Năm 2014 đã khép lại với những biến động to lớn trên phạm vi toàn cầu mà ảnh hưởng của nó còn tác động tới tình hình thế giới nhiều năm sau. Nhưng trong thách thức, luôn có những cơ hội và những câu hỏi lớn về tình hình thế giới trong năm 2015 sẽ định hình tương lai mà chúng ta phải đối mặt. 1. Liệu có tiếp những biến động lớn? Cuối năm 2013, không có nhà phân tích nào đã dự đoán được chính xác 3 sự kiện chi phối toàn bộ tình hình thế giới trong năm 2014 là: cuộc khủng hoảng Ukraine, Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Ebola. Do vậy, việc năm tới có chứng kiến tiếp những sự kiện mang tính bước ngoặt đối với cục diện thế giới hay không phụ thuộc vào 4 điều kiện dưới đây.
Các tay súng trên đường phố ở Iraq. Ảnh: AFP/TTXVN |
Đầu tiên là sự sụp đổ một bộ phận của thế giới Arab đã tạo nên cục diện mới trong bức tranh chính trị thế giới suốt nửa đầu thế kỷ 21. Sự sụp đổ này có thể đến từ các tác động bên ngoài, như cuộc xâm lược Iraq của Mỹ năm 2003, hay đến từ làn sóng Mùa xuân Arab và những toan tính hòng thay thế các thể chế nhà nước tại khu vực vẫn chưa dừng lại.
Điều kiện thứ hai là chiến lược hướng Đông của NATO và tiến trình mở rộng của Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục tạo ra những cọ xát chiến lược với Nga. Khi chiếc thòng lọng này thắt chặt, nước Nga dưới sự lãnh đạo cứng rắn của ông Putin sẽ phải tính cách thoát ra. Do vậy, xung đột tại các quốc gia xung quanh Nga, giống như tại Ukraine, là một kịch bản tiềm ẩn những biến động lớn.
Ba là sự yếu kém kéo dài và về mọi mặt của các thể chế chính trị, xã hội, kinh tế tại ít nhất 15 tới 20 quốc gia châu Phi khiến các nước này trở nên dễ bị tổn thương trước bất kỳ hiểm họa nào, từ dịch bệnh, tới chủ nghĩa tôn giáo cực đoan hay bạo lực chính trị.
Điều kiện quan trọng thứ 4 có thể gây nên xung đột đó là xu hướng tái cấu trúc trật tự quyền lực tại châu Á cùng với sự trỗi dậy không yên ả của Trung Quốc. Với những hành động liên tiếp và ngày càng gia tăng mức độ cứng rắn tại các vùng biển Hoa Đông, Biển Đông trong năm vừa qua, không khó để thấy rằng sẽ còn có thêm các diễn biến bất ngờ khác trong năm 2015 và các năm tiếp sau tại khu vực này.
2. Khủng hoảng tại Trung Đông có diễn biến xấu hơn? Thế giới Arab đang trải qua một tiến trình chuyển đổi, tái cấu trúc và năm 2014 đã chứng kiến 2 sự chuyển đổi lớn.
Ở khía cạnh tích cực có thể thấy Tunisia dường như đã có thành công bước đầu trên con đường củng cố nền dân chủ non nớt của mình. Người dân nước này đã nhất trí hướng tới một bản hiến pháp công nhận nữ quyền, cam kết về một cơ chế xoay vòng quyền lực thông qua lá phiếu, bảo vệ quyền tín ngưỡng và phi tín ngưỡng – những thay đổi đầu tiên kiểu này trong thế giới Arab.
Nhưng khi nhìn khu vực từ một lăng kính khác, bất ổn vẫn bao trùm khu vực này với bước ngoặt chính là sự nổi lên của lực lượng Hồi giáo cực đoan IS. IS không chỉ là một mối đe dọa quân sự, khủng bố đối với khu vực và cộng đồng quốc tế mà còn là đe dọa trực tiếp sự tồn vong của sự đa dạng văn hóa và tôn giáo tại Trung Đông. Nhưng khả năng IS sẽ chưa thể bị đánh bại về mặt quân sự trong năm 2015 nếu không có sự tăng cường lực lượng trên thực địa.
Trong khi đó, căng thẳng tại các nước vùng Vịnh có thể sẽ gia tăng trong năm tới nếu giá dầu mỏ tiếp tục dao động dưới mức 80 USD/thùng. Các nỗ lực của Saudi Arabia và UAE hòng trợ giúp cho Ai Cập thông qua gói viện trợ hàng tỷ USD yếu dần và có thể phá vỡ tình hình kinh tế, chính trị còn mong manh tại quốc gia này.
3. Mối đe dọa "thánh chiến" tại Trung Đông sẽ gia tăng?Chủ nghĩa thánh chiến tại Trung Đông có nguy cở trở thành một khẩu phần trong bữa ăn hàng ngày tại khu vực này trong năm tới. Các nhóm cực đoan như IS đang tiếp tục lớn mạnh về quy mô, tài sản và thành viên bất chấp các nỗ lực quốc tế nhằm kiềm chế chúng.
Được IS truyền cảm hứng, các nhóm thánh chiến khác tại Syria đang truyền bá mô hình bạo lực của chúng. Sự lớn mạnh của chủ nghĩa thánh chiến Hồi giáo sẽ biến các nhóm như IS từ một dạng cấu trúc quyền lực tập trung sang hình thức “khủng bố nhượng quyền”. Do vậy, hoạt động thánh chiến sẽ khó đoán định hơn và khả năng hoạt động của chúng sẽ vượt ra khỏi biên giới Syria và Iraq.
4. Mối đe dọa phổ biến vũ khí hạt nhân sẽ diễn biến thế nào? Iran và 6 cường quốc (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) đã nỗ lực thương lượng về một thỏa thuận dài hạn về chương trình hạt nhân của Tehran song tới nay hai bên vẫn chưa thành công và phải kéo dài thời hạn đàm phán tới tháng 7/2015.
Đạt được thỏa thuận cuối cùng sẽ là một thách thức vì quan điểm các bên trên một loạt các vẫn đề vẫn còn khá xa nhau. Nếu tiến trình đàm phán bị đổ vỡ, Iran có khả năng sẽ nối lại hoạt động làm giàu urani ở mức độ cao hơn mặc dù ít có khả năng Tehran sẽ chế tạo thành công được vũ khí hạt nhân vào năm 2015.
Đối với Triều Tiên, hiện không có cơ chế kiểm soát thành công chương trình vũ khí hạt nhân của nước này. Bình Nhưỡng đã tái khởi động lò phản ứng chế tạo pluton, thử hạt nhân hồi tháng 2/2013 và được cho là thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (dưới dạng một vụ phóng vệ tinh) tháng 12/2012. Sẽ không ngạc nhiên nếu Triều Tiên tiếp tục thử nghiệm một trong hai công nghệ trên vào năm tới.
Nhìn rộng hơn, một số quốc gia như Ai Cập, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng đối mặt với nhiều áp lực đến từ môi trường an ninh ngày càng bất trắc, các vấn đề chính trị trong nước, những điều có thể đẩy họ tới ý tưởng về một chương trình vũ khí hạt nhân.
5. Liệu Châu Âu có thể thực thi một chính sách ngoại giao mạnh mẽ hơn? Trên tất cả các khía cạnh, năm 2015 hứa hẹn sẽ là một năm bận rộn với EU.
Về đối ngoại, Nga – Ukraine là vấn đề khó khăn nhất. EU đã quyết định rằng cơ hội duy nhất để giành được thắng lợi về địa chính trị trước Nga là đảm bảo tiến trình cải cách chính quyền của Tổng thống Petro Poroshenko diễn ra thành công. Với lực lượng gồm 28 thành viên và ngân sách lớn, EU đã sẵn sàng cho cuộc chơi với Moskva.
Năm 2015 sẽ là năm then chốt cho các cuộc thương lượng của Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) với Mỹ. Ủy ban châu Âu đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với TTIP, tuy nhiên, không phải tất cả các quốc gia thành viên đều có cùng mức độ quan tâm với TTIP. Trong khi đó, các nhà hoạt động chống lại thỏa thuận này đã giành được một số thắng lợi trên mặt trận quan hệ công chúng.
Trong nội bộ EU, kinh tế vẫn là vấn đề nổi cộm với các nguy cơ giảm phát và khả năng đồng tiền chung châu Âu rơi vào khủng hoảng. Đe dọa lớn nhất đối với sự thống nhất của châu Âu đến từ Anh khi tháng 5/2015 sẽ diễn cuộc tổng tuyển cử khó dự đoán nhất từ trước tới nay, tại đây, vấn đề “ly khai” khỏi EU sẽ được các đảng phái của Anh đặt ra.
6. Tình trạng bất ổn tại Ukraine có tiếp tục kéo dài?Năm 2015 hứa hẹn sẽ là một năm khó khăn đối với Ukraine. Kinh tế luôn là một vấn đề đau đầu khi dự kiến tăng trưởng của Ukraine sẽ mất đi 7% trong năm nay, còn đồng nội tệ hryvnia đã mất gần 50% giá trị. Dự trữ ngoại tệ đang ở mức báo động, dưới 10 tỷ USD, mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua, chính phủ Ukraine đang phải vật lộn để thanh toán các hóa đơn của mình. Với việc thiếu nguồn thu cho ngân sách, triển vọng vỡ nợ của Ukraine đang đến rất gần.
Lực lượng li khai thuộc CH Nhân dân Donetsk tự xưng gác tại một chốt kiểm soát ở thành phố Horlivka gần Donetsk. Ảnh: AFP-TTXVN |
Đầu năm 2014, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo Ukraine sẽ cần thêm 19 tỷ USD để có thể “sống sót” qua năm 2015, nhưng chưa rõ bao giờ thì số tiền được các thể chế tài chính hứa hẹn này sẽ đến được với Ukraine. Trong khi đó, những cải cách mà nước này phải tiến hành để nhận được tiền hứu hẹn là một vị thuốc đắng và không được lòng dân.
Trong khi phần lớn Quốc hội mới của Ukraine đã công khai ủng hộ chương trình cải cách, các đảng phái chính trị lại đang đe dọa sự cố kết của cơ quan lập pháp và đe dọa rời bỏ chính phủ bấp bênh của ông Poroshenko. Thế giới vẫn còn nhớ sau khi Cách mạng Cam năm 2004 thành công tại Ukraine, liên minh cầm quyền đã bị chia rẽ và sau đó đã bị thế lực của cựu Tổng thống Viktor Yanukovych đánh bại trên chính trường. Hy vọng, giới cầm quyền mới tại Kiev chưa quên những gì đã xảy ra 10 năm trước.
7. Nguy cơ xung đột và các điểm nóng tại châu Á sẽ diễn biến ra sao? Có rất nhiều điểm nóng tiềm ẩn tại châu Á, đa số xuất phát từ những tranh chấp lãnh thổ kéo dài. Tất cả các chính phủ liên quan đều mong muốn những sự cọ xát này sẽ được giữ ở mức thấp nhất có thể. Nhưng có rất nhiều nhân tố đan xen, thay đổi theo mức độ phức tạp của vấn đề. Do vậy, các cuộc xung đột tiềm tàng có thể bùng phát khi nảy sinh sự cố hoặc hiểu nhầm ngoài dự kiến.
Năm 2014 đã chứng kiến sự gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa Trung Quốc với Nhật Bản, Việt Nam, Ấn Độ và Philippines. Quan hệ giữa Đài Loan với Đại lục đã được duy trì tương đối yên ổn trong 6 năm qua, nhưng các cuộc bầu cử vừa qua và sắp tới tại vùng lãnh thổ này đang có chiều hướng đưa quan hệ hai bờ trở lại thời kỳ căng thẳng.
Triều Tiên vẫn là một nhân tố bí ẩn, khó dự đoán, nhất là dưới sự điều hành của một nhà lãnh đạo trẻ, thiếu kinh nghiệm chính trường so với những người tiền nhiệm của dòng họ Kim.
Có những dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh có thể đang chuyển hướng tập trung nhiều hơn vào các vấn đề nội địa trong những tháng tới và hạ nhiệt căng thẳng với các nước láng giềng, nhưng ý định thay đổi hiện trạng cấu trúc khu vực vẫn không thay đổi.
Trong khi người Mỹ phải tập trung giải quyết những vấn đề của mình, Washington sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai mạnh mẽ Chiến lược xoay trục của mình sang châu Á và đây sẽ là nhân tố bất lợi cho tình hình tại khu vực.
8. Trung Quốc sẽ theo đuổi mối quan hệ thế nào với láng giềng? Kể từ khi lên nắm quyền năm 2012, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đặt mối quan hệ với các nước láng giềng lên vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự. Mục tiêu là hiện thực hóa “Giấc mộng Trung Hoa” hòng phục hưng đất nước.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: THX-TTXVN |
Các nước láng giềng của Trung Quốc sẽ hoan nghênh đầu tư của nền kinh tế số 2 thế giới để phát triển hạ tầng, tăng tính kết nối thông qua Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng (AIIB) hay dự án Con đường tơ lụa, nhưng những lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc vẫn chưa được xua tan.
Bất chấp những cái bắt tay giữa ông Tập và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Bắc Kinh và các động thái hạ nhiệt căng thẳng với Việt Nam, Philippines, Trung Quốc vẫn tiếp tục biến một hòn đảo mà họ chiếm trên Biển Đông thành đường băng đầu tiên ở Trường Sa, từ chối tham gia vụ kiện của Philippines tại tòa Trọng tài quốc tế.
Trong năm 2015, Trung Quốc sẽ tiếp tục sử dụng con bài kinh tế để thực hiện giấc mộng của mình đối với tất cả các nước châu Á – Thái Bình Dương. Về các vấn đề liên quan tới chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, Bắc Kinh cũng sẽ không kém cương quyết hơn. Nỗ lực tranh giành ảnh hưởng lớn hơn sẽ giúp Trung Quốc xây dựng được các mối quan hệ hợp tác và ổn định với nhiều nước. Tuy vậy, Bắc Kinh cũng sẽ nhận thấy rằng chỉ tiền thôi chưa đủ để mua được những láng giềng hữu hảo.
9. Kinh tế thế giới sẽ ra sao trong năm 2015? Sáu năm sau khi khủng hoảng tài chính bùng phát, tỷ lệ thất nghiệp tại các nền kinh tế phát triển vẫn ở mức cao, nhiều nước đang phát triển lâm vào tình trạng trì trệ. Dự báo, năm 2015 kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng thấp hơn so với thời gian trước đó và sẽ dao động ở mức gần 2,5% so với con số 3% mà kinh tế thế giới đạt được trong 25 năm qua. Điểm sáng của kinh tế đó là ở một số khu vực các nước đang phát triển, mức sống của người dân sẽ được tăng lên và tỷ lệ thất nghiệp ở các nền kinh tế phát triển sẽ giảm xuống.
Đối với nền kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi, một đồng đô la mạnh và giá xăng thấp hơn sẽ khiến chi phí sinh hoạt giảm, giúp các gia đình Mỹ tiết kiệm được một khoản chi tiêu. Do vậy, lần đầu tiên sau một thời gian dài, năm 2015 sẽ chứng kiến sức mua tại Mỹ tăng trở lại.
Tóm lại, mức tăng trưởng nhanh tiếp tục được duy trì tại nhiều nền kinh tế đang phát triển (Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, vùng hạ Sahara), sự phục hồi của kinh tế Mỹ, Anh, các chính sách tiền tệ lới lỏng, chi tiêu chính phủ bị cắt giảm ít hơn, giá dầu thấp là những động lực để đẩy cỗ máy kinh tế thế giới tiến lên phía trước trong năm tới. Những động lực này đủ mạnh để đảm bảo rằng chúng ta có thể tránh được một cuộc suy thoái toàn cầu.
Tuy nhiên, những làn gió ngược chiều vẫn rất mạnh. Khu vực Eurozone và những đối tác thương mại của khối này ở phía Đông và Nam Âu vẫn đang loay hoay tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công. Khủng hoảng tại Ukraine, khả năng rơi vào suy thoái của kinh tế Nga, về mặt kỹ thuật, chỉ tác động nhẹ tới châu Âu, nhưng những hệ lụy của nó đối với niềm tin doanh nghiệp, đặc biệt là tại Đức, là không thể xem nhẹ.
10. Bất ngờ nào cho năm 2015? Một trong những bất ngờ chính trong năm 2015 đó là những sự kiện từng gây chấn động trong năm 2014 đã mất đi lực đẩy của nó. Dịch bệnh Ebola, sự nổi lên của IS sẽ không còn là những vấn đề đau đầu khi quốc tế đã chung tay giải quyết từng bước các điểm nóng này.
Nhân viên y tế Guinea làm việc tại trung tâm chữa trị Ebola Donka ở thủ đô Conakry. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Dịch Ebola sẽ tiếp tục cướp đi sự sống của nhiều người. Tuy nhiên, rất may là tới nay những dự báo tồi tệ nhất về dịch bệnh này đã không thành hiện thực. Kịch bản tồi tệ nhất của Ebola sẽ là có 1,4 triệu ca nhiễm mới cho tới tháng 1/2015 và hàng trăm nghìn người thiệt mạng đã không xảy ra. Như vậy, Ebola có thể không yếu đi nhưng có vẻ nó sẽ không trở thành một dịch bệnh toàn cầu.
Điều tương tự cũng sẽ đến với IS khi tổ chức này sẽ tiếp tục hoạt động mạnh và giành một số thắng lợi ở Syria và Iraq, mạng lưới của IS, các cá nhân, tổ chức lấy cảm hứng từ tổ chức này sẽ tiếp tục tìm kiếm các mục tiêu tấn công ở nhiều nước khác. Nhưng năng lực tài chính, khả năng lãnh đạo, sự cơ động và vũ khí hay nói chung là sức mạnh quân sự của IS sẽ suy yếu.
Thái Nguyễn