Ba bài học từ thảm họa sóng thần Ấn Độ Dương năm 2004

Tháng 12/2004, cơn sóng thần kinh hoàng nhất trong lịch sử thế giới hiện đại đã cướp đi hơn 230.000 sinh mạng ở 14 quốc gia Ấn Độ Dương, gây những tổn thất không thể tính toán được. Cùng với sự hỗ trợ to lớn từ cộng đồng quốc tế, sự nỗ lực không ngừng nghỉ của chính phủ và nhân dân các địa phương bị thiên tai tàn phá, những “mảnh đất chết” đã thực sự hồi sinh.

Cơ sở vật chất tại làng du lịch Phi Phi ở vịnh Ton Sai (Thái Lan) gần như bị những cơn sóng lớn san phẳng.


Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, báo “Jakarta toàn cầu” số ra mới đây có đăng bài viết của Axel van Trotsenburg, công tác tại Ngân hàng Thế giới (WB), với nhận định: Được kích hoạt bởi trận động đất 9,3 độ richter - mức lớn thứ ba từng được ghi nhận, cơn sóng thần đã thử thách khả năng của cộng đồng toàn cầu trong việc đối phó với thảm họa ở cường độ lớn.

Trước hình ảnh hoang tàn do cơn sóng thần gây ra được phản ánh trên các phương tiện truyền thông thế giới, cộng đồng quốc tế - các cá nhân, tổ chức, công ty và chính phủ - đã lập tức hỗ trợ hơn 14 tỷ USD vì mục đích nhân đạo và tái thiết, đây là một nỗ lực rất lớn, phản ánh tinh thần đoàn kết toàn cầu.

Theo tác giả, có ba bài học quan trọng mà cộng đồng quốc tế có thể rút ra từ thảm họa toàn cầu thảm khốc như cơn sóng thần Ấn Độ Dương:

Thứ nhất, đó là một thảm họa thiên nhiên cực kỳ nghiêm trọng gây hậu quả nặng nề về người và tài sản, đồng thời cho thấy thế giới sau nhiều thập kỷ phát triển đã bỏ qua vấn đề môi trường tự nhiên. Thiếu sót trên cần được giải quyết thông qua việc xây dựng các cộng đồng bền vững hơn, quy hoạch sử dụng đất tốt và phù hợp với các tiêu chuẩn xây dựng; tạo các cơ hội kinh tế cho người nghèo và những người bị thiệt thòi bởi cuộc xung đột; thúc đẩy các cơ quan nhà nước có trách nhiệm với nhân dân. Một hệ thống cảnh báo sớm cũng đã được phát triển với sự hỗ trợ, tăng cường phối hợp giữa các nước trong khu vực.

Thứ hai, sự lãnh đạo của chính phủ vô cùng quan trọng. Sau cơn sóng thần, chính phủ Indonesia đã nhanh chóng thành lập Cơ quan tái thiết và phục hồi Aceh và Nias (BRR Aceh-Nias) với nhiệm vụ điều phối quá trình tái thiết dựa trên sự minh bạch và có trách nhiệm.

Việc đối phó với "cơn sóng thần Aceh", như được biết đến ở Indonesia, nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác quản trị tốt, và chìa khóa thành công là sự duy trì một tinh thần khẩn trương trong suốt quá trình tái thiết và phục hồi; đồng thời cho thấy sự hỗ trợ quốc tế dù rất cần thiết nhưng không thể thay thế được các nỗ lực của quốc gia.

Quỹ Hỗ trợ đa phương cho Aceh và Nias (MDF) của WB trị giá 655 triệu USD, chỉ chiếm 10% tổng chi phí tái thiết, nhưng quỹ này đã được sử dụng một cách chiến lược để tận dụng những gì chính quyền và nhân dân Aceh có thể tự làm, khiến cách tiếp cận này mang lại kết quả bền vững hơn.

Cuối cùng, khi thế giới phải đối mặt thường xuyên hơn với các thảm họa thiên nhiên như động đất, sóng thần, bão, bệnh truyền nhiễm... mọi nỗ lực để phục hồi từ những cú sốc như vậy cần phải xây dựng được năng lực thể chế tốt hơn. Sau Aceh, chính phủ Indonesia phải đối mặt với một loạt thảm họa khác như trận động đất ở Nias năm 2005, động đất và núi lửa ở Java năm 2008 và 2010.

Mặc dù những sự kiện này cũng có thể gây ra những thiệt hại về người và tài sản nhưng chính phủ Indonesia không áp dụng máy móc bài học kinh nghiệm ở Aceh mà đưa ra được những kịch bản mới hơn nhờ có cơ quan chuyên trách, giúp các chính sách và cơ chế được mạnh mẽ hơn.

Tác giả kết luận rằng nếu có một thông điệp từ cơn sóng thần Ấn Độ Dương liên quan đến thế giới ngày nay thì đó chính là cần lưu ý những tác động thường xuyên hơn của thiên tai, xung đột khu vực hay khủng hoảng do dịch bệnh. Chúng ta cần phải nâng cao khả năng phục hồi, tái thiết tốt hơn thông qua các liên minh, quan hệ đối tác mới để cùng nhau có thể cứu sống nhiều sinh mạng và giảm thiểu thiệt hại kinh tế.


TTXVN/Tin tức
Thảm họa sóng thần tại Ấn Độ Dương: 10 năm nhìn lại
Thảm họa sóng thần tại Ấn Độ Dương: 10 năm nhìn lại

Đợt sóng thần cao tới 30m đã lan tỏa nhanh chóng từ tâm chấn với vận tốc 800km/h, ập vào bờ biển của 11 quốc gia nằm dọc bờ Ấn Độ Dương gồm Bangladesh, Ấn Độ, Sri Lanka, Indonesia, Thái Lan...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN