06:09 01/06/2011

Phân phối hàng hóa còn quá nhiều cấp trung gian

Việt Nam nằm trong top 15 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Các DN phân phối bán lẻ Việt Nam đã nỗ lực vượt qua suy thoái, làm cầu nối hữu hiệu giữa SX tiêu dùng và tham gia bình ổn thị trường, tích cực đóng góp vào cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Việt Nam nằm trong top 15 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp phân phối bán lẻ Việt Nam đã nỗ lực vượt qua suy thoái, làm cầu nối hữu hiệu giữa sản xuất tiêu dùng và tham gia bình ổn thị trường, tích cực đóng góp vào cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tuy nhiên, hệ thống phân phối vẫn còn những tồn tại cần tập trung khắc phục, đó là thiếu chiến lược phát triển cho thị trường bán lẻ ở cả 3 cấp độ Nhà nước, ngành công thương và doanh nghiệp; tính chuyên nghiệp của lực lượng các nhà phân phối bán lẻ Việt Nam, đặc biệt là quản trị doanh nghiệp và nguồn nhân lực chưa cao. Ông Nguyễn Lộc An, Vụ Phó Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương đã trao đổi với phóng viên TTXVN xung quanh vấn đề hệ thống phân phối hiện nay.

Khách hàng mua sắm tại siêu thị Co.opMart Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP.HCM. Ảnh: Kim Phương-TTXVN


Giá cả nhiều loại hàng hóa thiết yếu như gas, phân bón, sắt thép đang bị “làm giá” qua các tầng nấc trung gian phân phối. Xin ông cho biết quan điểm về vấn đề này?

Thực tế hiện nay hệ thống phân phối hàng hóa nói chung và các mặt hàng thiết yếu nói riêng của Việt Nam còn yếu. Thời gian qua, mặc dù đã được Nhà nước và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong nước quan tâm xây dựng nhưng do còn thiếu sự liên kết lành mạnh, chặt chẽ giữa các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh cũng như sự gắn kết giữa các địa phương với nhau và các doanh nghiệp nên hoạt động phân phối hàng hóa còn qua nhiều cấp trung gian, chồng chéo, cơ quan quản lý và bản thân doanh nghiệp khó kiểm soát được giá bán và chất lượng hàng hóa khi đến tay người tiêu dùng. Theo quan điểm của tôi, nguyên nhân là do trong hệ thống phân phối còn quá nhiều loại hình tổ chức mua bán và thương nhân nhỏ lẻ (chợ, cửa hàng độc lập, hộ kinh doanh cá thể) chưa được định hình phát triển, chưa được tổ chức thành một khối liên kết, hoạt động tự do và độc lập, làm cho thị trường trở nên manh mún, tản mạn, lộn xộn, kinh doanh chụp giật theo từng lô hàng, từng sự vụ. Ít doanh nghiệp, hộ kinh doanh có chiến lược kinh doanh ổn định, dài hạn để khẳng định thương hiệu của mình một cách bền vững.

Theo ông, hệ thống phân phối bán sỉ và bán lẻ các hàng hóa thiết yếu này cần được xây dựng và quản lý theo hướng nào để thu hẹp khoảng cách giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng?

Cũng từ những nguyên nhân trên, để thu hẹp khoảng cách giữa sản xuất và tiêu dùng, bản thân các nhà sản xuất cũng phải tự xây dựng và tổ chức một hệ thống phân phối hàng hóa sâu rộng để có thể cung ứng và kiểm soát một cách tốt nhất giá cả và chất lượng hàng hóa của mình đến tay người tiêu dùng, giảm bớt những khâu trung gian không cần thiết. Đối với những mặt hàng thiết yếu, Nhà nước nên lựa chọn một số doanh nghiệp có nguồn cung lớn hoặc các doanh nghiệp phân phối lớn, yêu cầu và hỗ trợ các doanh nghiệp đó xây dựng mạng lưới phân phối vững chắc, trước hết là đến các vùng có sức tiêu thụ lớn và thường xảy ra bất ổn thị trường. Trên cơ sở hệ thống phân phối này, Nhà nước và doanh nghiệp có thể cung ứng hàng hóa với giá cả hợp lý đến người tiêu dùng, đồng thời có thể dễ dàng can thiệp để ổn định thị trường khi cần thiết.

Là một trong những cơ quan quản lý nhà nước có nhiệm vụ bình ổn thị trường, Bộ Công Thương sẽ có các giải pháp, chương trình cụ thể gì để hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển hệ thống phân phối, nhất là hệ thống phân phối bán lẻ?

Việc xây dựng được hệ thống phân phối hàng hóa rộng khắp, hoạt động hiệu quả, giúp Nhà nước và doanh nghiệp có thể kiểm soát được luồng lưu thông của hàng hóa từ nơi sản xuất, nhập khẩu qua hệ thống bán lẻ và đến người tiêu dùng đang được Chính phủ rất quan tâm. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng Đề án phát triển và tăng cường quản lý nhà nước đối với hệ thống phân phối trên thị trường bán lẻ Việt Nam, trên cơ sở đó Bộ cũng đã chủ trì và phối hợp thực hiện việc xây dựng một số đề án quy hoạch hệ thống sản xuất và phân phối đối với một số mặt hàng thiết yếu như phân bón, thép, xăng dầu, lương thực... để định hướng cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tổ chức hệ thống phân phối một cách chuyên nghiệp.

Trên cơ sở các hệ thống phân phối bán lẻ đã được hình thành, để bình ổn thị trường, Bộ Công Thương đang xây dựng chính sách dự trữ lưu thông bắt buộc đối với một số hàng hóa thiết yếu, chủ động nắm nguồn cung để có thể đưa vào hệ thống phân phối bán lẻ nhằm nhanh chóng bình ổn thị trường khi có biến động mất cân đối cung cầu, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh.

Uyên Hương