An ninh Hàn Quốc trong 'làn đạn' Mỹ-Trung

Diễn đàn “Đông Á” số ra mới đây có bài phân tích về việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa bay cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc, trong đó đề cập đến vai trò và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực cũng như mục tiêu của các nước trong vấn đề này.

Người dân Hàn Quốc biểu tình phản đối việc Mỹ triển khai hệ thống tên lửa THAAD. Ảnh: EPA


Quan hệ Mỹ-Hàn đang bắt đầu cho thấy những dấu hiệu rõ ràng của sự bất đồng trong kế hoạch triển khai hệ thống THAAD. Trong khi Mỹ tích cực thúc đẩy việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến này, chính phủ Hàn Quốc lại trở nên miễn cưỡng đề cập khả năng đáp ứng của mình. Việc Mỹ hối thúc Hàn Quốc về THAAD cho thấy hệ thống này đóng vai trò quan trọng trong chiến lược của Mỹ để đối phó với tình trạng an ninh thay đổi nhanh chóng trong khu vực, nói cách khác là việc Trung Quốc tăng cường khả năng quân sự trong khu vực.

Thật ngây thơ nếu coi vấn đề hạt nhân của Triều Tiên như là động lực duy nhất để triển khai hệ thống THAAD. Mỹ tuyên bố rằng Trung Quốc đã đạt được sự tiến bộ đáng kể về hệ thống tên lửa tầm xa, khả năng răn đe bằng vũ khí hạt nhân, cũng như các khả năng về không gian mạng và vũ trụ, và cần phải nghiêm túc đối phó với những thách thức mà Trung Quốc đang tạo ra.

Trong khi đó, Trung Quốc phản đối mạnh mẽ việc triển khai hệ thống THAAD. Các chuyên gia Trung Quốc thờ ơ về sự trỗi dậy của Triều Tiên như một mối đe dọa lớn, nhưng lại công khai lên tiếng lo ngại về hệ thống THAAD, cho rằng hệ thống này có thể ngăn chặn tên lửa Đông Phương 21 của Trung Quốc được ví như “kẻ hủy diệt tàu sân bay” và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Ngưu Lang 2. Điều này sẽ làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của chiến lược chống tiếp cận và chống thâm nhập khu vực (A2/AD) của Trung Quốc.

Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, khả năng tên lửa và hạt nhân của Trung Quốc là cốt lõi của chiến lược A2/AD. Như vậy, mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo Trung Quốc là vấn đề lớn nhất đối với Mỹ. Và đây chính là lý do tại sao cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã công bố chiến lược đối phó lần thứ ba vào tháng 11/2014. Mỹ sẽ tiếp tục gia tăng sức mạnh quân sự bằng cách tăng cường bảo vệ các cơ sở quan trọng chống lại tên lửa đạn đạo và hành trình của Trung Quốc. Ngày 28/1/2015, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Bob Work thông báo rằng: “Chúng tôi đang thực hiện các khoản đầu tư đáng kể cho vũ khí hạt nhân; cảm biến tiên tiến, thông tin liên lạc và đạn dược để triển khai trong môi trường có tranh chấp; hệ thống phòng thủ tên lửa; và khả năng không gian mạng”.

Mỹ phóng thử nghiệm tên lửa THAAD. Ảnh: AFP/TTXVN


Trước nỗ lực của Mỹ triển khai hệ thống THAAD tại Hàn Quốc, có thể dự đoán về động thái tiếp theo của Bắc Kinh. Trung Quốc sẽ tăng cường sự tham gia của mình trong việc kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên. Mục đích của Trung Quốc sẽ là ngăn chặn Mỹ hợp lý hóa tham vọng triển khai hệ thống THAAD. Lúc đó, Washington sẽ phản ứng bằng cách tái nhấn mạnh hợp tác phòng thủ tên lửa ba bên ở Đông Á để chuẩn bị cho khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên.

Cách tiếp cận đa chiều để hiểu những tranh cãi về hệ thống THAAD sẽ rất đáng giá cho Hàn Quốc vì nó dự kiến nằm trong Sáng kiến hợp tác và hòa bình ở Đông Bắc Á. Chính phủ Hàn Quốc có hai lựa chọn khả thi đặt ra trước đó: phê duyệt, thậm chí mua hệ thống THAAD của Mỹ hoặc từ chối hoàn toàn. Lựa chọn thứ nhất sẽ dẫn đến một rạn nứt ngoại giao nghiêm trọng. Trung Quốc sẽ có một lập trường hung hăng và trang bị vũ khí cho quân đội để vô hiệu hóa hệ thống THAAD, với sự yểm trợ của Triều Tiên. Lựa chọn từ chối THAAD có thể có lợi cho Seoul.

Hàn Quốc có thể chủ động đưa ra sáng kiến trong các cuộc đàm phán hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và ở Đông Bắc Á. Trong khi đó, Trung Quốc sẽ cố gắng giảm thiểu khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Triều Tiên - nguyên nhân chính để triển khai hệ thống THAAD gây tranh cãi. Nếu những nỗ lực ngoại giao này mang lại kết quả có ý nghĩa, những lý do chính trị để bảo vệ hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Đông Á có thể bị loại bỏ. Mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên cũng có thể biến mất. Tất nhiên, con đường này sẽ đòi hỏi sự khéo léo và sự kiên nhẫn lâu dài.


TTK
 Triều Tiên lên án Hàn Quốc về khả năng triển khai THAAD
Triều Tiên lên án Hàn Quốc về khả năng triển khai THAAD

Triều Tiên đã lên án Hàn Quốc về khả năng cho phép Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN