơ hội dành cho Belarus. Ông khẳng định Belarus sẽ nhận được nhiều đơn đặt hàng của Nga hơn nữa khi Nga rút bớt các hợp đồng quân sự với Ukraine.

Tuy nhiên, các chuyên gia Belarus không khỏi nghi ngại việc Belarus dựa vào khả năng nào để có thể thay thế Ukraine. Thực tế “Ukraine có bề dày lịch sử” trong việc đáp ứng tới hơn 50% nhu cầu tên lửa đạn đạo liên lục địa của Nga và những tên lửa này chứa hơn 80% số đầu đạn hạt nhân của Nga. Nền công nghiệp quốc phòng Belarus chắc chắn sẽ không thể bù đắp con số này, cũng như không thể “lấp đầy khoảng trống mà Ukraine để lại cho Nga”, khi hai bên đóng băng các hợp đồng quân sự song phương.

Hơn nữa, nền kinh tế Belarus cũng đang trong tình trạng èo uột, khó đứng vững nếu không nhận được sự hỗ trợ tài chính từ bên ngoài.

Việc Nga chuyển hướng muốn ký các hợp đồng quân sự với Belarus bắt nguồn từ những căng thẳng leo thang giữa Nga với Ukraine liên quan vấn đề Crimea. Cuối tháng 3 vừa qua, Ukraine tuyên bố đóng băng mối quan hệ hợp tác quân sự với Nga.

Một điều trớ trêu là hầu hết các thiết bị quân sự mà Nga đang triển khai tại Crimea và biên giới với Ukraine lại được sản xuất bởi ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine. Những thiết bị này bao gồm các động cơ trên trực thăng vũ trang, một phần lớn động cơ trên tàu chiến, và khoảng 50% số tên lửa không đối không trên các chiến đấu cơ của Nga.

Không ít nhà quan sát quốc tế nhận định rằng cắt đứt quan hệ hợp tác quốc phòng với Ukraine, đồng nghĩa với việc Nga đang tự làm khó mình. Tuy nhiên, động thái Nga chuyển hướng sang Belarus cho thấy Nga đang quyết tâm “kiểm soát” Ukraine bất chấp mọi hậu quả.

Vladimir Voronov, một nhà báo chuyên viết về quân đội Nga, cho rằng quan hệ xấu đi với Ukraine sẽ gây thiệt hại nặng cho các chương trình quốc phòng của Nga hơn là các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Nền công nghiệp quốc phòng của Nga và Ukraine có quan hệ khăng khít đến mức việc cắt đứt mối quan hệ hợp tác này sẽ là một thảm họa cho nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Nga hiện nay.


Quế Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN