An ninh năng lượng là điều sống còn với Trung Quốc

Ngày nay Trung Quốc đã vươn lên thành nước có nền kinh tế đứng hàng thứ hai thế giới. Vấn đề đặt ra khiến người ta bàn tán nhiều là nước này làm thế nào để có được nguồn năng lượng khổng lồ đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế? Do đó, an ninh năng lượng trở thành một điều sống còn đối với Trung Quốc.

Một thợ mỏ tại mỏ than ở Trung Quốc.


Từ bị Mỹ lừa...

Cách đây không lâu, Mỹ tự khoe đã tìm ra công nghệ có thể chiết tách từ nguồn đá phiến dồi dào ở nước họ một nguồn dầu đủ dùng ở trong nước mà không phải nhập từ Trung Đông và bất kỳ nước nào khác, Trung Quốc cũng đặt hy vọng lớn lao vào việc khai thác nguồn khí đốt tự nhiên trong nước từ nguồn đá phiến to lớn của nước này.

Ông Wu Xin-xiong, người đứng đầu Cơ quan quản lý năng lượng quốc gia Trung Quốc, đã tuyên bố đầy ngạc nhiên rằng: mục tiêu của Trung Quốc về sản xuất khí đốt tự nhiên ở Trung Quốc vào năm 2020 là khoảng 30 tỷ m3 khí đốt đá phiến và 30 tỷ m3 khí từ than đá. Thế là hàng trăm triệu USD đã được ném vào việc khai thác khí đốt đá phiến với những ước mơ bay bổng lên tận trời xanh.

Nhưng qua thực tế, người Trung Quốc mới dần hiểu ra chính họ đã bị Mỹ lừa. Chính phủ Mỹ và các công ty khí đốt của Mỹ đã cường điệu thái quá việc Trung Quốc nắm giữ một nguồn trữ lượng đá phiến lớn nhất thế giới. Với trữ lượng ấy lại được công nghệ hiện đại của Mỹ giúp thì Trung Quốc không biết chứa vào đâu cho hết nguồn khí đốt đá phiến.

Nhưng đó chỉ là trò bịp hay nói đúng hơn là một chiến dịch thổi phồng mang động cơ chính trị vốn là ngón nghề sở trường của Washington. Thâm ý của chính giới Mỹ là muốn lái chính sách năng lượng của Trung Quốc khỏi Trung Đông, Châu Phi để đưa Bắc Kinh vào chỗ chết. Năm 2011, Bộ Thông tin Năng lượng Mỹ ước tính Trung Quốc có thể thu được 1.300 triệu m3 khí tách từ đá phiến, bằng gần 50% của Mỹ.

Từ quả bồ hòn này, Trung Quốc hiểu ra rằng ngay cả khi đá phiến có là một giải pháp khả thi cho nhu cầu năng lượng trong tương lai của nền kinh tế Trung Quốc chăng nữa thì có điều khó thực hiện là nền địa chất hình thành đá phiến của nước này cũng rất khác với Mỹ. Các mỏ đá phiến của Trung Quốc nằm ở độ sâu hơn so với Mỹ, khiến cho giá chi phí thăm dò tăng thêm.

Phí tổn cho mỗi giếng khoan mới ở Trung Quốc nhiều gấp 3 lần so với giá khoan cùng một giếng ở Mỹ. Đá phiến của Trung Quốc lại bị bao bọc bởi đất sét, ẩm ướt hơn nhiều so với đá phiến ở Mỹ, gây khó khăn cho việc phá vỡ mỏ đá và giải phóng khí đốt bằng kỹ thuật thủy lực.

Ngoài ra, các mỏ đá phiến của Trung Quốc lại tập trung ở tỉnh Tứ Xuyên, gần Tây Tạng, thuộc vùng cực Tây hay xảy ra các trận động đất lớn nhất Trung Quốc. Kỹ thuật khai thác bằng thủy lực lại nguy hiểm, rất dễ gây ra động đất và phải sử dụng một khối lượng nước khổng lồ. Trong khi đó, nhiều trận động đất ở các trung tâm công nghiệp Tứ Xuyên lại đang gia tăng và vùng này cũng đang rất khan hiếm về nước.

... Đến chuyển hướng sang Nga

Sau thất bại trên, tháng 5/2014, Bắc Kinh đã ký thỏa thuận khí đốt thế kỷ trong vòng 30 năm trị giá 400 tỷ USD với tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga, theo đó mỗi năm Nga cung cấp cho Trung Quốc 38 tỷ m3 khí, bắt đầu từ năm 2018. Điều này được xem là sự thay đổi về chiến lược, địa chính trị trong quan hệ giữa hai cường quốc Á - Âu, sẽ có tác động đến tương lai của Châu Âu cũng như Mỹ.

Rồi ngày 17/9/2014, Giám đốc điều hành Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga Alexei Miller đã báo cáo với Tổng thống Vladimir Putin về các cuộc đàm phán với Trung Quốc để cung cấp 30.000 tỷ m3 khí đốt tự nhiên qua tuyến đường phía Tây Siberia trong vòng 30 năm, cũng giống như thỏa thuận đường ống dẫn khí đốt qua đường phía Đông trước đó vào tháng 5/2014.

Theo dự án tuyến đường phía Tây này, các công ty của Nga về việc hoá lỏng khí tự nhiên (LNG) Yamal sẽ sử dụng công nghệ của chính mình để cung cấp khí đốt cho Trung Quốc. Bán đảo Yamal nằm ở Tây Bắc Siberia có chứa một số mỏ khí đốt chưa được khai thác lớn nhất thế giới. Đáng chú ý là Trung Quốc và Nga cũng đang thảo luận về thời điểm Bắc Kinh sẽ tăng cường tham gia vào việc phát triển hoá lỏng khí tự nhiên (LNG) từ Yamal.

Dự án LNG Yamal Trung - Nga tập trung chủ yếu vào việc để công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) khoan 200 giếng dầu, xây dựng hệ thống đường ống, cơ sở thiết bị xử lý và nhà máy hoá lỏng tại một dầu Nam Tambeyskoya trên bán đảo Yamal. Công ty khí đốt của Nga Novatek chiếm 60% cổ phần của dự án này; CNPC của Trung Quốc và Total của Pháp chiếm 20%.

Vào đầu tháng 9/2014, công ty công nghệ Rostec  thuộc sở hữu của Chính phủ Nga đã đăng ký với Tập đoàn Tứ Xuyên thuộc sở hữu của Trung Quốc một thỏa thuận trị giá 10 tỷ USD để khai thác các mỏ than ở Siberia và vùng Viễn Đông của Nga. Họ sẽ khai thác và phát triển mỏ than Ogodzhinskoye ở vùng Amur của Nga với trữ lượng ước tính lên đến 1,6 tỷ tấn.

Rostec sẽ sản xuất than bắt đầu vào năm 2019 với sản lượng 30 triệu tấn/ năm, chủ yếu xuất sang Trung Quốc. Hơn nữa Rostec và đối tác Trung Quốc sẽ còn xây dựng một cảng biển để tập kết than ở cảng Vera thuộc khu vực Primorsky với công suất khoảng 20 triệu tấn. Việc xây dựng sẽ bắt đầu từ năm 2015 và đi vào hoạt động vào năm 2018 - 2019.

Theo thỏa thuận, dự án trên còn bao gồm xây dựng một nhà máy điện, đường dây chuyển tải điện cao áp đến Trung Quốc cũng như các cơ sở hạ tầng xã hội, giao thông vận tải. Điều này sẽ giúp giải quyết vấn đề thiếu điện ở vùng Amur của Nga cũng như khu vực phía Bắc Trung Quốc. Dự án này còn tạo ra khoảng 10.000 việc làm mới và khoảng 30.000 việc làm cho các ngành công nghiệp liên quan.


Đức Minh

Ấn Độ sắp vượt Trung Quốc về kinh tế?
Ấn Độ sắp vượt Trung Quốc về kinh tế?

Khi Ấn Độ phóng thành công một vệ tinh giá thành thấp lên quỹ đạo Sao Hỏa hồi tháng 9 năm ngoái, một công ty truyền thông đã so sánh nước này với Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN