Điện Biên:

'Lợn chết đột ngột' là do bệnh tiêu chảy

Trước thông tin “lợn ở xã Thanh Xương, huyện Điện Biên chết đột ngột, chưa rõ nguyên nhân” gây hoang mang đối với người tiêu dùng và người chăn nuôi lợn trên địa bàn khu vực lòng chảo Mường Thanh (tỉnh Điện Biên), ngày 12/3, trao đổi với phóng viên TTXVN , bà Cao Thị Tuyết Lan - Chi Cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Điện Biên khẳng định: “Lợn chết đột ngột” xảy ra trên địa bàn xã Thanh Xương là do bị bệnh tiêu chảy. Đây là hội chứng tiêu chảy xảy ra đối với lợn do thời tiết chuyển mùa, không phải do bị dịch tai xanh”.

Theo Phiếu trả lời xét nghiệm số 105 TTCĐ/XN (ngày 28/2/2013) và số 106 TTCĐ/XN (ngày 1/3/2013) của Trung tâm chẩn đoán Thú Y Trung ương (Cục Thú y) đối với 2 mẫu bệnh phẩm Chi cục Thú y tỉnh Điện Biên lấy từ lợn chết của người dân địa bàn xã Thanh Xương gửi về xết nghiệm đều cho kết quả âm tính với virus dịch tai xanh.

Việc lợn chết “đột ngột” trên địa bàn xã Thanh Xương, huyện Điện Biên xảy ra trong khoảng thời gian từ cuối tháng 2/1013, trên địa bàn đội 8, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên. Ngày 27/2, đàn lợn của gia đình anh Đỗ Văn Thành ở đội 8, xã Thanh Xương có 2 con bị chết. Gia đình đã tự ý đi mua thuốc kháng sinh về điều trị cho lợn nhưng không khỏi, một ngày sau đàn lợn của hộ dân này tiếp tục chết 2 con.

Lúc đó anh Thành mới đi báo với cơ quan chuyên môn về thực trạng và xin tư vấn điều trị. Ngày 28/2 Chi cục Thú y đã cử cán bộ xuống cơ sở để kiểm tra tình hình, hướng dẫn phác đồ điều trị cho hộ gia đình và nhân dân tại địa phương. Cho đến thời điểm này, nhờ phác đồ điều trị của cơ quan chuyên môn, số lợn của anh Đỗ Văn Thành còn 4 con đã trở lại trạng thái bình thường.

Cũng theo bà Lan, việc lợn bị tiêu chảy ở địa bàn xã Thanh Xương, người dân không hiểu biết về bệnh của lợn nên không tuân thủ nguyên tắc điều trị bệnh cho vật nuôi. Người dân vẫn cho lợn ăn cám bình thường mà không chú trọng đến việc phải thay đổi chế độ dinh dưỡng cho lợn (nấu cháo cho lợn), không có thuốc trợ lực, tăng đề kháng cho lợn.

Trước thực tế này, bà Lan cũng lưu ý với người dân nếu có biểu hiện khác lạ hay xảy ra rủi ro đối với vật nuôi, người chăn nuôi cần nhanh chóng thông tin cho cơ quan chức năng biết để có sự can thiệp, xử lý; tránh tình trạng điều trị, chăm sóc vật nuôi khi thiếu sự hiểu biết về phương pháp điều trị bệnh mà vật nuôi đang mắc phải để tránh thiệt hại không đáng có xảy ra.


Về vấn đề tin đồn “lợn chết đột ngột do dịch tai xanh”, bà Lan khuyến cáo: Người chăn nuôi cần bình tĩnh, tỉnh táo để xác định nguồn tin, không nên tin vào lời đồn đoán khi nguồn tin ấy chưa qua thẩm định, công bố của cơ quan chức năng. Rất có thể, những tin đồn thổi như thế này là của một bộ phận người dân tung ra nhằm trục lợi.



TTXVN/ Tin tức
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN