3 thách thức địa chính trị hàng đầu của Nga và NATO

Tại một cuộc họp khẩn cấp vào đầu tháng này, các ngoại trưởng NATO đã quyết định đình chỉ hợp tác quân sự và dân sự cụ thể với Nga để phản đối Moskva sáp nhập Crimea và sự tập trung lực lượng quân đội Nga trên biên giới với Ukraine. Điều này có nghĩa là Nga sẽ không còn tham gia các cuộc tập trận chung và chấm dứt hợp tác trong một số lĩnh vực như chống cướp biển, cứu trợ thảm họa thiên tai và nhân đạo với NATO.

Nhìn chung, các biện pháp trừng phạt mà NATO thông báo chủ yếu mang tính biểu tượng, ngoại trừ hai lĩnh vực hợp tác vẫn được duy trì đó là về vấn đề Afghanistan, và ở một mức độ thấp hơn, cuộc chiến chống khủng bố quốc tế. Không có nghi ngờ gì rằng không tác về vấn đề Afghanistan thực tế sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của cả hai bên khi mà 90% của sự hợp tác giữa Nga và NATO có liên quan đến Afghanistan, bao gồm nguồn lực tài chính và vật chất rất lớn cũng như các nhiệm vụ phối hợp quan trọng khác.

Xe tăng quân đội Nga trong một cuộc diễn tập gần biên giới với Ukraine mới đây. Ảnh: AFP/TTXVN


Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo NATO sử dụng chiến thuật đóng băng trong hợp tác với Nga. Trong cuộc khủng hoảng ở Caucasus năm 2008, các nước NATO cáo buộc Nga sử dụng vũ lực không cân xứng và tuyên bố đình chỉ các cuộc họp của Hội đồng Nga - NATO (NRC) ở tất cả các cấp. Đáp lại, Nga quyết định đóng băng một số chương trình hợp tác với liên minh Bắc Đại Tây Dương này. Nhưng sự hợp tác giữa 2 bên đã được khôi phục lại vào tháng 3/2009.

Có vẻ như là mối quan hệ giữa Nga và NATO đang bị rơi vào một vòng tròn luẩn quẩn, từ Kosovo đến Georgia đến Ukraine mà không có lối thoát vì 3 mâu thuẫn cơ bản sau:  

Vấn đề đầu tiên cần phải giải quyết đó là mâu thuẫn giữa nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ và quyền tự quyết của các quốc gia. Đạo luật Helsinki năm 1975, trong khi công nhận quyền của các quốc gia tự quyết, chắc chắn đã ưu tiên cho nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ, do nguy cơ cao của cuộc xung đột toàn cầu xuất phát từ bế tắc quân sự - chính trị giữa Đông và Tây.

Đáng chú ý, các nguyên tắc trong đạo luật Helsinki không ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng không ai nghĩ rằng chúng sẽ bị vi phạm dưới sự đe dọa của các cuộc xung đột toàn cầu. Sau khi kết thúc thời kỳ trật tự thế lưỡng cực, các nguyên tắc này được một số nước "áp dụng có chọn lọc" để phù hợp với lợi ích riêng. Nhưng câu hỏi đặt ra là: có thứ tự ưu tiên nào trong các nguyên tắc trên không?

Về cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay, trong khi Nga coi việc sáp nhập Crimea như một "sự thống nhất" và tôn trọng quyền tự quyết, thì phương Tây lại xem đó là một mối đe dọa cho an ninh châu Âu và vi phạm toàn vẹn lãnh thổ.

Thách thức thứ hai là mâu thuẫn giữa quyền của các quốc gia có chủ quyền và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau với quyền can thiệp nhân đạo.

Năm 1999, NATO đã trích dẫn các thảm họa nhân đạo ở Kosovo để biện minh cho sự can thiệp quân sự chống lại Nam Tư, họ đã không một chút tưởng tượng rằng một nước nào khác có thể áp dụng nguyên tắc này. Cuộc xung đột ở Nam Ossetia cho thấy rằng có thể áp dụng nguyên tắc này.

Tháng 7/2009, khi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nêu lên câu hỏi về tính hợp pháp của sự can thiệp nhân đạo của cộng đồng quốc tế tại các nước mà nhân quyền đã bị vi phạm. Nga cho rằng đã có đủ điều kiện để coi cuộc xung đột ở Nam Ossetia là một thảm họa nhân đạo và phản đối 2 khái niệm đang được thảo luận về mối quan hệ giữa "can thiệp nhân đạo" và "chủ quyền hạn chế" - điều này cho phép sự can thiệp từ bên ngoài, bao gồm cả bằng vũ lực, vào công việc nội bộ của một nước khác dưới cái cớ nhân đạo.

Ngoài ra, ngày 17/3/2011, khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bỏ phiếu ủng hộ Nghị quyết 1973 với nội dung thiết lập vùng cấm bay và cho phép sử dụng vũ lực đối với chính quyền của nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi trong cuộc nổi dậy tại Libya, Nga là một trong những nước bỏ phiếu trắng (cùng với Đức, Brazil, Ấn Độ và Trung Quốc). Theo tuyên bố của lực lượng liên quân, mục tiêu tại Libya là để "bảo vệ dân thường". Thật không may, chiến dịch tại Libya lại rơi vào hỗn loạn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động nhân đạo.

Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO. Ảnh: AFP/TTXVN


Cần lưu ý rằng mục đích của các hoạt động gìn giữ hòa bình, thực thi hòa bình và việc triển khai dự phòng lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc là để ngăn chặn thảm họa nhân đạo (như vi phạm hàng loạt các quyền con người, diệt chủng, thanh lọc sắc tộc, nội chiến, thiên tai...). Câu hỏi chính đặt ra trong cuộc tranh luận về sự can thiệp nhân đạo là ai xác định (và như thế nào) các thông số của một thảm họa nhân đạo, thủ tục ra quyết định can thiệp và cơ chế can thiệp quân sự để ngăn chặn nó. Rõ ràng, chỉ có Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, hành động phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, có thể được trao quyền hạn như vậy. Tuy nhiên, Mỹ đã nhiều lần đưa ra các quyết định đơn phương can thiệp nhân đạo, tạo thành cái gọi là "liên minh của ý chí" với các đồng minh của mình.

Thách thức thứ ba là mâu thuẫn giữa quyền của các quốc gia tự do lựa chọn các tổ chức đảm bảo an ninh của họ và quyền của các quốc gia để chống lại việc mở rộng các liên minh quân sự, nếu nó là một mối đe dọa cho an ninh quốc gia. Trong cả hai cuộc xung đột ở Georgia và cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine, mâu thuẫn này đóng vai trò không nhỏ.

Tổ chức của NATO thời kỳ hậu lưỡng cực là một mớ lộn xộn, hỗn loạn giữa các thành viên cũ và mới, không có ranh giới rõ ràng giữa các bộ phận về vai trò và chức năng, trong đó bao hàm sự mâu thuẫn giữa các thể chế và thành viên; điều này không những dẫn đến việc làm tê liệt toàn bộ hệ thống an ninh, mà còn khiến xuất hiện những cuộc xung đột mới.

Để phá vỡ vòng luẩn quẩn này, Nga và NATO nên tổ chức một hội nghị hòa bình "Helsinki +" để thiết lập một bộ quy tắc ứng xử đôi bên cùng có thể chấp nhận được trong thế giới đa cực mới.


Vũ Thanh
(Theo R.H.B)
Một NATO 'lỗi thời' khuấy động xung đột để tồn tại
Một NATO 'lỗi thời' khuấy động xung đột để tồn tại

NATO hiện không thực sự có một lý do chính đáng để tiếp tục tồn tại. Vì vậy, họ đang cố gắng tạo ra điều này bằng cách bằng cách cách can thiệp vào một cuộc xung đột đang gây ra sự chú ý của toàn thế giới và khuấy động nó lên để tiếp tục tồn tại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN