ASEAN - từ bền vững tới gắn kết

Thái Lan khởi động năm ASEAN 2019 khá lặng lẽ khi mà hơn 130 cuộc họp diễn ra trong 6 tháng đầu năm ít được giới truyền thông địa phương quan tâm do còn bận rộn với cuộc tổng tuyển cử và quá trình thành lập chính phủ mới đầy kịch tính.

Năm Thái Lan đảm nhận cương vị Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 2019 đã chính thức khép lại khi Thủ tướng Prayut Chan-o-Cha trao biểu trưng “chiếc búa quyền lực” của nước chủ tịch cho Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc ngay sau phiên bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 trong tràng vỗ tay không dứt của các đại biểu tham dự, thể hiện sự ghi nhận những nỗ lực hoàn thành chương trình nghị sự đề ra của nước chủ nhà cũng như kỳ vọng vào thành công của Năm ASEAN 2020 ở Việt Nam.  

Chú thích ảnh
Trình chiếu video giới thiệu về Việt Nam tại lễ bàn giao chức Chủ tịch ASEAN năm 2020 cho Việt Nam. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Với chủ đề “Thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững”, nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2019 của Thái Lan diễn ra đúng vào thời điểm có những chuyển dịch lớn trong môi trường quốc tế, nổi bật là mâu thuẫn thương mại Mỹ-Trung, sự nổi lên của chủ nghĩa quốc gia và chống toàn cầu hóa, cũng như những yếu tố có thể gây ra nhiều vấn đề cho các quốc gia Đông Nam Á, như những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, tình hình bán đảo Triều Tiên và cuộc khủng hoảng người Rohingya ở Myanmar.

Trong bối cảnh đó, Thái Lan khởi động năm ASEAN 2019 khá lặng lẽ khi mà hơn 130 cuộc họp diễn ra trong 6 tháng đầu năm ít được giới truyền thông địa phương quan tâm do còn bận rộn với cuộc tổng tuyển cử và quá trình thành lập chính phủ mới đầy kịch tính. Thậm chí, đã có những lo ngại ngay trước khi diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 vào tháng 6, rằng các vấn đề chính trị nội bộ của Thái Lan sẽ tác động đến sự thể hiện toàn diện của nước chủ nhà. Các vụ đánh bom ở Bangkok khi diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 hồi đầu tháng 8 càng đặt ra thách thức đối với chính phủ mới của Thủ tướng Prayut Chan-o-Cha.

Bất chấp những khó khăn do chính trị nội bộ có nhiều biến động, trong nửa cuối của năm ASEAN 2019, Thái Lan đã huy động tất cả các nguồn lực, từ chiến dịch truyền thông quảng bá, các nỗ lực ngoại giao song phương và đa phương tới cơ sở vật chất và lực lượng an ninh hùng hậu, nhằm đảm bảo sự thành công của nhiệm kỳ chủ tịch.

Đánh giá về nhiệm kỳ của Thái Lan, Tiến sĩ Robin Ramcharan - Giám đốc Trung tâm châu Á có trụ sở tại Bangkok nhận định: “Trước hết Thái Lan đã thành công trong năm Chủ tịch ASEAN 2019, bởi vì đã không có bất kỳ một sự gián đoạn nào.... Thứ hai, Thái Lan cuối cùng cũng đã chèo lái con thuyền vượt qua những khó khăn về chính trị trong nước để đảm nhận vai trò của mình…”.

Những nỗ lực của Thái Lan đã mang lại thành quả. Các hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 và 35 vào tháng 6 và tháng 11 vừa qua đã ghi nhận nhiều kết quả hợp tác tích cực của ASEAN trong năm 2019 trên cả ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN.

Về an ninh-chính trị, ASEAN tiếp tục duy trì được đoàn kết, thống nhất, vai trò trung tâm cũng như tăng cường quan hệ hợp tác với các đối tác. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34, các nước Đông Nam Á đã thông qua văn kiện "Quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", vừa khẳng định các nguyên tắc bất di bất dịch của ASEAN, vừa định ra phương hướng cho ứng xử của ASEAN trong quan hệ với các đối tác. Đặc biệt, về diễn biến xung quanh Biển Đông, tại các hội nghị của ASEAN, các nước đều nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định tại vùng biển huyết mạch này của thế giới.

Về kinh tế, việc xây dựng Cộng đồng được đẩy mạnh. Mặc dù Thái Lan không thể thực hiện mong muốn kết thúc đàm phán về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa 10 nước thành viên ASEAN và 6 đối tác mà khối này có thỏa thuận thương mại trong nhiệm kỳ chủ tịch do Ấn Độ thoái lui vào phút chót, việc 15 nước còn lại tuyên bố hoàn tất đàm phán toàn bộ lời văn hiệp định và kết thúc hầu hết tiến trình đàm phán mở cửa thị trường đánh dấu một cột mốc hết sức quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của tất cả các nước tham gia, nhất là trong bối cảnh xu hướng bảo hộ mậu dịch đang nổi lên cản trở toàn cầu hóa. Các nước Đông Nam Á cũng thống nhất thúc đẩy một ASEAN không rào cản thông qua tăng cường kết nối, thúc đẩy kinh tế số và một ASEAN số hóa và tăng tính chủ động chuẩn bị cho cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Về văn hóa xã hội, Tuyên bố về chống rác thải đại dương và Tuyên bố chọn Năm 2019 là Năm Văn hóa ASEAN đã được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34. ASEAN tiếp tục đẩy mạnh hợp tác vì lợi ích người dân để “ai bị bỏ lại phía sau” như hợp tác đối phó với cơ cấu dân số già hóa, thành lập các trung tâm về tuổi già năng động…

Một điểm nhấn của Thái Lan trong Năm ASEAN 2019 là thúc đẩy các sáng kiến về bảo vệ môi trường. Trong cả năm, Thái Lan tổ chức trên 250 cuộc họp của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác đối thoại. Nước chủ nhà đã áp dụng phong cách tổ chức mang tính bền vững ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào có thể. Địa điểm họp phải là nơi được xếp hạng cao về những tập quán bền vững.

Ban tổ chức cũng loại bỏ đồ dùng bằng nhựa sử dụng một lần, quảng bá việc sử dụng các vật liệu tái chế, thí điểm những vật liệu sinh học mới và áp dụng các biện pháp giảm lượng khí thải CO2. Các hội nghị cấp cao ASEAN được trang trí bằng nhiều đồ vật thiết kế cho “Cuộc họp Xanh”. Tất cả các phòng họp, phòng thư ký và phòng đại biểu cũng như Trung tâm Báo chí đều được trang bị thùng phân loại rác để tái chế. Sổ ghi chép và ghế trong buổi họp báo, quà tặng cho các đại biểu được làm từ nguyên liệu tái chế...

Có thể nói, những kết quả tích cực trên đã tăng cường tính bền vững của Cộng đồng ASEAN, đồng thời một lần nữa khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực cũng như vai trò cầu nối của ASEAN với các đối tác. Mặt khác, tinh thần “đối tác vì sự bền vững” của Năm ASEAN 2019 đang tạo nền tảng thuận lợi để Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch năm 2020 với chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng”.

Theo Tiến sĩ Robin Ramcharan, Việt Nam rất chủ động, tích cực trong cách tiếp cận phát triển của mình, trong cách tiếp cận về phát triển bền vững, từ đó có thể kỳ vọng rằng trong nhiệm kỳ chủ tịch sắp tới, Việt Nam sẽ chủ động, tích cực trong việc thúc đẩy hội nhập Cộng đồng ASEAN. Trong khi đó, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-Cha tin tưởng rằng trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ thúc đẩy hơn nữa sự ổn định của ASEAN trên tất cả các lĩnh vực. Đó sẽ là cơ sở để củng cố tính đoàn kết, thống nhất, tạo nên Cộng đồng ASEAN gắn kết bền vững và có năng lực thích ứng chủ động trước mọi cơ hội và thách thức đặt ra. 

Ngọc Quang (Pv TTXVN tại Thái Lan)
Thông tin về Năm Chủ tịch ASEAN 2020 cho các cơ quan đại diện nước ngoài tại Hà Nội
Thông tin về Năm Chủ tịch ASEAN 2020 cho các cơ quan đại diện nước ngoài tại Hà Nội

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Tổng Thư ký Ủy ban ASEAN Quốc gia 2020 đã tổ chức buổi thông tin về Năm Chủ tịch ASEAN 2020 cho gần 70 Đại sứ, Đại biện và đại diện Đại sứ quán các nước ASEAN, Đại sứ các đối tác theo lĩnh vực và đối tác phát triển của ASEAN tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN