Ai sẽ 'ngư ông đắc lợi' trong khủng hoảng ngoại giao Qatar?

Các nhà phân tích chính trị Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ ra quốc gia nào có thể hưởng lợi từ khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh hiện nay.

Tàu chở khí thiên nhiên hóa lỏng của Qatar cập cảng Welsh của xứ Wales.

Đài phát thanh Sputnik dẫn lời nhận định của Tiến sĩ Volkan Ozdemir – Chủ tịch Viện Chính sách và Thị trường Năng lượng EPPEN có trụ sở ở Ankara đưa tin Mỹ và Nga là hai nước có thể được hưởng lợi ích từ khủng hoảng vùng Vịnh hiện nay. Ông giải thích Qatar vẫn đang là một trong những nguồn cung khí hóa lỏng lớn nhất thế giới: “Cuộc khủng hoảng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường năng lượng và khiến giá cả các mặt hàng năng lượng tăng. Tuy nhiên, Mỹ và Nga có thể sẽ được hưởng lợi từ khủng hoảng”.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 8/6 ký chấp thuận quyết định của Quốc hội nước này cho phép triển khai binh lính Thổ Nhĩ Kỳ tới Qatar và cam kết sẽ ủng hộ Doha trong cuộc xung đột khu vực.

Trước đó một ngày, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua dự luật cho phép triển khai binh lính tại Qatar và huấn luyện lực lượng vệ binh quốc gia.

Trong buổi họp báo bàn luận về khủng hoảng gần đây trong khu vực liên quan đến việc một nhóm các nước Arab cắt đứt quan hệ ngoại giao với Doha, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Qatar Mohammed bin Abdulrahman al-Thani thông báo: “Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang trên đường tới Qatar vì an ninh trên toàn khu vực”.

Trước động thái trên của Thổ Nhĩ Kỳ, nhà phân tích Ozdemir nhận xét: “Trong bối cảnh khủng hoảng Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng về phía ủng hộ Doha, và điều này có thể khiến mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ trở nên rắc rối”.

Ông giải thích: “Qatar có mối quan hệ chính trị và thương mại mật thiết với Thổ Nhĩ Kỳ, điều này lý giải vì sao Thổ Nhĩ Kỳ đứng về phía ủng hộ Doha, và không phải là Saudi Arabia. Tuy nhiên vẫn còn câu hỏi Qatar làm cách nào để có thể chịu đựng được sức ép hiện nay cũng như Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giúp đỡ Doha đến đâu”.

Tiến sĩ Ozdemir cũng nhấn mạnh chính sách nối lại quan hệ giữa Mỹ và Iran, do cựu Tổng thống Barack Obama khởi xướng, dường như đã kết thúc. Chính quyền Mỹ hiện nay đang ủng hộ Saudi Arabia. Chính vì vậy nếu Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện rõ mình ủng hộ Doha, điều này có thể khiến mối quan hệ Thổ - Mỹ ngày một nghiêm trọng.

Trong một nhận xét khác liên quan đến vấn đề trên, nhà phân tích chính trị Thổ Nhĩ Kỳ Bora Bayraktar – một chuyên gia nghiên cứu về Trung Đông, cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar có mối quan hệ mật thiết về quân sự, thương mại và hoạt động năng lượng. Chính vì vậy ưu tiên hàng đầu của Ankara là duy trì sự hợp tác với Doha. Song mặt khác, việc hợp tác với Saudi Arabia và các nước khác ở vùng Vịnh cũng quan trọng với Ankara. Nếu xem xét tình thế “tiến thoái lưỡng nan” trong chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ hiện giờ, khủng hoảng khu vực giữa Qatar và các nước Arab có thể ảnh hưởng tiêu cực tới Ankara.

Hồng Hạnh/Báo Tin Tức
Gần nửa dân Mỹ tin cựu Giám đốc FBI hơn Tổng thống Donald Trump
Gần nửa dân Mỹ tin cựu Giám đốc FBI hơn Tổng thống Donald Trump

Tổng cộng có 46% công dân Mỹ tin rằng cựu Giám đốc Cục điều tra Liên bang (FBI) James Comey thành thật và đáng tin cậy hơn Tổng thống Donald Trump.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN