Bài toán kinh tế trong quan hệ giữa Nga với các đồng minh

Năm 2015, nước Nga tiếp tục chìm trong cuộc suy thoái thứ hai trong vòng 6 năm qua, và hầu như không ai dám lạc quan hy vọng rằng cuộc suy thoái đó sẽ sớm chấm dứt.

Mạng tin "Stratfor" ngày 23/2 cho rằng cuộc khủng hoảng kinh tế đang buộc Điện Kremlin phải đưa ra những quyết định đầy đau đớn để duy trì hoạt động của nền kinh tế với việc để ngỏ khả năng cắt giảm mọi chi tiêu, trong đó có các khoản cho vay nước ngoài.

Trong một thập niên qua, nước Nga dùng ngân sách chính phủ để cấp các khoản cho vay nước ngoài nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự hợp tác với những quốc gia được vay tiền. Mấy năm gần đây, những khoản cho vay này thường xuyên không có giá trị đầu tư, mà được dùng làm đòn bẩy để khuyến khích những nước được vay tiền đưa ra những quyết định chính sách đối ngoại phù hợp với lợi ích của Nga.

Nga đang đối mặt với viễn cảnh Trung Quốc sẽ tìm cách lấp đầy khoảng trống tài chính mà Nga để lại trong mối quan hệ với các đồng minh.

Ví dụ điển hình về việc đổi tiền lấy ảnh hưởng là trường hợp Ukraine. Tháng 12/2013, Nga đề nghị mua khoản nợ 15 tỷ USD của Ukraine đồng thời cho nước này hưởng mức giảm 33% giá khí đốt tự nhiên. Cùng lúc, Kiev đóng băng các cuộc đàm phán với EU về việc liên kết với khối này. Mặc dù Nga tiếp tục mua thêm khoản nợ 3 tỷ USD của Ukraine, song các cuộc biểu tình vẫn nổ ra tại Ukraine, dẫn đến cuộc nổi dậy của những người chủ trương hội nhập với châu Âu và cuối cùng là sự sụp đổ của chính phủ thân Nga.

Nga thường xuyên trợ giúp các đồng minh thân thiết nhất của họ tại khu vực thuộc Liên Xô trước đây bằng cách cho họ vay tiền và cho hoãn thanh toán. Năm 2014, Nga cho Belarus vay 2 triệu USD để giữ Minsk trong quỹ đạo của mình giữa lúc NATO tăng cường các chiến dịch tại khu vực này. Và năm 2015, Nga giúp Belarus thanh toán khoản nợ 860 triệu USD trong bối cảnh nước này phải chống chọi với cuộc khủng hoảng kinh tế. Armenia, Kyrgyzstan và Kazakhstan thường xuyên nhận được những gói tài trợ tài chính nhỏ (cỡ vài trăm triệu USD) để kích thích nền kinh tế, hiện đại hóa quân đội và cải tổ ngành công nghiệp. Tháng 5/2014, Kyrgyzstan nhận được khoản cho vay 1 tỷ USD để đổi lấy việc gia nhập Liên minh Thuế quan của Nga.

Ngoài các quốc gia thuộc Liên Xô trước đây, trong năm 2013-2014, Nga cho các công ty xây dựng và năng lượng của Bulgaria, Hy Lạp và Serbia vay tiền để đổi lấy việc các chính phủ nước này nhất trí tham gia các dự án Dòng chảy phương Nam và Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ để xây dựng những đường ống vận chuyển khí đốt không chạy qua Ukraine. Mấy năm gần đây, khi cả Cyprus lẫn Hy Lạp tìm kiếm trợ giúp tài chính, Nga luôn sẵn sàng giúp đỡ. Nga muốn bảo vệ tiền của người Nga đang được gửi ở các ngân hàng của Cyprus, đồng thời muốn Hy Lạp phản đối châu Âu và Mỹ áp đặt trừng phạt chống lại Nga do vấn đề Ukraine. Song, Đức và các quốc gia EU đã thuyết phục những nước này từ chối sự trợ giúp của Nga.

Tuy nhiên, nguồn cung tiền mặt ngày càng hạn chế của Nga sẽ cản trở chiến lược lâu nay của nước này trong việc duy trì ảnh hưởng. Kể từ giữa năm 2015 đến nay, Nga đã giảm tốc độ cho nước ngoài vay tiền và chỉ cam kết có một vài khoản cho vay lớn. Tổng thống Kyrgyztan, ông Almazbek Atambayev, mới đây thông báo có thể Nga sẽ không cấp nốt 1,7 tỷ USD còn lại của khoản tiền cho nước này vay để xây dựng nhà máy thủy điện Kambarata. Ngày 22/1, Atambayev đã hủy thỏa thuận này (ký năm 2012 với Nga) với lý do Nga mới giải ngân có 300 triệu USD. Do Kyrgyzstan phụ thuộc vào Nga về tài chính, nên Moskva sẽ chấp nhận để thỏa thuận này sụp đổ. Tuy nhiên, viễn cảnh xấu đang chờ Moskva là sẽ có một nước khác- chẳng hạn như Trung Quốc vốn đang nhanh chóng gây ảnh hưởng tại khu vực- sẽ tìm cách lấp đầy khoảng trống tài chính mà Nga để lại.

Kremlin cũng xem xét lại các khoản cho vay dành cho Iran. Tháng 11 năm ngoái, Moskva và Tehran nhất trí khoản cho vay 5 tỷ USD và một hạn ngạch tín dụng 2,2 tỷ USD. Mặc dù Chính phủ Iran đã xác nhận thỏa thuận này, song tháng 1 vừa qua Thứ trưởng Tài chính Nga Sergei Storchak lại nói rằng khoản cho vay 5 tỷ USD chưa được hoàn tất.

Nếu sao lãng việc cấp tài chính cho các nước đồng minh, Nga có nguy cơ chứng kiến quan hệ xấu đi nhanh chóng hoặc một quốc gia khác thay thế ảnh hưởng của họ. Tuy nhiên, những năm tiêu pha tốn kém cho việc duy trì quan hệ sẽ buộc Kremlin phải lựa chọn những quốc gia nào nên được trợ giúp và Kremlin có thể chi tiêu đến mức nào mà không làm cạn kiệt ngân sách của mình.
TTK
Chính sách của EU trong quan hệ với Belarus, Nga
Chính sách của EU trong quan hệ với Belarus, Nga

Trang mạng “News.tut.by” (Belarus) số ra ngày 24/2 có bài phỏng vấn Bộ trưởng Ngoại giao Litva về chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu với Belarus, Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN