Báo Nga: "Tổng thống Pháp Hollande vội tới Moskva để gặp ông Putin"

Ông Hollande đã có các cuộc hội đàm với Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Đức Angela Merkel, và Thủ tướng Italy Matteo Renzi trước khi lên đường tới Moskva ngày 26/11.


Tổng thống Pháp và Mỹ khẳng định cần lôi kéo Nga tham gia cuộc chiến chống khủng bố. Ảnh: Reuters.

Với đầu đề trên và hàng tít phụ: "Ankara đã giội một gáo nước lạnh vào nỗ lực chống khủng bố của nhà lãnh đạo Pháp", Báo Độc lập (Nga) ngày 26/11 cho biết mặc dù vậy, Tổng thống Francois Hollande vẫn nuôi hy vọng sẽ xây dựng thành công trục chống khủng bố xuyên suốt Paris-Washington-Moskva.


Ông Hollande đã có các cuộc hội đàm với Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Đức Angela Merkel, và Thủ tướng Italy atteo Renzi trước khi lên đường tới Moskva ngày 26/11, để hội kiến với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong khi đó, niềm hy vọng mong manh về việc hình thành một mặt trận thống nhất chống lại các lực lượng Hồi giáo ở Syria, càng trở nên mong manh hơn sau "sự cố" đối với chiếc Su-24 của Nga bị bắn rơi hôm 24/11.


Các cuộc tấn công khủng bố đẫm máu tại Paris hôm 13/11 khiến cho cuộc khủng hoảng Syria ít nhiều mang một ý nghĩa khác, đồng thời các nhà lãnh đạo thế giới một lần nữa trở nên xích lại gần nhau hơn trong một nỗ lực hợp tác chiến đấu chống lại chủ nghĩa khủng bố.


Ngay sau thảm kịch, Tổng thống Pháp Hollande đã kêu gọi hình thành một liên minh rộng rãi chống lại nhóm khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng và đã bị cấm hoạt động ở Nga. Ông cũng tuyên bố sẽ bay đến Washington và Moskva nhằm thuyết phục tổng thống Mỹ và Nga cùng hợp tác chống khủng bố. Trên các phương tiện truyền thông phương Tây, giới phân tích và các nhà bình luận liên tiếp bày tỏ quan điểm cho rằng cần tạo ra một mặt trận tầm cỡ quốc tế, rộng lớn và thống nhất chống lại chủ nghĩa khủng bố. Họ cũng lưu ý tầm quan trọng của việc khi tham gia mặt trận này, hai tổng thống Nga và Mỹ cần tạm thời gác sang một bên những khác biệt của mình vì một mục tiêu chung. Vấn đề là nhà lãnh đạo Pháp, trong nỗ lực tạo ra một liên minh quốc tế dưới sự lãnh đạo của Paris, Washington và Moskva, đã không tính đến lợi ích của các lực lượng còn lại khác trong khu vực, khi mà họ có thể phải chịu thiệt thòi trong cục diện mới.

 

Tuy không chính thức, song báo chí cũng đặt câu hỏi phải chăng chính vì cảm thấy thiệt thòi trong "cuộc chơi" này, mà Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ chiến đấu cơ Su-24 của Nga? Hành động của Ankara như đổ thêm dầu vào lửa, và ít nhiều gây ảnh hưởng tới nỗ lực chống khủng bố, mà các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới đang dấy lên, kể từ sau "Ngày thứ Sáu đẫm máu" ở Paris.


Bài báo cũng điểm lại một loạt cuộc gặp mới đây của ông Hollande với các nhà lãnh đạo thế giới. Tuy nhiên, theo nhận định của giới phân tích, cho đến nay nhà lãnh đạo Pháp ít nhận được cam kết cụ thể về vấn đề này. Trước khi lên đường đến Moska, ông Hollande đã có cuộc gặp với Thủ tướng Italy Matteo Renzi ở Paris và nhà lãnh đạo Italy chỉ đưa ra cam kết ủng hộ "một liên minh ngày càng mạnh để thực hiện nhiệm vụ hủy diệt IS".

 

Trước đó, trong cuộc gặp với bà Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 25/11, thì nhà lãnh đạo Đức cũng chỉ dừng lại ở cam kết sẽ đứng cạnh nước Pháp và sẽ hành động "nhanh chóng" nhằm hỗ trợ cuộc chiến quốc tế chống khủng bố. Nhà lãnh đạo Đức cũng bày tỏ sự lo ngại về vụ việc chiếc Su-24 của Nga bị bắn hạ trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria.


Trong cuộc gặp với Thủ tướng Anh David Cameron hôm 23/11, ông Hollande cũng chỉ nhận được một cam kết rằng London sẽ "dứt khoát ủng hộ" Pháp trong cuộc chiến chống IS. Còn tại Mỹ, trong cuộc thảo luận với người đồng cấp Barack Obama về ý tưởng thành lập liên minh chống IS, ông Hollande cũng không nhận được sự hưởng ứng tích cực từ nhà lãnh đạo Mỹ. Giới phân tích cho rằng ông Obama lưỡng lự trong việc gia tăng hành động quân sự khi chưa có một chiến lược rõ ràng. Tờ báo Nga ghi nhận, tại cuộc hội đàm này, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Pháp cũng đề cập tới vai trò của Nga trong cuộc chiến chống IS. Tuyên bố tại cuộc họp báo chung sau đó, ông Hollande cho biết: "Chúng tôi sẽ không cho phép hủy diệt thế giới. Chúng ta phải thể hiện sự phản ứng tập thể trước các hành động tàn nhẫn, vô nhân tính của IS. Chúng tôi sẽ tiêu diệt các chiến binh IS bất cứ nơi đâu chúng xuất hiện, ngăn chặn nguồn tài trợ của chúng, loại bỏ các nhà lãnh đạo IS, tiêu diệt hệ thống truyền thông của chúng và sẽ giành lại vùng lãnh thổ bị chúng chiếm đóng". Ông Obama tuyên bố hoàn toàn ủng hộ người đồng cấp của mình và khẳng định Mỹ và Pháp có ý định tăng cường đòn giáng mạnh vào những kẻ cực đoan.


Tổng thống Mỹ một lần nữa cũng kêu gọi Nga nỗ lực hết sức trong cuộc chiến chống IS, nhưng tuyệt đối không phải là nhằm hỗ trợ Tổng thống Syria Bashar al - Assad.


Trong khi đó, Cơ quan báo chí Điện Kremlin khẳng định ngày hôm nay (26/11), Tổng thống Hollande đến Moskva để hội đàm với Tổng thống Putin. Các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về các vấn đề chống các mối đe dọa khủng bố, trong đó có sự phối hợp trong cuộc chiến chống IS. Đáng chú ý là trong chuyến thăm ngoại giao "marathon" của ông Hollande, cuộc gặp với Tổng thống Putin diễn ra ở giai đoạn cuối cùng. Sau khi đã thu thập quan điểm của các nhà lãnh đạo Anh, Mỹ, Đức và Italia, Tổng thống Pháp mới lên đường tới gặp người đồng cấp Nga.


Quế Anh (P/v TTXVN tại Moskva)
Nga thông qua nhiều biện pháp trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ
Nga thông qua nhiều biện pháp trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ

Nga đã thông qua các biện pháp quân sự và ngoại giao nhằm đáp trả Ankara sau sự cố tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay ném bom Su-24 của Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN