Bán đảo Triều Tiên bên bờ vực chiến tranh

Tình hình tại bán đảo Triều Tiên đang diễn biến chóng mặt trong sự đối đầu và hăm dọa lẫn nhau giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un - hai nhân vật được đánh giá là quyết liệt và khó đoán.

Cả thế giới đang như “ngồi trên đống lửa”, dõi mắt theo “nhất cử, nhất động” của hai nhà lãnh đạo này, bởi chỉ cần một “mồi lửa nhỏ” cũng có thể làm nổ tung “thùng thuốc súng” tại Đông Bắc Á.

Căng thẳng đã leo thang nhanh chóng kể từ khi Tổng thống Mỹ Donal Trump quyết định tấn công quân đội Syria với lý do đáp trả vụ tấn công nghi là sử dụng vũ khí hóa học trước đó vài ngày tại quốc gia Trung Đông này. Một tuần sau, ông Trump ra lệnh thả bom phi hạt nhân GBU-43B lớn nhất của Mỹ, còn được gọi là "mẹ của các loại bom" xuống cơ sở của nhóm "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng ở Afghanistan.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phía trước) giám sát một cuộc diễn tập quân sự ngày 13/4. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Sau các cuộc tấn công bất ngờ trên, người ta bắt đầu đặt câu hỏi về mục tiêu tiếp theo của các bước đi quân sự của Mỹ. Và Triều Tiên là cái tên được nhắc tới bởi các động thái quân sự cùng một loạt tuyên bố mạnh mẽ gần đây của giới chức Washington cũng như Bình Nhưỡng. Dường như ông Trump đang muốn “xáo lại ván bài” tại Đông Bắc Á.

Tình báo Mỹ và Hàn Quốc thu thập ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy khả năng Triều Tiên sắp tiến hành thử hạt nhân vào dịp các ngày lễ trọng đại của nước này trong tháng 4. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gần đây cũng tăng tần suất những lời cảnh báo nguy cơ chiến tranh hạt nhân và lên án Mỹ là nguồn cơn gây căng thẳng. Điều gì sẽ xảy ra nếu một trong hai nhân vật chính – người đứng đầu nước Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên - đưa ra một quyết định vượt quá giới hạn?

Khi lên nắm quyền, ông Trump tuyên bố sự “kiên nhẫn chiến lược” thời Tổng thống Barack Obama đã chấm dứt và mọi lựa chọn đều được tính đến, kể cả tấn công quân sự. Mục tiêu của chính quyền mới ở Mỹ là buộc Trung Quốc gây áp lực để Triều Tiên từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Giới chức Mỹ thậm chí cảnh báo Washington và các đồng minh sẵn sàng tự giải quyết vấn đề Triều Tiên nếu Trung Quốc không thể đảm nhận được vai trò đó. Mỹ đã thực hiện hành loạt động thái triển khai quân đến khu vực để chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc tấn công phủ đầu Triều Tiên, như: đưa 2 tàu khu trục có khả năng phóng tên lửa Tomahawk tới khu vực Bán đảo Triều Tiên, trong đó, một tàu chỉ cách khu vực thử hạt nhân của Triều Tiên khoảng 400 km, triển khai máy bay ném bom hạng nặng tại Đảo Guam, vùng lãnh thổ của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, để kết hợp tấn công nếu cần thiết...

Vấn đề hiện nay không phải là Triều Tiên có thử hạt nhân hay không, mà là sẽ thử vào lúc nào. Và khi giải pháp đối phó của Mỹ là tấn công phủ đầu bằng vũ khí thông thường nhằm vào Triều Tiên, thì dù bên nào đưa ra quyết định trước, hậu quả sẽ là như nhau: một cuộc chiến tàn khốc, có thể sẽ hủy diệt tất cả các bên, bao gồm cả Mỹ với khoảng 60.000 binh lính đang được triển khai tại hai quốc gia Đông Bắc Á là Hàn Quốc và Nhật Bản.

Binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc trong cuộc tập trận tại Paju, Gyeonggi-do, Hàn Quốc ngày 14/4. Ảnh: EPA/TTXVN

Bình Nhưỡng đã cảnh báo “đáp trả không thương tiếc” nếu Mỹ có hành động quân sự nhằm vào Triều Tiên. Một cuộc tấn công phủ đầu của Mỹ có thể khiến Triều Tiên phát động đòn trả đũa nhằm vào Hàn Quốc và Nhật Bản. Hiện Triều Tiên được cho là sở hữu hàng chục thiết bị nổ chứa hạt nhân (hoặc nhiều hơn thế), các kho vũ khí hóa học và sinh học lớn cùng hàng trăm tên lửa đạn đạo có khả năng bắn tới Hàn Quốc, Nhật Bản. Bên cạnh đó, một cuộc tấn công do Mỹ phát động nhằm vào Triều Tiên cũng sẽ động chạm tới những cường quốc khác trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc và Nga.

Năm 1994, Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng định tấn công phủ đầu Triều Tiên, song đã chọn giải pháp thương lượng khi nhận ra không thể dùng vũ lực để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, vốn được xem là một trong những hồ sơ chính trị khó giải quyết nhất trên trường quốc tế bởi tính chất phức tạp và sự đan xen lợi ích của nhiều bên.

Cả Đông Bắc Á đang sôi sục trước những động thái đe dọa và phô trương sức mạnh của cả Mỹ lẫn Triều Tiên. Một cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên sẽ dẫn đến hậu quả thảm khốc không thế lường hết đối với tất cả các bên. Đối thoại và đàm phán với một cách tiếp cận mới vẫn là giải pháp duy nhất để tháo ngòi "thùng thuốc súng" ở Đông Bắc Á lúc này.

Bích Liên/TTXVN
Bán đảo Triều Tiên hừng hực nóng dấy lên lo ngại về Thế chiến thứ ba
Bán đảo Triều Tiên hừng hực nóng dấy lên lo ngại về Thế chiến thứ ba

Các động thái quân sự liên quan tới bán đảo Triều Tiên của cả Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Triều Tiên những ngày gần đây cho thấy sức nóng trên bán đảo này đang tăng từng giờ. Những diễn biến khó lường khiến cho cả thế giới đứng ngồi không yên trước nguy cơ xảy ra một cuộc chiến khốc liệt quy mô thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN