Bài học từ Chernobyl và Fukushima: Châu Âu đã sẵn sàng đối phó thảm họa hạt nhân?

Xung đột ở Ukraine, thời tiết khắc nghiệt hơn và các vết nứt được tìm thấy trong các lò phản ứng của Pháp khiến một số chuyên gia lo lắng đặt câu hỏi: Châu Âu liệu ó sẵn sàng cho một sự cố hạt nhân?

Chú thích ảnh
Một góc nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine. Ảnh: Reuters

Theo mạng tin Euronews ngày 11/3, cách đây đúng 12 năm, một trận động đất và sóng thần lớn đã gây ra vụ tai nạn hạt nhân tồi tệ thứ hai trong lịch sử tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản.

Lễ kỷ niệm thảm họa khiến 160.000 người phải sơ tán và gây thiệt hại hơn 176 tỷ euro cho Chính phủ Nhật Bản đã đủ để nhắc nhở về mối đe dọa tiềm tàng của sự cố hạt nhân, nhưng một số sự kiện gần đây cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo ở châu Âu.

Cuộc xung đột ở Ukraine đã nhiều lần đánh sập lưới điện của nước này, gây mất điện tại nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia lớn nhất châu Âu, nơi cần nguồn điện để ngăn các lò phản ứng quá nóng như trong thảm họa phóng xạ Chernobyl năm 1986.

Trong khi đó, ngày càng nhiều lò phản ứng hạt nhân khác của châu Âu sắp hết hạn sự dụng - trung bình chúng được xây dựng cách đây hơn 36 năm - và các cuộc kiểm tra gần đây ở Pháp đã phát hiện ra các vết nứt ở một số lò phản ứng này.

Một số chuyên gia năng lượng cảnh báo rằng những hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu có thể gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với 103 lò phản ứng hạt nhân của EU, chiếm khoảng 1/4 sản lượng điện được tạo ra trong khối.

Jan Haverkamp, một chuyên gia cấp cao về chính sách năng lượng và năng lượng hạt nhân của tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace), cho biết khả năng châu Âu chứng kiến một vụ tai nạn lớn như Fukushima hiện đang trở nên “thực tế” và “chúng ta nên xem xét về điều này”, thừa nhận là “châu Âu chưa chuẩn bị kỹ lưỡng”.

Về phần mình, Ủy viên EU về năng lượng Kadri Simson cho biết xương sống của hệ thống năng lượng không carbon trong tương lai của EU sẽ là năng lượng tái tạo được hỗ trợ bởi hạt nhân. Nhưng thách thức với chiến lược cung cấp năng lượng tái tạo bằng năng lượng hạt nhân là nó phụ thuộc vào hoạt động liên tục của các nhà máy hạt nhân già cỗi.

Việc bảo trì một nhà máy hạt nhân phụ thuộc vào một số yếu tố, chẳng hạn như thiết kế và quá trình giám sát. Nhưng cũng có những yếu tố khác gây ảnh hưởng, chẳng hạn như sai sót của con người, động đất, sóng thần, hỏa hoạn, lũ lụt, lốc xoáy hoặc thậm chí là các cuộc tấn công khủng bố.

Thảm họa Fukushima năm 2011 liên quan đến một nhà máy hạt nhân đã hơn 40 năm tuổi và vụ tai nạn được cho là một phần do lỗi thiết kế cũng như không đảm bảo các biện pháp an toàn. Theo chuyên gia Haverkamp, việc nâng cấp các nhà máy già cỗi có thể làm giảm rủi ro ở một số khía cạnh nhất định, “nhưng vẫn có nguy cơ: nó có thể gặp trục trặc, đơn giản chỉ vì chúng vẫn tiếp tục phải hoạt động”.

Pháp là một trong những nước có sự đảm bảo an toàn hạt nhân tốt nhất trên thế giới. Tuy nhiên, Bernard Doroszczuk, người đứng đầu cơ quan giám sát an toàn hạt nhân của nước này, cho biết vào đầu năm nay rằng một cuộc “đánh giá hệ thống” là cần thiết “để kiểm tra về khả năng tiếp tục hoạt động của các lò phản ứng cũ hơn 50, hoặc thậm chí 60 năm” trong khi cũng cho phép lường trước những thách thức mới do biến đổi khí hậu đặt ra.

Chỉ trong tuần này, nhà cung cấp điện EDF của Pháp đã báo cáo những khiếm khuyết "không đáng kể" trên đường ống làm mát của hai lò phản ứng ở miền Bắc và miền Đông nước Pháp. 

Các vết nứt, nằm trong thiết bị bơm nước để làm mát hệ thống trong trường hợp khẩn cấp, không được coi là nguy hiểm vì các lò phản ứng đang được bảo trì, nhưng phát hiện của họ đã làm sống lại các cuộc tranh luận về chiến lược của Pháp trong việc giám sát hạt nhân của nước này.

Có một yếu tố khác trong an toàn hạt nhân đặc biệt quan trọng: mật độ dân số xung quanh các cơ sở hạt nhân. Các khu vực có hàng triệu người sinh sống khó sơ tán hơn nhiều so với những khu vực vắng vẻ. Sau sự cố Fukushima vào tháng 3/2011, Declan Butler, một nhà báo của tạp chí khoa học Nature, đã hợp tác với NASA và Đại học Columbia để nghiên cứu và so sánh mật độ dân số xung quanh các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới.

Vào thời điểm nhà báo Butler công bố nghiên cứu của mình, hai phần ba số nhà máy hạt nhân của thế giới có mật độ dân số lớn hơn trong bán kính 30 km so với Fukushima, nơi có 172.000 người sinh sống vào thời điểm xảy ra sự cố. Cụ thể, nghiên cứu cho thấy mật độ dân số xung quanh các lò phản ứng hạt nhân ở châu Âu cao hơn nhiều so với xung quanh Fukushima.

Ví dụ, ở Pháp, ông Butler ước tính có khoảng 930.000 người sống trong bán kính 30 km xung quanh Fessenheim, chỉ là một trong số nhiều nhà máy hạt nhân nằm ở phía Đông Bắc của nước này và 700.000 người sống xung quanh nhà máy Bugey, cách Lyon 35 km về phía Đông, nhà máy lớn thứ ba của Pháp. 

Khi tìm hiểu một số điểm không phù hợp về an toàn, ông Butler rút ra rằng một số kịch bản thảm khốc không được xem xét đầy đủ trong quá trình thiết kế vì chúng được cho là quá khó xảy ra. Ví dụ, nhà máy Fukushima nằm trong khu vực được xác định là có khả năng xảy ra động đất và sóng thần tương đối thấp trên bản đồ rủi ro địa chấn của Nhật Bản. 

Đồng quan điểm trên, chuyên gia Haverkamp cho rằng đã những nỗ lực chủ yếu tập trung vào sự chuẩn bị kỹ thuật để ngăn ngừa tai nạn hạt nhân, nhưng không tập trung vào sự chuẩn bị cho trường hợp khẩn cấp hoặc sự chuẩn bị của người dân.

Ông Haverkamp nói: “Tôi e rằng mọi quốc gia hạt nhân ở EU tại thời điểm này đều không có đủ sự chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp xảy ra sự cố. Nếu chúng ta gặp sự cố ở châu Âu, nó sẽ lại rơi vào cảnh hỗn loạn, giống như đã xảy ra ở Fukushima”.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Euronews.com)
12 năm sau thảm họa động đất-sóng thần ở Nhật Bản: Việc khắc phục sự cố hạt nhân Fukushima vẫn là chặng đường dài
12 năm sau thảm họa động đất-sóng thần ở Nhật Bản: Việc khắc phục sự cố hạt nhân Fukushima vẫn là chặng đường dài

Ngày 11/3/2011, trận động đất độ lớn lên tới 9,0 kèm theo các cơn sóng thần đã tàn phá khu vực Đông Bắc Nhật Bản, đồng thời gây ra các sự cố liên tiếp tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 của Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) ở tỉnh Fukushima.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN