Đầu tuần trước, người đứng đầu cơ quan y tế bang Ohio, bác sĩ Amy Acton, đã hoãn cuộc bầu cử sơ bộ bang, theo kế hoạch diễn ra ngày 17/3. Bà đã làm như vậy sau khi được sự cho phép của Thống đốc Mike DeWine và Tòa án Tối cao tiểu bang.
Theo luật, quyết định trì hoãn cuộc bầu cử này là có cơ sở, và không có bằng chứng nào cho thấy Bác sĩ Acton hay Thống đốc DeWine đã hành động sai, bởi quyết định của họ được thúc đẩy bởi mong muốn thực sự kiềm chế sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19).
Nhưng việc trì hoãn cuộc bầu cử sơ bộ của tiểu bang có thể gây ra lo ngại rằng, các quan chức khác, thậm chí có khả năng là Tổng thống Trump, có thể đi theo tiền lệ bang Ohio để hoãn hoặc hủy bỏ cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 năm nay.
Tuy nhiên, một quyết định như vậy sẽ không được phép nếu không được Quốc hội Mỹ thông qua. Một bộ ba luật liên bang đã quy định Ngày Bầu cử để bầu ra các đại cử tri, thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ Mỹ là vào “ngày thứ Ba ngay sau ngày thứ Hai đầu tiên trong tháng 11 của năm bầu cử”. Nếu đảng Cộng hòa muốn thay đổi luật này, họ sẽ cần phải vượt qua được "ải Hạ viện", nơi phe Dân chủ đang chiếm đa số.
Hơn nữa, Tu chính án thứ 20 của Hiến pháp Mỹ đã quy định rằng, “nhiệm kỳ của Tổng thống và Phó Tổng thống sẽ kết thúc vào trưa ngày 20 của tháng 1”. Do đó, ngay cả khi cuộc bầu cử bằng cách nào đó bị hủy bỏ, nhiệm kỳ của Tổng thống Trump và Phó Tổng thống Mike Pence vẫn sẽ kết thúc như dự kiến. Việc ai sẽ kế nhiệm và điều hành đất nước sau đó sẽ là quá trình hết sức phức tạp.
Một mối đe dọa thực tế hơn là các quan chức nhà nước có thể sử dụng những quyền lực lớn sẵn có của họ trong một cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng qui mô lớn để thao túng ai có thể bỏ phiếu. Chẳng hạn trong khi các khu vực bầu cử có truyền thống ủng hộ phe Dân chủ như Miami-Dade và Broward ở Florida bị áp đặt lệnh “trú ẩn tại chỗ” (cách ly tự nguyện tại nhà) vào đúng Ngày Bầu cử, thì cư dân các hạt ủng hộ đảng Cộng hòa có thể thoải mái đi bỏ phiếu. Nhưng việc hủy bỏ hoàn toàn cuộc bầu cử là rất hiếm có khả năng xảy ra.
Ai có quyền quyết định thời điểm tổ chức bầu cử?
Có nhiều bộ quy tắc khác nhau liên quan đến cuộc bầu cử quốc hội và bầu cử tổng thống.
Đối với các cuộc bầu cử quốc hội, Hiến pháp quy định rằng thời gian, địa điểm và cách thức tổ chức bầu Thượng nghị sĩ và Hạ nghị sĩ sẽ được quy định tại mỗi bang bởi cơ quan lập pháp bang; nhưng Quốc hội có thể bất cứ lúc nào tạo ra hoặc thay đổi các quy định đó, ngoại trừ các địa điểm bầu Thượng nghị sĩ”.
Điều này có nghĩa là cả Quốc hội và các nhà lập pháp tiểu bang đều có quyền kiểm soát thời điểm một cuộc bầu cử quốc hội được tổ chức, nhưng Quốc hội sẽ ra quyết định cuối cùng nếu hai phía có bất đồng.
Quốc hội Mỹ đã ấn định ngày bầu cử Hạ viện và Thượng viện “vào thứ Ba ngay sau ngày thứ Hai đầu tiên trong tháng 11 của năm bầu cử”. Cả Tổng thống Trump hay bất kỳ quan chức nhà nước nào cũng không có quyền thay đổi ngày này. Chỉ có một đạo luật đặc biệt của Quốc hội có thể làm như vậy.
Bức tranh cho cuộc bầu cử tổng thống thì phức tạp hơn một chút. Một đạo luật liên bang quy định rằng “các đại cử tri bầu Tổng thống và Phó Tổng thống Mỹ sẽ được chỉ định, tại mỗi bang, vào thứ Ba ngay sau ngày ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 11”, vì thế các bang phải bầu Đại cử tri đoàn cùng ngày cuộc bầu cử quốc hội diễn ra.
Những quy định ràng buộc khiến nguy cơ một cuộc bầu cử bị hủy bỏ hoàn toàn là cực kỳ thấp.
Nhưng nếu bầu cử bị hủy bỏ thì chuyện gì sẽ xảy ra?
Hãy giả sử, nếu cuộc bầu cử không diễn ra như kế hoạch vì một lý do nào đó, thì ai sẽ chịu trách nhiệm lãnh đạo nước Mỹ? Trả lời cho câu hỏi này lại thực sự phức tạp.
Tu chính án thứ 12 Hiến pháp Mỹ quy định rằng sau khi các thành viên Đại cử tri đoàn được chọn, các đại cử tri sẽ nhóm họp, bỏ phiếu bầu và người có số phiếu bầu lớn nhất và chiếm đa số toàn bộ Đại cử tri đoàn sẽ là Tổng thống Mỹ.
Không rõ điều gì xảy ra nếu chỉ một số bang tổ chức cuộc bầu cử tổng thống theo lịch trình, trong khi các bang khác không thể bầu các đại cử tri. Nhưng một đoạn trong Tu chính án thứ 12 (nói rằng “đa số trong tổng số đại cử tri được chỉ định”) cho thấy tổng số đại cử tri cần để bầu chọn một tổng thống sẽ giảm xuống nếu một số bang không chỉ định bất cứ ai vào Đại cử tri đoàn. Nếu chỉ có 100 đại cử tri được bầu, thì 51 phiếu đại cử tri có thể là đủ để bầu ra tổng thống.
Quy định đó trong hiến pháp thúc đẩy mọi tiểu bang tổ chức cuộc bầu cử tại bang mình. Vì nếu một nhóm các tiểu bang ủng hộ phe Cộng hòa trì hoãn bầu cử, trong khi các tiểu bang Dân chủ không hoãn, thì đảng Cộng hòa có thể sẽ thiệt số lượng phiếu đại cử tri bầu tổng thống.
Nhưng nếu không có người nào giành đa số phiếu đại cử tri, thì quyền bầu chọn tổng thống sẽ thuộc về Hạ viện. Khi đó Hạ viện phải chọn một trong ba ứng cử viên nhận được nhiều phiếu đại cử tri nhất. Hơn nữa, trong tình huống đó, mỗi đoàn đại biểu của các bang tại Hạ viện sẽ chỉ có một phiếu bầu (bất chấp số lượng Hạ nghị sĩ của tiểu bang là bao nhiêu) và “một đa số các bang sẽ cần thiết để bầu chọn tổng thống”.
Trong khi đảng Dân chủ chiếm đa số đáng kể về số lượng ghế tại toàn bộ Hạ viện Mỹ, thì ở cấp bang đảng Cộng hòa lại đang giữ đa số tại 26/50 tiểu bang – vừa đủ để chọn một tổng thống. Nhưng điều đó cũng nói lên rằng, con số này có thể dễ dàng thay đổi. Ở nhiều tiểu bang, một bên chỉ kiểm soát nhiều hơn một hoặc hai ghế so với bên kia. Vì thế nếu một số ít thành viên Hạ viện bị mất năng lực do dịch COVID, điều đó có khả năng làm thay đổi kết quả bỏ phiếu của Hạ viện để chọn tổng thống.
Trong tình huống không có thành viên nào của Đại cử tri đoàn được chỉ định, Hạ viện không thể lựa chọn tổng thống vì Tu chính án thứ 12 yêu cầu cơ quan lập pháp này phải chọn gương mặt trong số ba ứng cử viên nhận được nhiều phiếu đại cử tri nhất.
Theo Tu chính án thứ 20, “nhiệm kỳ của Tổng thống và Phó Tổng thống sẽ kết thúc vào trưa ngày 20/1 và nhiệm kỳ của các Thượng nghị sĩ và Hạ nghị sĩ kết thúc vào buổi trưa ngày thứ ba của tháng 1 (ngày 3/1)”. Vì vậy, nếu không có ai được bầu thay thế các quan chức này, hai ông Trump và Pence cũng sẽ không còn quyền lực khi nhiệm kỳ kết thúc vào trưa 20/1/2021. Toàn bộ thành viên Hạ viện và 1/3 thành viên Thượng viện cũng không còn tại nhiệm vào ngày 3/1.
Theo Hiến pháp Mỹ, nếu cả ghế Tổng thống và Phó Tổng thống đều bị bỏ trống cùng một lúc, vai trò Tổng thống lâm thời sẽ do Chủ tịch Hạ viện đảm nhiệm. Nhưng nếu không có cuộc bầu cử, thì Hạ viện cũng không có Chủ tịch bởi toàn bộ các ghế Hạ viện sẽ bỏ trống từ trưa ngày 3/1.
Khi không có Tổng thống, Phó Tổng thống hoặc Chủ tịch Hạ viện, thì người chịu trách nhiệm tiếp theo là Chủ tịch tạm quyền Thượng viện, một vị trí thường thuộc về thành viên cao cấp nhất của đảng chiếm đa số. Hiện nay, người đó là Thượng nghị sĩ Cộng hòa, Chuck Grassley.
Nhưng chờ đã! Hãy nhớ lại rằng nhiệm kỳ của 1/3 thượng nghị sĩ cũng hết hạn vào ngày 3/1. Vì vậy nếu không có cuộc bầu cử nào, đảng Dân chủ có thể sẽ chiếm đa số Thượng viện, đồng nghĩa sẽ có thể chọn một tổng thống lâm thời. Nếu họ theo truyền thống chọn thành viên cao cấp nhất, thì Thượng nghị sĩ Patrick Leahy sẽ đảm nhiệm vị trí tổng thống lâm thời.
Mọi thứ thực sự thậm chí còn phức tạp hơn kể từ đây. Tu chính án thứ 17 cho phép các thống đốc bang bổ nhiệm quyền thượng nghị sĩ trong trường hợp ghế thượng sĩ của bang tại Thượng viện bị bỏ trống, nhưng không phải tất cả các bang đều cho phép thống đốc của họ làm như vậy. Cũng không rõ ràng ngay lập tức những ai sẽ là thống đốc của nhiều tiểu bang nếu không có cuộc bầu cử nào diễn ra trong năm 2020, bởi phần lớn ghế Thống đốc nhiệm kỳ mới ở các bang đó cũng có thể bị bỏ trống.
Tóm lại, quyền lực của chính phủ liên bang xuất phát từ sự đồng ý của người dân. Người dân Mỹ cho phép các nhà lãnh đạo điều hành đất nước bởi họ tin rằng những nhà lãnh đạo đó được bầu chọn trong một quy trình hợp lệ theo hiến pháp và họ tin tưởng quy trình đó. Nếu ai đó bắt đầu tự xưng là Tổng thống vì được chọn bởi một nhóm nhỏ của Thượng viện đang thiếu 1/3 thành viên, thì kết quả có thể là tình trạng bất ổn dân sự.
Trong trường hợp cực kỳ khó xảy ra là cuộc bầu cử năm 2020 bị hủy bỏ, kết quả có thể là một nhiệm kỳ gia hạn với Tổng thống Trump, và hậu quả dễ thấy nhất sẽ là sự hỗn loạn.