Ngày 24/1, Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto nhấn mạnh nước này phải cân nhắc việc gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà không có Thụy Điển, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố họ khó lòng ủng hộ Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự này sau vụ đốt bản sao kinh Koran ở Stockholm.
Phát biểu trên Đài truyền hình Yle, Ngoại trưởng Haavisto cho rằng sẽ có sự chậm trễ (trong việc nhận được sự chấp thuận của Thổ Nhĩ Kỳ) và điều này chắc chắn sẽ kéo dài cho đến cuộc bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ vào giữa tháng 5 tới. Ông cũng nêu rõ các cuộc biểu tình chống Thổ Nhĩ Kỳ ở Thụy Điển "rõ ràng đã cản trở tiến trình" gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển. Tuy nhiên, theo ông, việc hai nước này gia nhập NATO cùng thời điểm vẫn là "lựa chọn ưu tiên".
Trước đó, ngày 21/1, chính trị gia cực hữu mang 2 quốc tịch Đan Mạch - Thụy Điển, ông Rasmus Paludan, đã đốt một bản sao của kinh Koran bên ngoài Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở thủ đô Stockholm của Thụy Điển. Hai ngày sau đó, trong phản ứng chính thức đầu tiên trước hành động này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố: "Thụy Điển đừng mong đợi sự ủng hộ của chúng tôi đối với việc gia nhập NATO".
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích với ngôn từ mạnh nhất có thể đối với hành động đốt kinh Koran. Nhiều quốc gia Arab khác như Saudi Arabia, Jordan và Kuwait cũng đã chỉ trích hành động đốt kinh Koran.
Tháng 5 năm ngoái, Phần Lan và Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập NATO. Theo quy định, đơn này cần được sự chấp thuận của toàn bộ 30 nước thành viên của NATO. Hiện đã có 28 nước chấp thuận việc này. Hungary cho biết nước này dự kiến sẽ chấp thuận đơn xin gia nhập của Phần Lan vào tháng 2/2023. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Phần Lan và Thụy Điển che giấu các tay súng mà Ankara truy nã, vì vậy cho rằng hai nước này cần làm nhiều hơn nữa trước khi đơn xin gia nhập NATO được chấp thuận.