Báo chí Mỹ lý giải việc Nga rút quân khỏi Syria

Các tờ báo lớn ở Mỹ đã có nhiều bài viết lý giải tại sao Nga đưa ra quyết định rút quân khỏi Syria đồng thời dự báo những kịch bản sắp tới cho cuộc chiến ở đất nước Trung Đông này.

Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu (phải) tại Moskva tối 14/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh rút các lực lượng chính của nước này khỏi Syria từ ngày 15/3. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 14/3 tuyên bố rằng Moskva đã hoàn thành toàn bộ mục tiêu đề ra tại Syria kể từ khi bắt đầu các cuộc không kích vào tháng 9/2015 và sẽ từng bước rút phần lớn lực lượng ra khỏi quốc gia này, bắt đầu từ ngày 15/3.

Mạng tin của Cơ quan phân tích thông tin tình báo "Stratfor" cho rằng, sự can dự của Nga vào Syria được định hướng bởi một số ưu tiên chủ chốt. Trước hết là đảm bảo sự ổn định cho chính phủ Syria và rộng hơn là những lợi ích của Moskva tại quốc gia này.

Thứ hai là để thử nghiệm sức chiến đấu của các lực lượng vũ trang vốn đang trải qua một cuộc hiện đại hóa lực lượng đáng kể.

Thứ ba là làm suy yếu tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các tổ chức khủng bố khác, đặc biệt là trong bối cảnh có một số lượng khá lớn tay súng mang quốc tịch Nga đang chiến đấu trong các tổ chức cực đoan ở Syria.

Thứ tư, và quan trọng nhất, là Moskva muốn gắn những hành động của họ tại Syria với những vấn đề khác, trong đó có cuộc xung đột ở Ukraine, những cuộc tranh cãi với EU và Mỹ xung quanh các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.

Tại Syria, người Nga đã phô diễn năng lực chiến đấu (đã được cải thiện) và một số loại vũ khí mới chưa từng sử dụng- hình thức chào hàng mà đối tác chính được hướng tới là Iran.

Moskva cũng gần như đã đạt được mục tiêu làm suy yếu IS mặc dù sự đóng góp chỉ là một phần trong nỗ lực đa quốc gia, trong đó phải kể đến liên minh do Mỹ đứng đầu. Tóm lại, IS có thể chưa bị đánh bại hoàn toàn, song các lực lượng của chúng ở Syria và Iraq đã suy yếu hơn nhiều so với thời điểm cách đây 5 tháng.

Tờ "New York Times" lưu ý đến thời điểm ông Putin tuyên bố rút quân, đó là giữa lúc lệnh ngừng bắn một phần tại Syria (bắt đầu từ hôm 27/2) đã chứng tỏ là hiệu quả và bền vững hơn những gì mà người ta dự đoán, góp phần giảm bớt đáng kể tình trạng bạo lực tại quốc gia này.

Andrew J. Tabler, học giải chuyên về chính trị Arập thuộc Viện Chính sách Cận Đông của Washington nói: "Trong mấy tuần qua, chế độ Assad đã đưa ra một số tuyên bố cho thấy quan điểm đàm phán của họ với phe đối lập vẫn rất xơ cứng. Thông báo của ông Putin- đúng vào ngày các cuộc hòa đàm của Liên hợp quốc bắt đầu tại Geneva và giữa lúc lực lượng của ông Assad thiếu một chiến thắng dứt điểm- là dấu hiệu cho thấy có thể Moskva sẽ không đứng về phía Assad đến cùng".

Sự can thiệp quân sự của Nga vào Syria, bao gồm việc triển khai 45 máy bay ném bom chiến lược và chiến thuật cùng nhiều máy bay chiến đấu, trực thăng và các hệ thống chống máy bay, là chiến dịch rầm rộ đầu tiên của Moskva ở bên ngoài khu vực thuộc Liên Xô trước đây.

Truyền thông Nga coi chiến dịch này như một dấu hiệu cho thấy Moskva đã lấy lại được vai trò của mình- một cường quốc quân sự tầm cỡ thế giới. Quyết định rút quân, được thông báo cũng đột ngột như khi Nga tuyên bố can thiệp quân sự trước đây, có thể giúp ông Putin tránh nguy cơ bị thiệt hại đáng kể cả về phương diện quân sự lẫn uy tín, nếu như sứ mệnh này đẩy Nga lún sâu vào bãi lầy, chịu tổn thất nặng nề về người và tài sản cũng như vốn liếng chính trị của Kremlin.

Tờ "Wall Street Journal" cho rằng, cách giải thích khả dĩ nhất cho quyết định rút quân của Moskva là gần như chắc chắn ông Putin chưa bao giờ có ý định tiến hành một chiến dịch quân sự kéo dài.

Máy bay chiến đấu Sukhoi Su-24 của Nga tại căn cứ quân sự Hmeimin thuộc tỉnh Latakia, miền tây bắc Syria ngày 16/12/2015. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ông Putin có thể nhận thấy rằng sẽ không có thêm được lợi lộc gì nhiều nếu biến Nga thành một "bên tham chiến tích cực" tại Syria. Bên cạnh đó, kết quả thăm dò dư luận cũng cho thấy cuộc can thiệp này đang mất dần sự ủng hộ ở trong nước. Tóm lại, đây là một quyết định thông minh.

Tuy nhiên, việc Nga rút quân có thể diễn biến theo nhiều kịch bản khác nhau, và không phải tất cả đều tốt cho ông Putin. Những kịch bản bất lợi gồm: Thứ nhất, tốc độ rút quân có thể rất chậm và số quân được rút nhỏ đến mức không có ý nghĩa. Việc ông Putin không thực hiện tuyên bố của mình sẽ càng khiến dư luận quốc tế hoài nghi về uy tín của ông.

Thứ hai, lực lượng của ông Bashar al-Assad yếu trở lại như trước khi Nga bắt đầu tiến hành không kích IS. Chính quyền Assad lại đứng trước bờ vực sụp đổ. Khi đó ông Putin sẽ phải đối mặt với sự lựa chọn hóc búa: tái can thiệp hay để mặc ông Assad phải ra đi.

Thứ ba, các chính phủ phương Tây bắt đầu hành động mạnh tay hơn. Có thể ông Putin cho rằng ông đã hành động đủ để ngăn cản Mỹ và các đồng minh can thiệp sâu vào Syria. Tuy nhiên, nếu vòng đàm phán sắp tới tại Geneva thất bại, làn sóng người di cư tiếp tục, IS vẫn mạnh thì rất có thể Mỹ sẽ thay đổi chiến thuật tại Syria.

TTK
Những chiếc Su-34 đầu tiên từ Syria về tới Nga
Những chiếc Su-34 đầu tiên từ Syria về tới Nga

Nhóm đầu tiên các cường kích Su-34 và 1 chiếc Tu-154 "chỉ đạo" từ Syria đã hạ cánh xuống căn cứ không quân gần Voronezh, Nga. Trước khi hạ cánh, nhóm máy bay đã lượn một vòng ở độ cao thấp chào đón phi trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN