Ấn Độ kích hoạt cuộc đua không gian châu Á

Việc Ấn Độ phóng thành công tàu thăm dò không người lái từ bệ phóng ở Sriharikota sẽ giúp nước này trở thành quốc gia châu Á đầu tiên chạm được đến "hành tinh Đỏ" và cho thấy một cuộc “đảo chính” mang tính biểu tượng, trong bối cảnh nước láng giềng Trung Quốc tăng cường thực hiện tham vọng không gian của mình.


Mặc dù không được thừa nhận chính thức, nhưng việc phóng tàu vũ trụ thám hiểm sao Hỏa - được biết đến dưới cái tên Mangalyaan - không lâu sau khi một tàu thám hiểm vũ trụ Trung Quốc thất bại trong việc thoát khỏi bầu khí quyển Trái Đất càng khiến người ta tin rằng cuộc đua vào không gian đang “nóng lên” ở châu Á.

 

Ấn Độ phóng tàu thám hiểm Mangalyaan vào không gian ngày 6/11. AFP


"Tôi cho rằng lãnh đạo của Ấn Độ nhận thấy những thành tựu gần đây của Trung Quốc trong lĩnh vực khoa học không gian như một mối đe dọa đến vị thế của mình ở châu Á và vì thế có cảm giác cần phải phản ứng", tiến sĩ James Clay Moltz tại Đại học Hải quân Mỹ nói.


Theo lập luận của Moltz, Ấn Độ đã đầu tư đặc biệt để thực hiện việc thám hiểm sao Hỏa do Trung Quốc - một đối thủ khu vực, đã có sự phát triển nhanh chóng như một cường quốc không gian. Kể từ khi Trung Quốc ra mắt tàu vũ trụ có người lái đầu tiên của mình bay vào quỹ đạo 1 thập kỷ trước, châu Á đã trở thành tâm điểm của một cuộc chạy đua không gian mới giữa Trung Quốc, Nhật Bản, và sau đó là Ấn Độ. Các nước nhỏ hơn như Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia, Thái Lan... cũng bắt đầu thực hiện tham vọng không gian của mình.


Moltz khẳng định nhiệm vụ sao Hỏa của Ấn Độ “rõ ràng là mang tính chính trị và uy tín nhiều hơn là vấn đề khoa học” và cuộc đua không gian trong khu vực có thể sẽ làm tăng sự căng thẳng, dẫn đến nguy cơ đối đầu tiềm tàng và quân sự hóa sâu sắc trong không gian, trừ khi nó đi kèm với sự hợp tác lớn hơn. "Ấn Độ phải đối mặt với một thách thức nghiêm trọng từ khả năng không gian ngày càng tăng của Trung Quốc. Ấn Độ không thể đối đầu hay trực tiếp cạnh tranh với nguồn lực to lớn của Trung Quốc. New Dehi rất có thể sẽ bị thua trong cuộc ‘chạy đua không gian’ với Bắc Kinh. Vì thế, Ấn Độ sẽ phải ‘sáng tạo trong việc phản ứng với sự phát triển của Trung Quốc’ bao gồm cả việc phải hình thành liên minh tiềm năng với các cường quốc không gian khác", ông Moltz nói.


Theo tiến sỹ Moltz, có một thực tế ngày càng tăng rằng nếu bạn có thể bước vào không gian, tiếp cận với các nguồn tài nguyên và thông tin khổng lồ trong vũ trụ, sau đó bạn sẽ thu được lợi ích về kinh tế và uy tín quốc gia. Và như vậy, sự tiến bộ của Ấn Độ có thể sẽ là một động lực thúc đẩy các quốc gia tại châu Á tìm kiếm lợi ích kinh tế và uy tín trong việc chinh phục không gian. "Đối với một quốc gia như Australia, tham vọng không gian là vô cùng lớn và ngay cả Malaysia cũng có ý định đưa phi hành gia của mình vào trong vũ trụ. Đó là xu thế để khẳng định uy tín”.


Giáo sư Ram Jakhu tại Viện Luật Hàng không và không gian thuộc ĐH McGill (Canada) thì nhận định cuộc đua không gian giữa Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản khác với cuộc đua không gian Xô - Mỹ, bởi vì “trong chừng mực nào đó, đây là một sự đổ xô tìm kiếm tài nguyên thiên nhiên. Sứ mạng sao Hỏa của Ấn Độ đối với thế giới là một dấu hiệu về sự bình đẳng, nỗ lực và năng lực tìm kiếm tài nguyên”.


Cho đến nay, khoảng 2/3 sứ mạng sao Hỏa thất bại, nhiều con tàu trong đó không thể rời khỏi quỹ đạo Trái đất và phần lớn những chuyến bay khác thậm chí không cất cánh thành công. Nhật Bản năm 2003 đã không thể đưa vệ tinh vào quỹ đạo sao Hỏa. Thử nghiệm đầu tiên của Trung Quốc vào 2011 cũng thất bại, khi tàu không gian không người lái Phobus - Grunt của Nga mang theo tàu thăm dò sao Hỏa Yinghuo - 1 của Trung Quốc rơi trở lại Trái đất.


Vũ Thanh (Theo CNN)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN