Ẩn ý sau lời đe dọa thử bom H ở Thái Bình Dương của Triều Tiên

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa hủy diệt CHDCND Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã đánh tiếng về khả năng thử bom nhiệt hạch tại Thái Bình Dương. Nhiều tờ báo đã dẫn phân tích từ các chuyên gia về lời cảnh cáo mới nhất này từ Bình Nhưỡng.

Ngày 22/9, phát biểu tại thành phố New York (Mỹ), Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho cho biết Bình Nhưỡng có thể cân nhắc thử bom nhiệt hạch trong quy mô chưa từng thấy tại Thái Bình Dương.

Nhật Bản, quốc gia duy nhất từng bị bom hạt nhân tàn phá, đã gọi lời đe dọa của ông Ri Yong-ho là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un theo dõi vụ phóng tên lửa Hwasong-12. Ảnh: Reuters

Hàm ý lời đe dọa?

Trong trường hợp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ra lệnh kích nổ hạt nhân tại Thái Bình Dương, có hai cơ chế cho thử nghiệm như vậy. Một là ông Kim Jong-un khoe với thế giới về thiết bị hạt nhân và điều còn lại là phô trương về khả năng của bom nhiệt hạch.

Nhà nghiên cứu Yang Uk tại Diễn đàn An ninh và Quốc phòng Hàn Quốc ở Seoul đánh giá: "Triều Tiên có thể phóng tên lửa Hwasong-12 hoặc Hwasong-14 mang đầu đạn hạt nhân rồi cho chúng nổ tung ở độ cao vài trăm kilomet trên Thái Bình Dương".

Hãng thông tấn Reuters (Anh) dẫn lời nhà nghiên cứu Melissa Hanham tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury (Mỹ) nhận xét: "Triều Tiên nói Thái Bình Dương, điều đó có nghĩa là phóng tên lửa qua Nhật Bản".

Vào ngày 29/8 và 15/9, Triều Tiên đã tiến hành phóng tên lửa bay qua lãnh thổ Nhật Bản, khiến các chuyên gia đánh giá Bình Nhưỡng đã đạt được tiến triển mới.

Theo đài BBC (Anh), trong viễn cảnh chứng kiến Triều Tiên biến lời nói thành hành động trên Thái Bình Dương, Tổng thống Trump sẽ buộc phải chấp nhận điều mà Bình Nhưỡng luôn tự nhận là quốc gia hạt nhân. Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo hiện nay của Mỹ và Nhật Bản chưa chắc đã có khả năng ngăn chặn được cuộc thử nghiệm như vậy của Triều Tiên.

Triều Tiên khả năng thực hiện?

Triều Tiên đã nỗ lực không ngừng để phát triển loại tên lửa có thể gắn đầu đạn hạt nhân và vươn tới lãnh thổ Mỹ cũng như các đồng minh của nước này.

Khi được hỏi lúc nào chúng ta có thể biết chắc chắn rằng Triều Tiên sở hữu tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, chuyên gia Jeffrey Lewis tại Trung tâm James Martin về hạn chế vũ khí hủy diệt hàng loạt thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury đã nói với kênh CNN (Mỹ) rằng: “Bạn sẽ thấy một ánh sáng khổng lồ”.

Ông Lewis bày tỏ đồng tình với hầu hết các chuyên gia rằng chúng ta chỉ biết chắc chắn khi Triều Tiên thực hiện điều này.

Quân đội Mỹ trong khi đó đang hoạt động dựa trên đánh giá rằng Triều Tiên đã đạt được khả năng này. Trong bài phát biểu vào tháng 6, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ nói: “Tôi biết rằng có vài tranh cãi về việc Bình Nhưỡng đạt tiến bộ trong thu nhỏ đầu đạn hạt nhân. Nhưng ngay cả trong tối nay Bộ tư lệnh Thái Bình Dương phải sẵn sàng để chiến đấu. Tôi phải giả định rằng tuyên bố của ông Kim Jong-un là đúng”.

Lực lượng vũ trang Triều Binh trong một cuộc diễu binh. Ảnh: AFP

Hậu quả có thể xảy ra?

Nguy hiểm từ cuộc thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên trên Thái Bình Dương có thể rất lớn. Hàng không dân dụng, hàng hải ở vùng mục tiêu có thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi Triều Tiên thường không cảnh báo trước khi tiến hành phóng tên lửa hay thử hạt nhân.

Hơn nữa, tác động đến môi trường cũng được cho sẽ vô cùng thảm khốc.

Ngoài ra, trong trường hợp gặp trục trặc kỹ thuật và bom nhiệt hạch của Triều Tiên rơi trúng lãnh thổ Nhật Bản hoặc phát nổ quá sớm thì chiến tranh hạt nhân nhiều khả năng sẽ xảy ra sau đó.

BBC đánh giá rằng Triều Tiên có thể không sử dụng tên lửa cho cuộc thử nghiệm tại Thái Bình Dương mà thay vào đó cử một tàu thủy mang theo thiết bị hạt nhân rồi kích nổ. Tuy nhiên, việc dùng tàu thủy mang rủi ro bị tình báo Mỹ phát hiện cao hơn.

Triều Tiên có nhận ra lằn ranh đỏ?

BBC đánh giá qua các cuộc thử nghiệm tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên trước đây, có thể thấy nước này nhận thức về sự tồn tại của “lằn ranh đỏ”.

Đơn cử sau cuộc thử hạt nhân, Triều Tiên nhấn mạnh không gây tổn tại tới môi trường, đây được coi là cử chỉ “trách nhiệm”.

Kẻ từ năm 1984, Triều Tiên đã tiến hành hơn 150 cuộc thử hạt nhân và tên lửa. Hơn một nửa trong số này xảy ra trong khoảng thời gian từ 2011 cho tới nay, khi ông Kim Jong-un bắt đầu đảm nhận vị trí nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Hà Linh/Báo Tin Tức
Hậu quả tàn khốc nếu Triều Tiên thử bom H ở Thái Bình Dương
Hậu quả tàn khốc nếu Triều Tiên thử bom H ở Thái Bình Dương

Một vụ thử bom H “chưa từng có ở khu vực Thái Bình Dương” của Triều Tiên có thể dẫn tới lan truyền phóng xạ khủng khiếp và hậu quả tàn khốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN