11:11 25/11/2010

Phần III: Quyết tâm thực hiện thành công tái cơ cấu Vinashin

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, năm 1993, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết về phát triển kinh tế biển, chủ trương phát triển đồng bộ về cảng, đội tàu, dịch vụ hàng hải, đầu tư chiều sâu để nâng cao năng lực sửa chữa và đóng tàu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, năm 1993, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết về phát triển kinh tế biển, chủ trương phát triển đồng bộ về cảng, đội tàu, dịch vụ hàng hải, đầu tư chiều sâu để nâng cao năng lực sửa chữa và đóng tàu. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo việc sắp xếp lại ngành đóng và sửa chữa phương tiện thủy để xây dựng và phát triển công nghiệp đóng tàu thành một ngành công nghiệp mũi nhọn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng. Năm 1996 đã quyết định thành lập Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin - Tổng Công ty 91) trên cơ sở tổ chức lại các cơ sở nghiên cứu, các doanh nghiệp chuyên ngành thuộc Bộ Giao thông Vận tải và một số địa phương với vốn điều lệ 100 tỷ đồng từ 23 đơn vị thành viên, 7.000 lao động, chỉ đóng được tàu có trọng tải dưới 3.000 tấn.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa IX) của Đảng về sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước và Chiến lược phát triển ngành Cơ khí, tháng 5/2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thí điểm và quyết định thành lập Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam trên cơ sở Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy, kinh doanh đa ngành, trong đó ngành công nghiệp đóng mới, sửa chữa tàu thủy và vận tải biển là ngành kinh doanh chính, làm nòng cốt để phát triển ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam.

Giai đoạn 1996 - 2008, tốc độ tăng trưởng bình quân của Vinashin hàng năm đạt 35 - 40%, kinh doanh đều có lãi (theo kết quả kiểm toán độc lập, lợi nhuận trước thuế năm 2005 là 126,5 tỷ đồng, năm 2006 là 503,3 tỷ đồng, năm 2007 là 858,8 tỷ đồng, năm 2008 là 645,1 tỷ đồng); đến hết năm 2009 đã đóng góp vào ngân sách nhà nước trên 3.300 tỷ đồng. Tập đoàn đã có bước phát triển đáng kể về năng lực đóng và sửa chữa tàu biển; đến năm 2008, có đội ngũ lao động gần 70 nghìn người, trong đó, trình độ đại học và trên đại học hơn 12 nghìn, công nhân kỹ thuật trên 55 nghìn. Tính đến đầu năm 2009, Tập đoàn đã có số đơn đặt hàng đóng tàu với tổng giá trị gần 12 tỷ USD; đã hoàn thành đóng và bàn giao 279 tàu trị giá trên 1,8 tỷ USD, bao gồm: 59 tàu trọng tải 6.500 và 15.000 tấn, 9 tàu 22.500 và 34.000 tấn, 9 tàu 53.000 tấn, 6 tàu container, 1 tàu chở ô tô 4.900 xe, 1 kho nổi chứa xuất dầu thô 150.000 tấn với trang thiết bị hiện đại và nhiều loại tàu khác. Trong số tàu trên, đã xuất khẩu 155 tàu, trị giá trên 1,1 tỷ USD.

Từ cuối năm 2008, Vinashin gặp nhiều khó khăn, sản xuất kinh doanh bị đình trệ, không thu xếp được vốn để thực hiện các hợp đồng đã ký. Tập đoàn lâm vào tình trạng thua lỗ (năm 2009 lỗ 1.600 tỷ đồng). Thực trạng này có nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều chủ tàu đã hủy hợp đồng (từ đơn hàng có giá trị gần 12 tỷ USD xuống chỉ còn trên 2 tỷ). Song nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, trước hết là do việc cố ý làm trái, báo cáo không trung thực và yếu kém của lãnh đạo Tập đoàn trong quản trị doanh nghiệp, quản lý tài chính và đầu tư, phát triển thêm quá nhiều doanh nghiệp và ngành nghề kinh doanh… Trong khi đó, một số cơ quan chức năng thuộc Chính phủ chưa thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu đối với Tập đoàn.

Khi được các cơ quan chức năng báo cáo tình hình quản lý yếu kém và sai trái của lãnh đạo Vinashin, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ chức năng, bộ quản lý ngành liên tục theo sát để tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh và yêu cầu cắt giảm từ 106 dự án với tổng mức đầu tư gần 64 nghìn tỷ đồng xuống còn 28 dự án với tổng mức đầu tư gần 25 nghìn tỷ đồng. Riêng giai đoạn 2010 - 2011, chỉ thực hiện 13 dự án đang đầu tư dở dang với tổng mức đầu tư gần 2 nghìn tỷ đồng. Tháng 7/2009, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành để nghiên cứu đề xuất phương án tái cơ cấu Tập đoàn; đồng thời, đã yêu cầu Tập đoàn nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, lãnh đạo các đơn vị thành viên và yêu cầu các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, điều tra xử lý nghiêm các sai phạm theo pháp luật.

Theo báo cáo của Tổ công tác và Hội đồng quản trị tập đoàn Vinashin, đến ngày 30/6/2010, tổng số nợ của Tập đoàn là hơn 86 nghìn tỷ đồng, trong đó nợ đến hạn phải trả trên 14 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu bằng gần 11 lần. Tập đoàn rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính nghiêm trọng, sản xuất đình đốn, nợ lương, nợ bảo hiểm đối với người lao động, công nhân chuyển việc, bỏ việc gần 17.000 người, mất việc gần 5.000 người.

Số nợ vay 86 nghìn tỷ đồng và số vốn chủ sở hữu hơn 8.000 tỷ đồng đang nằm trong tổng giá trị tài sản của Tập đoàn trên sổ sách là hơn 104 nghìn tỷ đồng. Giá trị thực tế của mỗi tài sản cũng có thể cao hơn, bằng hoặc thấp hơn trên sổ sách, hiện đang được rà soát đánh giá cụ thể. Các tài sản này đang được quản lý ở các đơn vị và doanh nghiệp thuộc Tập đoàn, trong đó có 110 cơ sở sản xuất, với 28 nhà máy đóng tàu đang hoạt động có cơ sở vật chất kỹ thuật khá tốt, 14 nhà máy đóng tàu đang thực hiện đầu tư; các cơ sở sản xuất công nghiệp phụ trợ; các dự án khu công nghiệp, cảng biển và đội tàu vận tải biển 700 nghìn tấn trọng tải… Như vậy, con số 86 nghìn tỷ nợ vay của Tập đoàn không phải là số tiền mà Vinashin đã thua lỗ, thất thoát.
Hiện nay, Thanh tra Chính phủ đang hoàn chỉnh kết luận thanh tra toàn diện Vinashin, kiểm toán độc lập đang kiểm toán kết quả kinh doanh năm 2010 và lãnh đạo Tập đoàn cũng đang rà soát đánh giá lại cụ thể để có con số cập nhật chính xác về tình hình tài chính, tài sản của Tập đoàn.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ đã nghiêm túc kiểm điểm và thảo luận phân tích tình hình các mặt, xác định nguyên nhân, trách nhiệm và đề ra kế hoạch cụ thể với hai yêu cầu là: Chấn chỉnh và xử lý khó khăn, tạo điều kiện để Vinashin sớm ổn định, phục hồi sản xuất kinh doanh, từng bước giảm lỗ, có lãi, trả được nợ, tích lũy và phát triển; Tập trung hoàn thiện thể chế cơ chế, nâng cao trách nhiệm, hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước, không để xảy ra tình trạng như Vinashin.

Bộ Chính trị đã nghe Chính phủ báo cáo và đã có kết luận chỉ đạo toàn diện về việc kiện toàn và xây dựng, phát triển Tập đoàn Vinashin. Kết luận này của Bộ Chính trị đã được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.

Thực hiện nghiêm túc kết luận của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã có các Chỉ thị và đã thành lập Ban Chỉ đạo tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy do Phó Thủ tướng Thường trực làm Trưởng ban; đã tăng cường Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, kiện toàn một bước tổ chức và quy chế hoạt động của Tập đoàn.

Ngày 18/11/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu Vinashin với mục tiêu là sớm ổn định sản xuất kinh doanh, củng cố uy tín, thương hiệu, giảm lỗ, có lãi, từng bước trả được nợ, tích lũy và phát triển; xây dựng Tập đoàn làm nòng cốt của ngành công nghiệp tàu biển, là ngành mũi nhọn để phát triển kinh tế hàng hải và thực hiện Chiến lược Biển. Theo đó, đến 2013, Vinashin sau khi hoàn thành Đề án tái cơ cấu sẽ còn 43 đơn vị và doanh nghiệp hoạt động chuyên môn hoá, tập trung vào 3 lĩnh vực chính là đóng và sửa chữa tàu biển, công nghiệp hỗ trợ và đào tạo công nhân kỹ thuật chuyên ngành.

Đối với các đơn vị không tiếp tục nằm trong cơ cấu của Tập đoàn với tổng tài sản hơn 27 nghìn tỷ đồng, nợ phải trả trên 23 nghìn tỷ đồng, số lao động khoảng 13 nghìn người sẽ được sắp xếp lại phù hợp, đúng pháp luật, theo các hình thức: Cổ phần hóa, bán doanh nghiệp, bán nợ, chuyển nợ thành vốn góp, chuyển nhượng phần vốn góp, giải thể, phá sản...; bảo đảm các yêu cầu về quyền lợi, nghĩa vụ hợp pháp của nhà đầu tư, người lao động; thu hồi tối đa các khoản vốn đã đầu tư, trả được nợ; tập trung vào thực hiện nhiệm vụ chính của Tập đoàn.

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, cơ quan chức năng tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu đối với Vinashin, tập trung chỉ đạo, hỗ trợ để Tập đoàn thực hiện có kết quả Đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt.

Tuy khó khăn còn rất lớn nhưng việc triển khai các giải pháp tái cơ cấu Vinashin đã có kết quả bước đầu tích cực. Đã chấn chỉnh, kiện toàn một bước về tư tưởng, tổ chức, đội ngũ cán bộ và quy chế quản lý nội bộ của Tập đoàn. Đến nay, về cơ bản, sản xuất kinh doanh được duy trì và có bước phục hồi. Từ đầu năm đến ngày 18/11/2010, Tập đoàn đã giao được 36 tàu với giá trị hợp đồng trên 280 triệu USD, trong đó có 21 tàu xuất khẩu. Từ nay đến cuối năm sẽ giao thêm 21 tàu với tổng giá trị gần 293 triệu USD, trong đó có 7 tàu xuất khẩu. Tập đoàn đang phấn đấu giao thêm 9 tàu nữa, nâng tổng số tàu dự kiến giao trong năm 2010 lên 66 tàu với tổng giá trị gần 600 triệu USD. Các doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn cũng đang tích cực hoàn thành các con tàu đang đóng và tìm thêm các hợp đồng mới để khai thác tối đa cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có. Một số khách hàng trong và ngoài nước đã ký thêm các hợp đồng đóng mới với Tập đoàn. Năm 2010 doanh thu của Tập đoàn dự kiến sẽ đạt 14 - 15 nghìn tỷ đồng và lỗ kinh doanh sẽ ít hơn năm 2009.

30 doanh nghiệp và 5 dự án được chuyển giao sang Tập đoàn Dầu khí và Tổng công ty Hàng hải đều phù hợp với ngành nghề chính và cũng là thế mạnh của hai doanh nghiệp này. Đến nay, hầu hết đã phục hồi sản xuất, hoạt động trở lại, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động, có triển vọng phát triển, trả được nợ và có lãi. Tàu Hoa Sen chuyển giao cho Tổng Công ty Hàng hải cũng đã có phương án khai thác.

Trong thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương, các ngân hàng và các đối tác làm ăn với Vinashin cả trong và ngoài nước đã tích cực hợp tác, hỗ trợ, tạo điều kiện để Vinashin bước đầu phục hồi sản xuất, bán được hàng và có trả nợ. Nợ lương và bảo hiểm xã hội từng bước được giải quyết và dự kiến sẽ giải quyết xong trong năm 2010. Người lao động cơ bản đã yên tâm làm việc. Lãnh đạo mới của Tập đoàn đang khẩn trương xây dựng phương án sản xuất kinh doanh với quyết tâm rất cao là sớm thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu Tập đoàn.

Thủ tướng cho biết thêm, để tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước, sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế cơ chế quản lý về đầu tư, sử dụng vốn và tài sản nhà nước; về giám sát, kiểm tra, thanh tra; về tổ chức thực hiện chức năng của chủ sở hữu đối với tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước để vừa nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý của chủ sở hữu, vừa tạo điều kiện để các doanh nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm, năng động sáng tạo trong quản lý sản xuất kinh doanh theo pháp luật. Không quay lại cơ chế cơ quan hành chính nhà nước can thiệp trực tiếp vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chính phủ sẽ sớm trình Quốc hội ban hành Luật về sử dụng vốn và tài sản nhà nước đầu tư vào kinh doanh... Tập trung sức xây dựng các tập đoàn và tổng công ty nhà nước đủ mạnh, thực sự hoạt động theo cơ chế thị trường, cạnh tranh bình đẳng, có hiệu quả cao, góp phần thực hiện tốt vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa...

Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình là phải thực hiện tốt nhất chức trách nhiệm vụ được giao, tập trung sức thực hiện có kết quả Kết luận chỉ đạo của Bộ Chính trị và thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu Vinashin, không để xảy ra vụ việc tương tự Vinashin.

TTN/TTXVN