Không có việc “chi hơn 2.000 tỷ đồng cho Festival Đờn ca tài tử”

Sau khi một số báo đưa tin về chi phí hơn 2.000 tỷ đồng cho việc tổ chức Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất – Bạc Liêu 2014, ngày 7/5/2014, bà Lê Thị Ái Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, Trưởng Ban tổ chức (BTC) Festival này, đã trả lời báo chí nhằm làm rõ hơn những thông tin liên quan.

 

- Phóng viên: Gần đây, một số tờ báo có đề cập đến việc xây dựng những công trình phục vụ cho Festival Đơn ca tài từ (ĐCTT) quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014, trong đó nói đến kinh phí xây dựng những công trình này. Xin bà cho biết ý kiến về vấn đề này?

 

- Bà Lê Thị Ái Nam: Trước hết, BTC Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ nhất – Bạc Liêu 2014 chính thức thông báo là không có việc “chi hơn 2.000 tỷ đồng cho Festival Đờn ca tài tử”. Còn kinh phí chi cho các hoạt động của Festival ĐCTT quốc gia chủ yếu chi từ nguồn vận động tài trợ.

 

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và các nghị quyết của HĐND tỉnh, Bạc Liêu đã quan tâm đầu tư phần lớn nguồn vốn của tỉnh, nguồn thu từ xổ số kiến thiết, nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế để đầu tư vào các công trình kết cấu hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó có rất nhiều công trình phục vụ dân sinh như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu (2 giai đoạn) 275 tỷ đồng, trang thiết bị bệnh viện 491 tỷ đồng (đã thực hiện được hơn 100 tỷ đồng); 6 bệnh viện tuyến huyện (459 tỷ đồng), trang thiết bị y tế bệnh viện tuyến huyện (67 tỷ đồng); đầu tư kéo điện về nông thôn phục vụ nhân dân (209 tỷ đồng), trong đó vốn ngân sách tỉnh là 50 tỷ đồng (tỷ lệ hộ dùng điện của Bạc Liêu hiện nay là 97%); đầu tư xây dựng trường học (807 tỷ đồng); xây dựng các công trình giao thông (964 tỷ đồng); đầu tư xây dựng các trạm y tế xã và các công trình văn hóa, thể thao...

 

Nhà hát Ba nón lá phục vụ Festival đờn ca tài tử lần thứ nhất do Bạc Liêu đăng cai.

 

Trong hơn 20 danh mục dự án và công trình được tỉnh xác định tập trung chỉ đạo thực hiện thời gian qua, có 10 dự án là mời gọi đầu tư thuộc lĩnh vực kinh tế, dịch vụ, du lịch. Các công trình khác nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, giao thông, chống biến đổi khí hậu, nhu cầu văn hoá – nghệ thuật và tập luyện thể thao của nhân dân như: Trung tâm Hội chợ - triển lãm; kè Nhà Mát; kè sông Bạc Liêu; đường Hùng Vương, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Bạch Đằng và Cao Văn Lầu …. Vừa qua, tỉnh đã khánh thành Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ, Tượng đài sự kiện Mậu Thân. Hai công trình trên chủ yếu được xây dựng từ nguồn vốn tỉnh vận động. Công trình Nhà thi đấu đa năng nhằm phục vụ nhu cầu tập luyện và phát triển thể thao, nhất là thể thao thành tích cao của tỉnh. Công trình Quảng trường Hùng Vương đã được triển khai thực hiện từ năm 2009; đường Cao Văn Lầu, kè Nhà Mát là công trình phục vụ cho chống biến đổi khí hậu và giao thông đi lại của người dân, phát triển du lịch …. Các công trình đã được xác định là phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đời sống của nhân dân và có liên kết phục vụ Festival.

 

Chỉ có hai công trình trước mắt trực tiếp phục vụ hoạt động Festival và cũng phục vụ lâu dài cho sự phát triển của tỉnh đó là: Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã tổ chức khánh thành, với tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng; Trung tâm Triển lãm văn hoá – nghệ thuật và Nhà hát Cao Văn Lầu tổng mức đầu tư 222 tỷ đồng, đã triển khai các gói thầu xây lắp trị giá gần 90 tỷ đồng. Công trình Trung tâm triển lãm văn hóa, nghệ thuật và nhà hát Cao Văn Lầu dự kiến sẽ tổ chức một số hoạt động trong Festival, nhưng phải mất nhiều thời gian về thủ tục xây dựng cơ bản, kỹ thuật xây dựng và kiến trúc phức tạp nên đến nay chỉ hoàn thành được phần thô của công trình, vì thế các hoạt động của Festival đã được chuyển sang thực hiện tại Nhà thi đấu đa năng và một số địa điểm khác.

 

Cây đờn kìm.

 

- Còn đối với việc đầu tư xây dựng 13 tuyến đường ô tô về trung tâm xã và công trình biểu tượng văn hóa của tỉnh. Vấn đề này tỉnh đã chỉ đạo và thực hiện như thế nào, thưa bà?

 

- Dự án đường về trung tâm xã đã được thực hiện với 37 xã. Hiện nay, Bạc Liêu còn 13 trong tổng số 50 xã ô tô chưa đến được trung tâm, trong đó có nhiều cây cầu lớn nên cần vốn đầu tư khoảng 800 tỉ đồng. Các tuyến đường về trung tâm xã chủ yếu thực hiện từ nguồn vốn Trung ương; dự án này đã được Bộ Kế hoạch – Đầu tư trình Chính phủ hỗ trợ từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2016- 2020, nhưng đến nay các công trình này chưa được phân bổ vốn.

 

Đối với công trình biểu tượng văn hóa của tỉnh (cây đàn kìm cách điệu) phần xây dựng có tổng mức đầu tư hơn 8,2 tỷ đồng (gồm các hạng mục cây đàn kìm, đài sen, hồ nước, phun nước nghệ thuật, hệ thống ánh sáng đèn led…).

 

- Gần đây, Bạc Liêu nêu lên quan điểm “Bạc Liêu đi lên từ văn hóa”. Đây là một quan điểm rất mới ở địa phương. Vì sao tỉnh lại chọn “Bạc Liêu đi lên từ văn hóa”?

 

- Trước hết phải khẳng định, một địa phương muốn phát triển đi lên, phải khai thác tổng hợp tất cả các tiềm năng, lợi thế của mình. Nhưng trong các tiềm năng và lợi thế đó phải xác định tiềm năng lợi thế gì là chính, cách đi lên phải như thế nào?

 

Nói Bạc Liêu đi lên từ văn hoá là nói về cách đi lên của Bạc Liêu, cách để kinh tế Bạc Liêu phát triển, tuyệt nhiên không có nghĩa là không quan tâm đến phát triển kinh tế. Trái lại, phải rất quan tâm đến phát triển kinh tế. Điều này, trong ý kiến phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc sáng ngày 25/4/2014, Thủ tướng Chính phủ cũng đã hết sức quan tâm và lưu ý: “Trong kinh tế có văn hóa, trong văn hóa có kinh tế”. Quan điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là một nền kinh tế Bạc Liêu mạnh, một Bạc Liêu giàu có mới chính là mục tiêu phấn đấu của Bạc Liêu. Mặt khác, một khi kinh tế có hàm lượng văn hóa cao thì sẽ góp phần cho kinh tế phát triển bền vững. Tại Lễ khai mạc Festival Đờn ca tài tử quốc gia vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phát biểu: “Lễ hội cũng là tiền đề để tỉnh Bạc Liêu triển khai thực hiện định hướng phát triển, đi lên từ văn hóa; là dịp để bạn bè trong và ngoài nước thắm thêm tình người, tình đất nơi đây, để thêm tình cảm, thêm trách nhiệm, chung tay góp sức xây dựng, nâng cao đời sống mọi mặt của người dân…”

 

Khi đời sống vật chất khá lên thì nhu cầu muốn đi tham quan, du lịch, tìm hiểu văn hoá các vùng miền của người dân ngày càng cao. Tận dụng cơ hội đó, Bạc Liêu phải phát huy thế mạnh về văn hóa để phát triển du lịch, ngành kinh tế được xác định là mũi nhọn đột phá; phải đặc biệt quan tâm xây dựng phong cách người dân Bạc Liêu hiếu khách, văn minh, lịch thiệp; nâng cao văn hoá giao tiếp, ứng xử, văn hoá công sở, văn hoá du lịch, văn hóa đối ngoại cho cán bộ và người dân … Những yếu tố ấy phải được khơi dậy và phát huy, tạo nên “sức hấp dẫn rất Bạc Liêu” để thu hút du khách đến với Bạc Liêu và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mời gọi hợp tác, đầu tư vào các lĩnh vực khác của tỉnh.

 

Tỉnh cũng huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp như Dự án Điện gió Bạc Liêu, Nhà máy chế biến gạo Vĩnh Lộc Hồng Dân (công suất 200.000 tấn/năm); Khu du lịch Ô tô Bảo Toàn, Khu du lịch sinh thái Hồ Nam, nhà máy Bao bì; Nhà máy Bia Sài Gòn - Bạc Liêu, Công ty nuôi tôm Hải Nguyên… Các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế trong và ngoài tỉnh và đóng góp của nhân dân được hơn 530 tỷ đồng cho công tác đến ơn đáp nghĩa, giảm nghèo và an sinh xã hội . Nhiềucông trình, dự án đầu tư khác mà Bạc Liêu đã và đang triển khai cũng là nhờ vào sự thu hút đầu tư theo hướng đề cao yếu tố văn hóa, đề cao nhân tâm góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

 

- Xin cám ơn bà.

 

Cao Thăng (thực hiện)

Bế mạc Festival đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất
Bế mạc Festival đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất

Sau 6 ngày diễn ra với nhiều hoạt động phong phú, tối 29/4, Festival đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất đã khép lại bằng chương trình đặc sắc với sự tham gia của các nghệ nhân, nghệ sĩ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN