11:11 25/11/2010

Phần II: Khai thác bôxít có hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo đảm an toàn về môi trường và an ninh, quốc phòng

Theo Thủ tướng, tài nguyên quặng bôxít để sản xuất alumin, nhôm của nước ta là rất lớn, trữ lượng dự báo khoảng 11 tỷ tấn, tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên. Việt Nam là nước có trữ lượng bôxít hàng đầu thế giới, có thể cung cấp lâu dài nguyên liệu để phát triển ngành công nghiệp alumin, nhôm ở nước ta.

Theo Thủ tướng, tài nguyên quặng bôxít để sản xuất alumin, nhôm của nước ta là rất lớn, trữ lượng dự báo khoảng 11 tỷ tấn, tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên. Việt Nam là nước có trữ lượng bôxít hàng đầu thế giới, có thể cung cấp lâu dài nguyên liệu để phát triển ngành công nghiệp alumin, nhôm ở nước ta.

Việc thăm dò, khai thác, chế biến bôxít là chủ trương nhất quán từ Đại hội IX và Đại hội X của Đảng. Để triển khai chủ trương này, trong 2 nhiệm kỳ qua, Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Quốc hội. Các chủ trương, chỉ đạo đã nêu rõ việc khai thác, chế biến bôxít gắn với xây dựng ngành công nghiệp sản xuất alumin, nhôm nhằm phục vụ phát triển kinh tế của đất nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Tây Nguyên. Nhà nước cần tập trung đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư. Việc triển khai phải bảo đảm lợi ích trước mắt, lâu dài và bền vững; có bước đi thích hợp, từ nhỏ đến lớn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh, quốc phòng; sử dụng thiết bị và công nghệ hiện đại. Trên cơ sở kết quả của 2 dự án Tân Rai và Nhân Cơ, các cơ quan chức năng tổ chức rút kinh nghiệm để bổ sung hoàn chỉnh quy hoạch và kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo.

Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành chức năng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản và các địa phương liên quan thực hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước; trong đó đã chỉ đạo xây dựng, thẩm định, phê duyệt Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác chế biến, sử dụng quặng bôxít giai đoạn 2007 - 2015, có xét đến 2025 theo đúng quy định của pháp luật, với bước đi cụ thể, gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng Tây Nguyên và quy hoạch mạng lưới kết cấu hạ tầng (giao thông vận tải, cảng biển, điện, nước...). Trên cơ sở kết quả điều tra mới nhất về trữ lượng bôxít và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, ý kiến góp ý của một số đại biểu Quốc hội, cán bộ lão thành cách mạng, nhà khoa học…, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì rà soát, bổ sung và hoàn chỉnh Quy hoạch chung về bôxít, lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược cho Quy hoạch này và khẩn trương trình duyệt theo quy định; đồng thời, tập trung chỉ đạo triển khai thí điểm 2 dự án Tân Rai và Nhân Cơ.
Thủ tướng Chính phủ đã giao Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản làm chủ đầu tư triển khai thí điểm 2 dự án khai thác, chế biến bôxít. Quá trình lập, thẩm định và phê duyệt 2 dự án này được tiến hành chặt chẽ theo đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Các địa phương Lâm Đồng và Đắk Nông đều mong muốn và ủng hộ việc triển khai dự án.

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII, một số đại biểu Quốc hội đã có ý kiến về các dự án bôxít Tây Nguyên. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành thực hiện việc kiểm tra, tính toán, đánh giá lại hiệu quả kinh tế và tác động môi trường đối với các dự án, đặc biệt chú ý thẩm định thiết kế kỹ thuật hồ bùn đỏ, bảo đảm an toàn lâu dài đối với môi trường. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu, căn cứ vào kết quả đánh giá lại, nếu dự án thực sự hiệu quả và bảo đảm chặt chẽ yêu cầu về môi trường mới tiếp tục triển khai. Bộ Công Thương đã thành lập Hội đồng kiểm tra liên ngành gồm 19 thành viên từ các bộ, ngành và các nhà khoa học, các chuyên gia hàng đầu. Hội đồng đã đánh giá hiệu quả kinh tế, đã thẩm định thiết kế kỹ thuật hồ bùn đỏ, cơ bản thống nhất với các giải pháp đã thiết kế.

Việc thẩm định các dự án đã được các Hội đồng thẩm định do Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập, tiến hành thẩm định nghiêm túc, thận trọng và đã khẳng định các dự án có hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo đảm an toàn về môi trường và an ninh, quốc phòng.

Hai dự án này đều do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản là doanh nghiệp Nhà nước làm chủ đầu tư, không liên doanh với nước ngoài. Tập đoàn nhôm Trung Quốc là đơn vị được thuê làm tổng thầu EPC - xây dựng nhà máy theo hình thức chìa khóa trao tay và sẽ bàn giao nhà máy cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam sau 2 năm xây dựng.

Về môi trường, ở những nơi có quặng bôxít, lớp đất mặt không thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp và ở đó mật độ rừng che phủ cũng thấp. Việc khai thác bôxít gắn với hoàn thổ, cải tạo đất trong thời gian khoảng 4 - 5 năm. Như vậy, chính việc khai thác bôxít sẽ là điều kiện để cải tạo đất tốt hơn cho phát triển cây công nghiệp và trồng rừng ở Tây Nguyên.

Trong quá trình triển khai dự án, việc xử lý bùn đỏ đã được xem xét, thẩm định, phê duyệt theo đúng quy định. Nhưng ngay sau khi có sự cố vỡ hồ bùn đỏ ở Hunggari và sự quan tâm góp ý của một số đại biểu Quốc hội, cán bộ lão thành cách mạng, nhà khoa học…, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản rà soát lại các hạng mục công trình của dự án và các giải pháp xây dựng, vận hành hồ bùn đỏ. Yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản thuê tư vấn nước ngoài có kinh nghiệm để thẩm định lại, trên cơ sở đó hoàn thiện thiết kế hồ bùn đỏ của các dự án; đồng thời giao Bộ Công Thương tổ chức đoàn khảo sát sự cố hồ bùn đỏ ở Hunggari.

Bộ Công Thương và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản đã nghiêm túc triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng; trong đó, đã bổ sung các giải pháp kỹ thuật về thoát nước; đang lựa chọn tổ chức tư vấn độc lập nước ngoài có kinh nghiệm để thẩm định lại thiết kế kỹ thuật hồ bùn đỏ dự án Tân Rai; đã làm việc với tư vấn thiết kế để nghiên cứu thêm phương án thải khô đối với dự án Nhân Cơ; đang xây dựng để ban hành các tiêu chuẩn về bùn đỏ, thiết kế và lập quy trình vận hành hồ bùn đỏ đảm bảo an toàn và bền vững cho dự án.

Bộ Công Thương cũng đã tổ chức đoàn khảo sát, đánh giá về các vấn đề liên quan đến dự án Tân Rai, Nhân Cơ với sự tham gia của đại diện các cơ quan của Đảng, Quốc hội, các bộ, ngành liên quan của Chính phủ, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật; các chuyên gia, các nhà khoa học.

Hiện nay, dự án Tân Rai đã hoàn thành nhiều hạng mục, dự kiến tháng 4/2011 sẽ có alumin thương phẩm. Dự án Nhân Cơ đang hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư, dự kiến đầu năm 2011 sẽ khởi công xây dựng và đưa nhà máy vận hành vào cuối năm 2012.

Thủ tướng khẳng định, 2 dự án thí điểm Tân Rai và Nhân Cơ đang được triển khai theo đúng chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Việc lập và thẩm định dự án đã được tiến hành nghiêm túc, thận trọng, có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành. Ngay sau khi có các ý kiến về hiệu quả của dự án và sự an toàn của hồ bùn đỏ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành chức năng và chủ đầu tư nghiêm túc nghiên cứu rà soát đánh giá lại các vấn đề liên quan. Hội đồng đánh giá liên ngành đã khẳng định hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án. Riêng về vấn đề an toàn hồ bùn đỏ, đoàn khảo sát ở Hungari đã có báo cáo đánh giá giải pháp công nghệ và quản lý hồ bùn đỏ Tân Rai là hiện đại, có độ an toàn cao. Tuy vậy, sau khi có kết luận thẩm định lại của tư vấn nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét quyết định và chỉ tiếp tục thực hiện dự án khi bảo đảm an toàn về môi trường.

TTN/TTXVN