Bài học từ cuộc khủng hoảng Nga - Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn nguyên giá trị

Báo Độc lập (Nga) ngày 30/11 cho rằng việc nối lại mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng không thể đem lại cho Syria sự bảo đảm vẹn toàn. Muốn làm hòa với Moskva, song điều đó không có nghĩa là Ankara sẽ không can thiệp quân sự vào Damascus.

Ngoại trưởng Nga Lavrov tại một cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Nga.

Bài viết này được đăng ngay trước thềm chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 1/12 để tham dự cuộc họp lần thứ năm của Nhóm soạn thảo Kế hoạch chiến lược Nga-Thổ. Đây cũng là cuộc họp đầu tiên kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ, sau vụ bê bối tính bằng giây khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu cơ Su-24 của Nga hồi tháng 11 năm ngoái.

Trong khuôn khổ chuyến thăm này, ngoài những vấn đề nổi cộm tại khu vực Kavkas và Trung Á, Ngoại trưởng Lavrov khẳng định sẽ cùng với giới chức Thổ Nhĩ Kỳ thảo luận tình hình Syria, vốn là một chủ đề còn tồn tại nhiều bất đồng giữa hai nước.

Tờ báo Nga nhấn mạnh gần một năm sau sự cố khiến viên phi công Nga thiệt mạng, giới chức Nga và Thổ Nhĩ Kỳ mới trở lại làm hòa, mà một trong những duyên cớ kết nối hai quốc gia đó là cùng có một điểm chung- phải chiến đấu chống thù trong giặc ngoài và nguy cơ về những cuộc nổi loạn.

Ngoài ra, tại một cuộc họp báo mới đây, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng phía Thổ Nhĩ Kỳ đã tự rút ra bài học cho mình và đây là cơ sở để Nga quyết định khôi phục quan hệ với Ankara.

Trong khi đó, dường như Thổ Nhĩ Kỳ cũng thực sự thấm thía hậu quả của thảm kịch Su-24. Ngoại trưởng nước này Mevlut Cavusoglu đã khẳng định điều này trong một cuộc trả lời phỏng vấn Hãng thông tấn TASS, rằng: "Cuộc khủng hoảng Thổ Nhĩ Kỳ-Nga đã cho cả hai nước thấy tầm quan trọng của nhau. Và tôi nghĩ rằng đây là bài học lớn nhất mà Thổ Nhĩ Kỳ học được từ giai đoạn vừa qua".

Thông qua khoảng trống ngoại giao trong gần một năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ cũng như Nga, có thể dễ dàng thấy rõ có rất nhiều điểm tương đồng trong quan hệ giữa hai nước, trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Trước hết, hai nước có tầm ảnh hưởng chung trong khu vực Á-Âu rộng lớn, cũng như có chung mối đe dọa và thách thức.

Tuy nhiên, việc Thổ Nhĩ Kỳ đổ quân vào Syria dưới sự hậu thuẫn của phương Tây hồi cuối tháng 8 vừa qua một lần nữa lại đẩy quan hệ Nga-Thổ tới thách thức mới và có nguy cơ rạn nứt.

Đáng chú ý, thời điểm 24/8 khi thổ Nhĩ Kỳ quyết định đổ quân vào Syria, diễn ra trong bối cảnh Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa đặt chân tới Ankara, nơi ông cam kết với giới chức Thổ Nhĩ Kỳ rằng Washington không hề can dự vào cuộc đảo chính bất thành hôm 15/7 tại quốc gia này.

Tiếp đó, các chiến đấu cơ của Mỹ công khai không kích và yểm trợ hỏa lực tầm gần cho xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào thị trấn Jarablus của Syria ngay sau đó cho thấy Washington bật đèn xanh cho chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria của Thổ Nhĩ Kỳ.

Những động thái này đương nhiên không thể làm vừa lòng điện Kremlin, vốn từng công khai ủng hộ Tổng thống Tayip Erdogan, vừa thoát hiểm trong cuộc đảo chính quân sự bất thành.

Lúc này, cho dù Ngoại trưởng Nga Lavrov có tới thăm Thổ Nhĩ Kỳ, cho dù Thổ Nhĩ Kỳ có rút ra được bao nhiêu bài học từ quá khứ, thì những góc cạnh trong mối quan hệ Nga - Syria - Thổ Nhĩ Kỳ, nảy sinh từ việc Ankara đưa quân tới Syria, rất có thể sẽ kéo theo những diễn biến mới bất ngờ. Và ai chắc chắn rằng mối giao hòa vừa đạt được giữa Ankara với Moskva lại không theo đó mà rạn nứt?!

Gia Linh
Mỹ nhức đầu vì chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria
Mỹ nhức đầu vì chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria

Ngày 24/8/2016, xe tăng và bộ binh Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của Mỹ, bắt đầu tiến vào nước láng giềng Syria, với mục tiêu “diệt khủng bố”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN